Đề xuất đánh thuế nhà đất từ 700 triệu: Bỏ lợi ích đa số người dân

Những người mua nhà ở thương mại vay gói 30.000 tỷ đồng được nhà nước hỗ trợ lãi suất vay, nhưng sẽ phải trả lại nhà nước qua thuế tài sản? Ảnh minh họa.
Những người mua nhà ở thương mại vay gói 30.000 tỷ đồng được nhà nước hỗ trợ lãi suất vay, nhưng sẽ phải trả lại nhà nước qua thuế tài sản? Ảnh minh họa.
TP - Thay vì lấy ý kiến đánh thuế tài sản với người sở hữu căn nhà thứ 2 trở đi nhằm điều tiết giàu nghèo và chống đầu cơ nhà đất như dự kiến trước đó (khó khả thi bởi liên quan đến nhiều cơ quan và phức tạp), Bộ Tài chính đã chọn giải pháp “đánh” thẳng thuế với bất kể căn nhà nào có giá từ trên 700 triệu đồng trở lên. Với cách làm này, các chuyên gia đánh giá: Bộ Tài chính đã chọn “dễ làm, khó bỏ” đánh thuế tài sản vào đại bộ phận người dân để dễ thu và thu được nhiều.

Ngược với chính mình

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Chính sách thuế (Bộ Tài chính - đơn vị soạn thảo Dự thảo Luật Thuế Tài sản) thừa nhận, việc đánh thuế tới toàn bộ đất ở, và phần nhà ở vượt ngưỡng 700 triệu đồng sẽ tác động tới mọi người dân, đặc biệt là với những người có quyền sử dụng đất, sở hữu nhà nhưng không có thu nhập để đóng thuế. Dù vậy, đơn vị soạn thảo vẫn lựa chọn đề xuất trên, vì chỉ điều tiết với nhà, đất có giá trị lớn (?).

Nhiều người đồng thuận có thuế tài sản, nhưng phải hướng tới mục tiêu điều tiết thu nhập của người giàu, có nhiều tài sản, chống đầu cơ. Thay vì như vậy, Bộ Tài chính lại hướng tới mục tiêu dễ thu và thu được nhiều, điều này vừa ngược mục tiêu của sắc thuế, vừa không công bằng với đa số người dân có thu nhập thấp, đang rất cần Nhà nước hỗ trợ để đạt giấc mơ an cư.

Trước đó, nhiều người tỏ ra đồng tình đánh thuế với người sở hữu căn nhà thứ 2 trở đi. Nhưng thay vì thế, Bộ Tài chính lại đề xuất đánh thuế với tất cả các loại nhà có giá từ 700 triệu đồng trở lên (trừ một số đối tượng được miễn thuế). Trong khi đó, những năm qua, nhà chung cư có giá trên dưới 1 tỷ đồng đang được nhà nước hỗ trợ (cấp bù) lãi suất vay ngân hàng để tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có nhà (gói cho vay 30.000 tỷ đồng). Ngay trong Hiến pháp 2013 cũng nêu rõ: Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở (điều 59).

Ngoài ra, ngưỡng chịu thuế 700 triệu đồng/nhà đất trên được cho là đã điều tiết với người thu nhập cao (dù thực tế, mức giá nhà trên chỉ tương đương mức giá căn nhà được Nhà nước hỗ trợ người thu nhập thấp).

Giải thích cho lựa chọn có phần “trái ngược” kể trên, ông Phạm Đình Thi cho rằng: Việc đánh thuế với căn nhà thứ 2 trở đi được áp dụng tại một số nước, như Singapore, Nhật, Anh, Pháp... nơi có thị trường bất động sản minh bạch, hệ thống quản lý nhà, đất chặt chẽ. Trong khi đó, theo ông Thi đánh giá, thực tế tại Việt Nam các giao dịch bất động sản vẫn thực hiện thủ công, việc áp dụng công nghệ thông tin rất hạn chế. Do đó, xác định tổ chức, cá nhân nào sở hữu nhà thứ 2 trở đi phức tạp. “Thực tế đó gây khó khăn trong triển khai thực hiện thu thuế, chưa phù hợp với điều kiện triển khai tại Việt Nam và cần có sự phối hợp thực hiện giữa nhiều cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở”, ông Thi nói.

