Theo tính toán của doanh nghiệp, tổng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội hiện nay khoảng 32%. Cụ thể, doanh nghiệp đóng 17%, người lao động đóng 8%, đóng bảo hiểm y tế và khoản khác khoảng 7%.
VCCI dẫn kinh nghiệm quốc tế, nhiều quốc gia có tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn Việt Nam, tiêu biểu như: Indonesia 10%, Philippines 8%, Thái Lan 5%.
“Bối cảnh doanh nghiệp gặp không ít khó khăn như hiện nay, việc hạn chế gia tăng chi phí cho doanh nghiệp rất cần thiết. Đặc biệt, khi nhân công giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam và nhiều đối thủ cạnh tranh sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cả chi phí về bảo hiểm xã hội”, VCCI cho biết.
Từ lý do trên, VCCI kiến nghị, giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động xuống mức 20% nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
VCCI đề xuất giảm xuống mức 20% tiền đóng bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh họa: ST). |
Trước đó, 8 hiệp hội gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cùng đề xuất giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện các bước cuối cùng để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm nay (dự kiến thông qua năm 2024, có hiệu lực từ năm 2025).