Đề văn làm thay đổi cách dạy, học

Thí sinh trao đổi sau giờ thi môn Văn tại TPHCM. Ảnh: Lê Nguyễn.
Thí sinh trao đổi sau giờ thi môn Văn tại TPHCM. Ảnh: Lê Nguyễn.
TP - Trong những kỳ thi gần đây, đề thi môn văn đã có thêm những câu hỏi mở, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng những kiến thức từ thực tế vào bài làm. Nhiều câu hỏi mở mang tính thời sự, phản ánh hiện thực xã hội đang được dư luận xã hội ngày càng đồng tình, ủng hộ, góp phần tích cực vào việc thay đổi cách dạy và học văn hiện nay trong bậc học phổ thông.

> Thí sinh Hà Nội 'thở phào' với đề thi Toán, Văn

Giúp thí sinh nhìn lại bản thân

Ngày 21-6, đề thi môn Ngữ văn kỳ thi vào lớp 10 tại TPHCM đã đề cập đến sự thờ ơ và vô cảm - hiện tượng được cho là khá phổ biến trong giới trẻ đã từng được đăng trên một tờ báo.

Một em 15 tuổi được mẹ chở đi đánh cầu lông. Xe bị va quẹt, đồ đạc văng tung tóe. Trong khi người mẹ và người đi đường lúi húi nhặt đồ, em vẫn thờ ơ đứng nhìn.

Khi mẹ nhặt đồ xong và lên xe, em còn thản nhiên dặn: “Lát về mẹ mua cho con ly chè”! Một cậu học sinh khác có thể kể vanh vách về cách ăn mặc, sở thích của ca sĩ mình hâm mộ nhưng lại không thể trả lời về nghề nghiệp và sở thích của bố mẹ mình. Đề thi yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về hai hiện tượng này.

Sau buổi thi, nhiều học sinh tại các hội đồng thi đã cho biết, khi đọc đề thi này các em đã “giật mình” và tự nhìn lại bản thân liệu có lúc nào đã thờ ơ như hai bạn trẻ trên không.

Em Nguyễn Lê Phương, thí sinh tại hội đồng thi THCS Phú Mỹ (Bình Thạnh) cho biết: Đề văn thật bất ngờ với chúng em. Sự thờ ơ, vô cảm đang là một hiện tượng phổ biến trong giới trẻ bọn em.

Đôi khi có những việc rất nhỏ (giống như hành động, suy nghĩ của hai bạn trẻ trong đề thi - PV) nhưng chúng em không nghĩ tới và cho là bình thường.

“Theo em, với đề thi này, chúng em có dịp nhìn nhận lại bản thân mình và sống có hiếu, không thờ ơ với cha mẹ, người thân của mình”, Lê Phương nói.

Phụ huynh Nguyễn Thị Thanh Tuyền, ở Thủ Đức, TPHCM cho biết: Hai chuyện trong đề văn trên ở ngoài xã hội khá phổ biến chứ không phải không có.

Có rất nhiều em hiện nay được gia đình nuông chiều quá mức mà thờ ơ, vô cảm trước mọi hoàn cảnh, thậm chí vô cảm đối với cả cha mẹ, người thân của mình.

Nhiều em chỉ biết ăn chơi, mà không hề nghĩ tới cha mẹ mình phải quần quật suốt ngày để kiếm tiền lo miếng ăn cho các em.

Nhiều em bây giờ cứ mãi “chạy” theo những thần tượng là những ca sĩ, người mẫu…, mà quên đi cuộc sống hiện tại của chính bản thân, gia đình mình.

“Tôi nghĩ khi đọc đề này, nhiều em sẽ không kìm được lòng mình khi nghĩ về cha mẹ, người thân”, chị Tuyền nói.

Không chỉ có đề văn thi vào lớp 10 tại TPHCM năm nay mới có những câu “mở” thú vị như trên mà trước đó, đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 “thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội” cũng đã được xã hội ủng hộ.

Nhận xét về đề thi trên, thí sinh Phạn Thị Tú Trúc, học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết: Với câu hỏi này theo em học sinh làm được, có điểm cao phải là người sống thật và viết thật những suy nghĩ của mình và phải có những kiến thức thực tế.

Ví dụ: Phải biết rằng nói dối không phải bao giờ cũng xấu có khi nói dối sẽ tạo cho người khác sự thoải mái, dễ chịu, nhưng cũng có khi nói dối sẽ làm huỷ hoại một con người.

Phải thay đổi cách dạy, học

Thí sinh sau buổi thi môn văn tại hội đồng thi Trường THPT Maricurie Ảnh: Quang Phương
Thí sinh sau buổi thi môn văn tại hội đồng thi Trường THPT Maricurie.  Ảnh: Quang Phương.
 

Nhận xét về đề thi tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM năm nay, Thạc sĩ Triệu Thị Huệ, tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) nhận xét: Từ khi TPHCM tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đến nay, đây là lần đầu tiên trong đề bài nghị luận xã hội đề cập đến hai hiện tượng, hai câu chuyện cụ thể diễn ra trong cuộc sống hằng ngày để phản ánh về lối sống của bạn trẻ hiện nay.

Đề thi mở như thế này đòi hỏi học sinh phải vận dụng những kiến thức thực tế, những suy nghĩ từ chính bản thân mình, từ những việc làm, hành động, tình cảm của mình hằng ngày đối với cha mẹ thì mới hy vọng làm tốt bài.

Với đề này, những học sinh đã quen với cách học, làm bài một cách thụ động theo các bài văn mẫu thì không thể làm được.

Trong khi đó, cô Trương Thị Việt Thuỷ, nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhận xét rằng: Cách ra đề văn tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM là một sự đổi mới và những đề văn như thế này đã gắn kết văn học gần với cuộc sống thực tế hơn.

Đề văn như thế mang tính nhân văn cao, nó không chỉ là đề thi mà còn giúp cho học sinh nhìn lại chính bản thân mình để sống đúng hơn, hành động đúng hơn.

Không chỉ có đề thi văn mới có những câu hỏi “mở” sát sườn với thực tế mà ở một số môn xã hội khác ngày càng có thêm nhiều câu hỏi “mở” mang tính thời sự, hiện thực cuộc sống.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, đề thi môn Địa lý cũng là một đề thi đầy tính thời sự. Ở hệ THPT có đến 3 câu liên quan vấn đề biển đảo, chuyện chủ quyền đang rất nóng thời gian qua.

Đề thi hệ GDTX đề nghị học sinh nêu tên hai quần đảo thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, không khó nhận ra câu hỏi đề nghị nêu tên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo ý kiến đánh giá của nhiều giáo viên tại TPHCM, thời gian gần đây, đề thi một số môn xã hội như văn, địa lý đã có những cải tiến mới, đề thi có những câu bám sát vấn đề của đời sống, hiện thực xã hội.

Với cách ra đề như thế sẽ có tác động tích cực đến quá trình dạy và học trong trường phổ thông, giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy và học sinh cũng phải thay đổi phương pháp học chứ không thể học và dạy theo kiểu thầy đọc trò chép, hay học vẹt…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.