Đề xuất cho nhà đầu tư ngoại 'mua bán khống' chứng khoán

TPO - Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 20sáng nay, lãnh đạo Dragon Capital đã đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam và đề xuất bỏ' quy định phải đủ có tiền, chứng khoán trước khi đặt lệnh.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, Trưởng nhóm công tác thị trường vốn cho biết, trong phiên đầu tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự khởi sắc khi tăng gần 3% lấy lại mốc 950 điểm. 

Theo quy định hiện nay, nhà đầu tư phải đảm bảo có đủ tiền và chứng khoán mới được giao dịch, ông Dominic Scriven cho rằng yêu cầu này là quá mức cần thiết. Mục đích của quy định này là quản lí, ngăn chặn rủi ro phát sinh từ giao dịch. Tuy nhiên, đối tượng áp dụng hiện tại bao gồm cả nhà đầu tư và công ty chứng khoán. Quy định này cũng trái thông lệ quốc tế khi yêu cầu này chỉ áp dụng đối với công ty chứng khoán. 

Việc áp dụng quy định này đối với nhà đầu tư đã can thiệp quá sâu và vi mô tới thỏa thuận thương mại giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư. Đồng thời, làm giảm thanh khoản thị trường, giảm chức năng của thành viên lưu ký, hạn chế sự linh hoạt của công ty chứng khoán và tăng chi phí giao dịch.
Đề xuất cho nhà đầu tư ngoại 'mua bán khống' chứng khoán ảnh 1  Ông Dominic Scriven phát biểu tại Hội nghị
Nhóm công tác kiến nghị Dự thảo Luật Chứng khoán cần quy định cơ sở pháp lí, giải pháp và lộ trình cho việc xóa bỏ yêu cầu nhà đầu tư phải đảm bảo có đủ tiền và chứng khoán trước khi đặt lệnh giao dịch, đồng thời vẫn duy trì an toàn giao dịch cho thị trường.

Về vấn đề sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán, nhóm công tác thị trường cho rằng hiện có sự chồng chéo, không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán về địa vị pháp lý của các công ty đại chúng (bao gồm cả công ty niêm yết và chưa niêm yết) có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 51%. 

“Điểm mấu chốt là tỉ lệ sở hữu nước ngoài của các công ty này có thể thay đổi hàng ngày, hôm trước trên 51%, ngày hôm sau dưới 49%. Như vậy, quy định yêu cầu mọi hoạt động “mua cổ phần, phần vốn góp” dẫn đến sở hữu nước ngoài từ 51% trở lên đều phải đăng kí là bất hợp lí và không thể thực hiện được”, đại diện nhóm công tác Thị trường vốn cho hay. 

Do đó, nhóm công tác Thị trường vốn kiến nghị, Việt Nam cần xác định rõ ranh giới phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoán bằng việc thêm vào phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoán.

Cụ thể, sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư, điều kiện và thủ tục đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư. 

Khi có xung đột pháp luật về sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư, Luật Chứng khoán cần được ưu tiên áp dụng.

MỚI - NÓNG