Đại biểu Quốc hội, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn:

Đề xuất đưa chỉ số phát triển thanh niên vào Luật Thống kê sửa đổi

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn tại phiên thảo luận. Ảnh: Như Ý
Đại biểu Quốc hội, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn tại phiên thảo luận. Ảnh: Như Ý
TPO - Đại biểu Quốc hội, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, nếu đưa chỉ số phát triển thanh niên vào trong lần sửa đổi Luật Thống kê này sẽ rất tốt, góp phần cho việc thực hiện chiến lược thanh niên 2021 – 2030 bài bản hơn, hiệu quả hơn.

Tại phiên thảo luận tổ chiều 20/10, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Tuấn (đoàn TPHCM), Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn cho biết, trong quá trình hội nhập, thời gian tới, thống kê đóng vai trò quan trọng. Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê đã đề cập đến nhiều lĩnh vực mới, tuy nhiên, lại chưa thấy bổ sung chỉ số liên quan đến vấn đề khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, phải thống kê được số doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và rút lui khỏi thị trường hằng năm. Chúng ta phải làm rõ được nội hàm của doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo là gì, số gia nhập bao nhiêu, rút lui bao nhiêu, để thấy được môi trường, hệ sinh thái khởi nghiệp cho đổi mới sáng tạo trong từng năm thay đổi thế nào, có chiều hướng tốt hay không.

Anh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, số doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của chúng ta rất thấp, vì môi trường, mô hình thử nghiệm chưa thực sự thuận lợi; nếu có chỉ số này, sẽ đánh giá được tốt hơn. Bên cạnh đó, anh Nguyễn Anh Tuấn cũng bày tỏ mong muốn về những chỉ số liên quan đến độ tuổi thanh niên thành lập hoặc làm chủ doanh nghiệp. Đây cũng là con số quan trọng, nếu có sẽ có thêm những kiến nghị chính sách liên quan, tạo môi trường thể chế, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, phương thức kinh doanh cho các bạn trẻ hội nhập.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cũng cho biết, chúng ta đã có chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2011 – 2020 và Thủ tướng Chính phủ vừa ký chiến lược phát triển thanh niên 2021 – 2030, nhưng chế tài liên quan đến việc thực hiện các trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương không phải lúc nào cũng chặt chẽ, vì chúng ta không có chỉ số đánh giá hằng năm.

“Tổng cục Thống kê đã có khởi động việc này, nếu được, có thể đưa chỉ số phát triển thanh niên vào trong lần sửa đổi này sẽ rất tốt, góp phần cho việc thực hiện chiến lược thanh niên 2021 – 2030 bài bản hơn, hiệu quả hơn”, anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Đề xuất đưa chỉ số phát triển thanh niên vào Luật Thống kê sửa đổi ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm tại phiên thảo luận. Ảnh: Như Ý

Cũng liên quan đến dự án này, một số đại biểu khẳng định, hiện tại chúng ta có kho cơ sở dữ liệu khổng lồ. Cơ quan thống kê có thể tận dụng được rất nhiều từ cơ sở dữ liệu này, không cần thống kê, rà soát chọn mẫu thủ công như trước.

Góp ý cho dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho rằng, công tác thống kê rất có ý nghĩa trong lãnh đạo, chỉ đạo, đánh giá tình hình chung. Dữ liệu là nguồn tài nguyên quốc gia, trong quá trình tổng hợp, xử lý bằng công nghệ số thì việc bảo vệ bí mật trên nền tảng này phức tạp hơn nhiều so với việc bảo vệ bằng giấy tờ trước đây.

Xác định điều đó, Bộ Công an có nguyên lý rất quan trọng là "sống, sạch, đủ, đúng" đối với dữ liệu. Tuy nhiên, thống kê hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu "sống", thống kê xong lạc hậu ngay, chưa được cập nhật so với diễn biến tình hình, thì con số cho ra rất tương đối.

Bộ trưởng cũng nêu thực tế do dữ liệu chưa "sạch" nên vừa qua Bộ Công an không thể kết nối với một số bộ, ngành. Do đó, Bộ đề nghị các đơn vị làm "sạch" dữ liệu để tiến tới liên thông, kết nối với nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần mang lại hiệu quả trong công tác điều hành, tạo thuận tiện cho người dân...

MỚI - NÓNG
Rút BHXH một lần, người lao động đã tự tước bỏ quyền có lương hưu khi về già. Ảnh minh họa
Rút BHXH một lần: Giải quyết nhu cầu trước mắt, người lao động gặp khó khăn khi về già
TP - Đã từng rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, giờ nhiều người ở tuổi “xế chiều” tiếc và muốn hoàn lại để có lương hưu, nhưng không được. Không có lương hưu, nhiều người dù quá tuổi lao động (LĐ) vẫn phải kiếm sống và phụ thuộc vào con cháu. Dù vậy, thực tế vẫn có nhiều người trẻ, trong tuổi LĐ vẫn rút BHXH một lần, tự mình đánh mất “của để dành” quý giá để sống an vui trong tương lai.