Đề xuất nâng lương tối thiểu cho cán bộ, công chức

Đề xuất nâng lương tối thiểu cho cán bộ, công chức
Theo khảo sát của Bộ Nội vụ tại ba bộ và 15 tỉnh, thành phố, hơn 98% ý kiến cho rằng, mức lương tối thiểu đang áp dụng với cán bộ, công, viên chức và lực lượng vũ trang thấp, chưa đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương.

Đề xuất nâng lương tối thiểu cho cán bộ, công chức

Theo khảo sát của Bộ Nội vụ tại ba bộ và 15 tỉnh, thành phố, hơn 98% ý kiến cho rằng, mức lương tối thiểu đang áp dụng với cán bộ, công, viên chức và lực lượng vũ trang thấp, chưa đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương.

Đề xuất nâng lương tối thiểu cho cán bộ, công chức ảnh 1
 Ảnh: minh họa - Internet
 

Thông tin này được Bộ Nội vụ công bố tại Hội thảo chia sẻ những kết quả tạm thời thu thập được trong chuyến công tác khảo sát, đánh giá độc lập về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2003 đến nay và định hướng cải cách giai đoạn 2012-2020, ngày 23 - 9 tại Hải Phòng.

Chương trình khảo sát, đánh giá độc lập do Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) thực hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ; các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là một trong những hoạt động được hỗ trợ thực hiện bởi dự án Hỗ trợ cải cách hành chính của Bộ Nội vụ do UNDP tài trợ.

Khảo sát cho thấy, từ năm 2003 đến nay, mức lương tối thiểu chung đã điều chỉnh bảy lần, từ 210.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng, bằng 3,952 lần, tăng thêm 295,2%, cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng 142,27% và mức tăng GDP 85,9%.

Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung này được thực hiện trên cơ sở mức tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng và khả năng của ngân sách nhà nước để từng bước cải thiện đời sống của cán bộ, công chức.

Từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với giai đoạn 2003-2007, lạm phát tăng cao hơn nhiều so với dự kiến, nên tuy Chính phủ đã chú trọng đến việc điều chỉnh tiền lương nhưng đời sống của người hưởng lương vẫn gặp không ít khó khăn.

Các ý kiến từ kết quả khảo sát và tại hội thảo đều đề nghị đưa mức lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp để động viên khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức gắn bó, tận tâm với công việc, làm tròn trách nhiệm công vụ, góp phần phòng, chống tham nhũng...

Dựa trên những kết quả thu được, nhóm chuyên gia khảo sát đề xuất một số định hướng cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2012-2020. Bộ Nội vụ sẽ kiến nghị nhiều biện pháp nhằm cải cách tiền lương, trong đó có việc nâng mức lương tối thiểu để cán bộ, công chức, viên chức đủ sống bằng lương; mở rộng quan hệ mức lương tối thiểu - trung bình - tối đa cho phù hợp; ban hành hệ thống bảng lương, ngạch, bậc mới; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp lương trên cơ sở xem xét đưa một số chế độ phụ cấp lương hiện hành vào mức lương theo quan hệ tiền lương mới cho phù hợp.

Bộ đề xuất đẩy mạnh thực hiện đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương đối với khu vực sự nghiệp công lập theo hướng đơn vị sự nghiệp được thu phí dịch vụ tính đủ tiền lương và từng bước tính đủ các chi phí khác; đơn vị sự nghiệp thực hiện hạch toán thu-chi (không vì mục đích lợi nhuận), trên cơ sở đó nâng cao chất lượng, phát triển hoạt động để vừa phục vụ tốt hơn nhu cầu của xã hội, vừa tự cân đối nguồn thu.

Những đề xuất cụ thể trên được các đại biểu và chuyên gia phản biện cùng bàn luận trước khi chính thức trình Chính phủ phê duyệt.

Theo Thu Trang
TTXVN/Vietnam+

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG