Đề phòng bát đĩa sứ, thủy tinh nhiễm chì

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm sứ, thủy tinh có hoa văn đẹp mắt, tinh xảo khiến người tiêu dùng rất ưa chuộng. Tuy nhiên theo các chuyên gia, sứ càng đẹp, càng có hoa văn càng nhiều chì, khả năng gây nhiễm độc cho cơ thể càng cao.

Theo thống kê của Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm (Bộ Khoa học và Công nghệ) trên thị trường hiện có tới 80% sản phẩm bát đĩa, cốc, bình nước uống... bằng gốm sứ, thủy tinh, pha lê có nguồn gốc xuất sứ từ Trung Quốc. 

Tuy nhiên, các sản phẩm này lại được gắn nhãn mác của các nước châu Âu như: Đức, Pháp, Ý...với giá bán cao ngất ngưởng. Đặc biệt, là các sản phẩm này thường có hàm lượng chì vượt mức quy định, có khả năng gây nguy cơ nhiễm độc cao cho người tiêu dùng.

Các nghiên cứu đều cho thấy đồ gốm sứ hoa văn càng sặc sỡ thì hàm lượng chì càng cao. Nguyên nhân là vì thông thường, gốm phải nung ở nhiệt độ từ 1.200 - 1.500 độ C. 

Nhưng nếu pha thêm chì chỉ cần nung ở 800 - 1.100 độ C đã được một lô thành phẩm, vừa tiết kiệm được năng lượng, vừa có sản phẩm hoa văn đẹp mắt. 

Những sản phẩm độc hại này càng thôi nhiễm chì cao nếu đựng đồ ăn nóng, chua, nước hoa quả... bởi ở nhiệt độ cao, có axít, kiềm muối sẽ làm chì nhanh chóng giải phóng, thôi nhiễm vào thức ăn và gây độc cho cơ thể. Nguy hiểm nhất là những sản phẩm có hình in sát mép cốc vì chì dễ xâm nhập vào cơ thể khi người sử dụng ăn, uống, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Theo TS. Trần Hồng Côn, Khoa Hóa (ĐHQG Hà Nội), hàm lượng chì trong đồ thủy tinh lớn, gặp điều kiện thuận lợi có thể thôi ra, thâm nhập và tích lũy trong cơ thể, làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, máu, gây nhiễm độc nặng, thậm chí tử vong. Hàm lượng chì ở ly, cốc, bát đĩa có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hóa và qua da khi người cầm, nắm sản phẩm.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên mua bát đĩa gốm sứ chất lượng cao, màu trắng, ít hoa văn, trơn nhưng không quá bóng loáng. 

Hạn chế dùng bát đĩa tráng men màu trong lòng bát. Khi thấy bát đĩa sần sùi, bong tróc lớp men bóng, hoặc rạn thì nên mua bát mới. Bởi men chì nhanh bị mài mòn, hàng chợ càng chóng bị bong tróc men, phai màu và hàm lượng chì thoát ra nhiều và ngấm hết vào thức ăn, rất nguy hiểm cho người dùng.

Đặc biệt không dùng bát đĩa gốm sứ quay trong lò vi sóng vì ở nhiệt độ cao, chất độc trong gốm sứ dễ tan hơn. Cũng không nên để dưa chua trong đồ gốm sứ mà nên để trong lọ thủy tinh. 

Với đồ thủy tinh, tránh những đồ long lanh, bắt mắt. Chỉ nên dùng sản phẩm thủy tinh không có lớp sơn bọc lòe loẹt ở ngoài (vì lớp tráng có thể nhiễm chì). Với người tiêu dùng, khi mua dùng ngón tay gõ đồ sứ, nếu nghe tiếng kêu coong coong như tiếng kim loại thì là đồ tốt, được sản xuất đúng quy cách. Ngược lại nếu nghe tiếng kêu đục và nặng thì đó là đồ chất lượng kém.

Theo ANTĐ
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".