Đề xuất chức danh phó tùy viên trở lên được cấp hộ chiếu ngoại giao

TPO - Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định chung về các chức danh phó tùy viên trở lên được cấp hộ chiếu ngoại giao, để thuận tiện trong công việc thực thi nhiệm vụ.

Chiều 2/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Quan tâm đến việc có thêm thông tin vào hộ chiếu, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho biết, luật hiện hành không có quy định thông tin về nơi sinh trong hộ chiếu. Điều này dẫn đến sự phản ứng từ phía nước ngoài từ chối cấp thị thực và hộ chiếu mẫu mới, gây khó khăn cho công dân ta khi xuất, nhập cảnh và tạo dư luận không tốt.

Đề xuất chức danh phó tùy viên trở lên được cấp hộ chiếu ngoại giao ảnh 1

Bộ trưởng Công an cùng các đại biểu tham dự phiên họp ngày 2/6. (Ảnh: Như Ý)

Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo có quy định cụ thể về việc khai báo tạm trú đối với người nước ngoài ngủ, nghỉ tại các nơi công cộng, tránh trường hợp bỏ sót, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, đặc biệt là các trường hợp tội phạm quốc tế truy nã của các nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết 76, theo đó đồng ý bổ sung thông tin nơi sinh vào hộ chiếu cấp cho công nhân Việt Nam. “Tôi nghĩ đây là dịp nên bổ sung vào luật để thuận tiện trong công tác cấp hộ chiếu, xin thị thực của các nước”, đại biểu Phương nêu quan điểm.

Đại biểu cũng đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung quy định, người được phong hàm ngoại giao hoặc giữ chức vụ từ tùy viên, phó tùy viên quốc phòng trở lên, được cấp hộ chiếu ngoại giao.

"Tuy nhiên, khi tham khảo về chức vụ ngoại giao của đại sứ quán một số nước thì họ có các chức danh như tùy viên và phó tùy viên về văn hóa giáo dục, về kinh tế. Tôi tìm hiểu nhưng không thấy chúng ta có quy định các chức danh này ở các đại sứ quán của Việt Nam.

Tôi nghĩ nếu được chúng ta nên quy định chung về các chức danh phó tùy viên trở lên được cấp hộ chiếu ngoại giao. Như vậy, khi chúng ta có chức danh mới này thì đương nhiên họ được cấp hộ chiếu ngoại giao để thuận tiện trong công việc thực thi nhiệm vụ”, đại biểu cho hay.

Trong khi đó, đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội) cho rằng, việc Chính phủ đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử đến 3 tháng là rất phù hợp với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, thời hạn thị thực điện tử đến 3 tháng phù hợp với thời gian lưu trú đối với người nước ngoài.

“So với đơn phương miễn thị thực, việc cấp thị thực điện tử giúp cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh sàng lọc các đối tượng chưa cho nhập cảnh, phối hợp, trao đổi với các đơn vị nghiệp vụ khi có yêu cầu, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý”, đại biểu Thành nêu.

Đề xuất chức danh phó tùy viên trở lên được cấp hộ chiếu ngoại giao ảnh 2

Các đại biểu tham dự phiên họp ngày 2/6. (Ảnh: QH)

Đối chiếu với các điều khoản sửa đổi về thị thực trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc sửa đổi về thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và việc miễn thị thực của Việt Nam cũng chưa tăng nhiều thời gian như các quốc gia trong khu vực.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm về nội dung này và cần tăng miễn thị thực, gia hạn, tăng cường thêm các mốc thời hạn tạm trú đối với người nước ngoài trong dự thảo luật.

Báo cáo tiếp thu giải trình, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết, việc sửa đổi hai dự án luật này nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; góp phần thể chế hóa chủ trương phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong số 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử kinh tế số.

Đồng thời, việc xây dựng luật còn đáp ứng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 76/2022 để bổ sung thông tin nơi sinh vào hộ chiếu và khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân năm 2019 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2019.

“Trên thực tế, mục đích của việc sửa đổi luật này là tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”, Đại tướng Tô Lâm khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan của Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội thông qua vào ngày 24/6/2023.

Tin liên quan