Đề nghị xã hội hóa đơn vị kiểm định hàng hóa

Lực lượng Hải quan phối hợp Biên phòng, Công an kiểm tra một lô hàng ngà voi nhập lậu
Lực lượng Hải quan phối hợp Biên phòng, Công an kiểm tra một lô hàng ngà voi nhập lậu
TP - Nhiều bộ, ngành, hiệp hội, ban soạn thảo đề án cải cách chuyên ngành cho rằng, cần áp dụng quản lý rủi ro nhiều hơn, xã hội hóa đơn vị kiểm định, tạo thuận lợi tối đa cho thông quan hàng hóa cửa khẩu. 

Kiểm tra nhiều nhưng phát hiện vi phạm rất thấp

Tại họp báo giới thiệu đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, diễn ra ngày 24/9 ở Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) hiện còn nhiều tồn tại, bất cập; hàng hóa nhập khẩu thuộc diện KTCN còn nhiều. “Theo chỉ đạo của Chính phủ, phải cắt giảm được 50% hàng hóa thuộc diện quản lý và KTCN vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, theo thống kê từ quý II/2015 đến cuối năm 2019, mới chỉ cắt giảm được 12.600/82.698 mặt hàng, tức còn 70.000 mặt hàng thuộc diện phải KTCN”, ông Cẩn nói.

Ông Cẩn cũng chỉ ra thực trạng triển khai KTCN không thống nhất, còn chồng chéo giữa các bộ, ngành, không thống nhất giữa luật và nghị định hướng dẫn. Doanh nghiệp (DN) phải thực hiện nhiều bước, làm thủ tục tại nhiều cơ quan, tổ chức, tốn kém chi phí… “Tỷ lệ KTCN nhiều nhưng phát hiện vi phạm rất thấp. Trong đó, tỷ lệ hàng hóa thuộc diện KTCN trong những năm qua giảm dần từ 30% năm 2015 xuống còn 19% năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện lô hàng không đáp ứng chất lượng qua các năm rất thấp, chỉ từ 0-0,03%”, ông Cẩn nói. Theo ông, thủ tục KTCN vẫn là gánh nặng cho DN, và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong trao đổi thương mại qua biên giới.

Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách KTCN theo hướng hải quan là đầu mối KTCN tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan an ninh, quốc phòng, kiểm dịch…), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm, ông Cẩn nói.

Cần áp dụng quản lý rủi ro, xã hội hóa đơn vị kiểm định

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, nên đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị kiểm định chất lượng hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu, không chỉ riêng đơn vị do Hải quan chỉ định. Đồng thời, áp dụng quản lý rủi ro, thông quan trước, kiểm tra sau để giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí cho DN. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nói rằng, cộng đồng DN mong muốn Chính phủ đẩy mạnh xã hội hóa khâu đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa tại cửa khẩu.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), dẫn chứng trường hợp một DN có sản phẩm mới mà mất gần 1 năm đi kiểm nghiệm. DN đó gửi từ phòng nọ đến phòng kia nhưng không nơi nào kiểm nghiệm được, và khi tìm đến một phòng kiểm nghiệm được thì mặt hàng lại không nằm trong danh mục mà tổ chức được chỉ định, nên kết quả đó không sử dụng được. Khi quy KTCN về một đầu mối thì mong có một cơ quan duy nhất sàng lọc, nắm thông tin các đơn vị có thể tổ chức kiểm định, công bố các đơn vị đạt chuẩn để DN chọn được tổ chức kiểm định có chất lượng, bà nói.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.