Sáng 22/5, Quốc hội cho ý kiến về chương trình xây dựng luật pháp lệnh. Băn khoăn về việc dự án rút ra khỏi chương trình mà chưa biết bao giờ mới được đưa vào, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, đoàn Kiên Giang đề nghị Quốc hội sớm đưa vào chương trình sửa đổi Luật Đất đai. Theo đại biểu, việc quản lý đất đai hiện còn quá nhiều yếu kém, nhiều quy định trong luật còn chung chung, chưa rõ ràng, một số vấn đề phát sinh mới chưa được điều chỉnh kịp thời, nhiều nội dung khó hiểu, khó áp dụng trong thực tiễn.
Theo bà Kim Bé, vấn đề đất đai có tác động lớn đến tài sản của nhân dân, tình trạng khiếu kiện chủ yếu liên quan đến đất đai, chiếm tới 70% số vụ khiếu nại.
Qua thực tế ghi nhận ý kiến cử tri và gửi đến Quốc hội, đại biểu mong muốn sớm sửa đổi Luật Đất đai, xem xét đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2021.
Trước đó ít phút, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo Quốc hội, đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Thường vụ đã rút khỏi chương trình 2 dự án luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Lý do được đưa ra là để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi trong Luật Đất đai, khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị và khẩn trương xây dựng dự án Luật bảo đảm chất lượng.
Trường hợp nếu kịp thì báo cáo Uỷ ban Thường vụ, cho bổ sung vào Chương trình năm 2021 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021). Đồng thời, UBTVQH đề nghị không bổ sung dự thảo Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai vào Chương trình năm 2020.
Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất ban hành Luật bảo vệ người làm việc tốt. Theo ông, tình trạng vô cảm, không giúp đỡ người khác vì tâm lý sợ phiền hà, làm ơn mắc oán. Vì thế, cần nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ người làm việc tốt, để bảo vệ người tốt, tránh bị tổn thất, cũng tránh lợi dụng làm việc tốt mà vi phạm pháp luật.