Cũng theo đại diện đơn vị đề xuất thuế, việc thu thuế từ căn nhà thứ 2 trở đi không đảm bảo công bằng. Đặc biệt, phương án trên có thể làm giảm sự hấp dẫn của thị trường bất động sản, nhà cho thuê, người dân có thể chuyển sang kênh đầu tư vàng, chứng khoán... Từ các phân tích trên, ông Thi đề nghị không thực hiện phương án đánh thuế đối với ngôi nhà thứ 2 trở đi. Theo ý kiến của nhiều người, đây thực sự là lý giải khó thuyết phục?!

Một chuyên gia cho rằng, trên thực tế, ngay trong các lập luận về ngưỡng đánh thuế tài sản, Bộ Tài chính cũng đang... “đi ngược” với chính mình. Đơn cử: cơ sở dữ liệu về nhà đất để các giao dịch bất động sản minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước... đều là trách nhiệm của nhà nước, không thể vì những yếu tố đó để đẩy bất lợi sang dân. Hay việc Bộ Tài chính nói không đánh thuế từ căn nhà thứ 2 vì làm mất sức hấp dẫn của thị trường bất động sản, người dân sẽ chuyển hướng đầu tư. Điều này lại ngược với chính giải thích cho mức đề xuất thu thuế với tất cả trường hợp có nhà từ 700 triệu đồng trở lên, khi bộ này nói rằng, đề xuất như vậy để góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ nhà đất, sử dụng đất lãng phí, chiếm dụng đất.

Chỉ lo đánh thuế trong khi chi tiêu ngân sách vẫn thất thoát tràn lan

Trao đổi với Tiền Phong, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng, thuế tài sản đưa ra đúng thời điểm nhiều loại thuế khác được đề xuất tăng, nên Bộ Tài chính bị phản ứng. Quan trọng hơn, theo ông Đào, tình trạng thất thoát, lãng phí, tham nhũng, đầu tư không hiệu quả tiền ngân sách khiến dân phản ứng với các sắc thuế mới trở nên dữ dội hơn. “Người dân cảm thấy đồng tiền mình chắt chiu đóng góp vào thuế, nhưng bị sử dụng như vậy nên càng xót xa”, ông Đào nói. Ông dẫn chứng trường hợp Mobifone mua lại AVG với giá “trên trời”, hàng chục dự án nghìn tỷ đắp chiếu, mua tàu nghìn tỷ về bán sắt vụn... Ông Đào nhắc lại câu chuyện tuyên truyền của ngành thuế để nói về bất công trong thu - chi thuế. Khi đi dọc đất nước đâu đâu cũng treo khẩu hiệu “nộp thuế là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân”, “thuế là nguồn thu để xây dựng đất nước”... nhưng không đâu có biển “dùng thuế lãng phí là có tội với nhân dân”.

Trong dự thảo Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính, ở điều khoản các đối tượng được miễn, giảm thuế không hề đề cập tới những đối tượng mua nhà hình thành từ vốn vay ngân hàng. Do đó, có thể hiểu tất cả nhà, đất (cả nhà đất và chung cư) người dân vay ngân hàng để mua, xây mới, cải tạo, sửa chữa đều phải đóng thuế (trừ một số đối tượng chính sách được miễn, giảm thuế). Như vậy, người vay mua nhà sẽ phải đồng thời chịu lãi suất ngân hàng (hiện khoảng 10-12%/năm), và mức thuế 0,4%/năm. Điều này cũng đồng thời xảy ra với người thu nhập thấp vay gói 30.000 tỷ đồng, hoặc được nhà nước cấp bù lãi suất để vay ngân hàng mua, xây mới, cải tạo nhà (trừ nhà ở xã hội, đối tượng chính sách). 

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".