Ngân hàng siết vốn, công ty chứng khoán cắt giảm cho vay

Ngân hàng siết vốn, công ty chứng khoán cắt giảm cho vay
TP - Trả lời chất vấn tại Quốc hội phiên chất vấn mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, việc cấp tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất  động sản đã được kiểm soát chặt chẽ. Dư nợ tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán tăng 1,7% so với đầu năm 2018 và chỉ chiếm tỷ trọng 0,36%.

Đối với các lĩnh vực khác, tốc độ tăng cho vay cũng đã chậm lại. Dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản cuối tháng 8 năm nay tăng 5,2% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành và chiếm tỷ trọng 7,4%. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2017, tín dụng lĩnh vực này tăng 9,79% và chiếm 6,7% tổng dư nợ. Tín dụng lĩnh vực BT, BOT tăng 6,5%, chiếm 1,6% tổng tín dụng, trong khi cùng kỳ năm trước tăng trưởng 9% và chiếm 1,57%.

Ông Hưng khẳng định: NHNN đã thực hiện nhất quán chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội trong việc kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, thông qua tăng hệ số rủi ro với BĐS và kiểm soát tín dụng, tăng thanh tra và cảnh báo với các tổ chức.

Theo thống kê, hiện việc vay mượn trên thị trường chứng khoán (TTCK) đa số được thông qua hình thức cho vay cấp margin, ứng tiền bán trước. Với đa số các công ty chứng khoán lớn, lãi từ hoạt động cho vay này đang trở thành một trong những nguồn thu quan trọng nhất. Thống kê cho thấy, tổng cộng 25 công ty có số dư cho vay lớn nhất tại thời điểm 30/9/2018 đạt 44.763 tỷ đồng - tăng hơn 3.000 tỷ so với cuối quý 2 nhưng vẫn thấp hơn con số 47.000 tỷ đồng của cuối quý 1. 

Dẫn đầu là SSI với hơn 5.400 tỷ, tiếp đến là HSC: 4.300 tỷ, VCSC: 4.070 tỷ và VNDirect với gần 3.400 tỷ đồng. 3 công ty khác có dư nợ trên 2.000 tỷ gồm MBS, SHS, Mirae Asset cùng 10 công ty khác có dư nợ trên 1.000 tỷ. Những công ty đứng cuối trong danh sách có dư nợ hơn 400 tỷ đồng. Ngoài Top 25 này, dư nợ cho vay của các công ty còn lại khá nhỏ, chỉ từ vài chục tỷ đến 200 tỷ đồng.

Giới đầu tư thừa nhận: Việc dư nợ cho vay tại thời điểm cuối quý 1 rất cao do đây là thời kỳ chứng khoán Việt Nam vẫn đang trên đà đi lên (VN-Index lập đỉnh vào tuần đầu tháng 4).  Tuy nhiên, với việc TTCK  Việt Nam cũng như thế giới sụt mạnh trong cả tháng 10 (bốc hơi 17 tỷ USD vốn hoá), hiện đa số nhà đầu tư đã chủ động giảm vay nợ, bản thân các CTCK cũng chủ động cắt giảm hoạt động này. 

MỚI - NÓNG