Theo UBND huyện Bá Thước, từ ngày 15/3 đến nay, nước sông Mã đoạn qua huyện Bá Thước đổi màu đen bất thường, bốc mùi hôi tanh. Cùng thời điểm đó, các loài thủy sản trên sông Mã chết bất thường. Có hơn 26 tấn cá lồng của người dân nhiều xã thuộc huyện Bá Thước nuôi ở sông Mã chết. Cá chết kéo dài thành nhiều đợt và diễn ra liên tục. Ngoài ra, các loài cá, tôm, hến tự nhiên trên sông cũng chết rất nhiều.
Sau khi có hiện tượng bất thường trên sông Mã, từ ngày 9-14/4, huyện Bá Thước tổ chức kiểm tra tất cả 5 công ty có hoạt động chế biến lâm sản, sản xuất đũa, giấy trên địa bàn huyện. Kết quả, phát hiện 3/5 công ty chôn ống ngầm, hoặc bơm trực tiếp nước thải từ quá trình sản xuất đũa, giấy chưa qua xử lý ra sông Mã gây ô nhiễm môi trường.
Các công ty vi phạm gồm: Công ty TNHH Tân Thái Thanh, Công ty CP Chế biến lâm sản Phú Thành (đều có địa chỉ tại xã Thiết Kế, huyện Bá Thước) và Công ty CP Sản xuất thương mại Đồng Tâm TH (địa chỉ tại phố Tráng, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước).
Kiểm tra hệ thống xả thải của các công ty |
UBND huyện Bá Thước đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét cho dừng hoạt động và thu hồi giấy phép đối với hoạt động sản xuất giấy (các hoạt động sản xuất khác vẫn diễn ra bình thường) của 4 công ty, gồm: Công ty TNHH Tân Thái Thanh, Công ty CP Chế biến lâm sản Phú Thành, Công ty CP Sản xuất thương mại Đồng Tâm TH và Công ty TNHH Sản xuất thương mại Quyết Duy Tuấn (địa chỉ tại xã Thiết Kế), đồng thời đưa các công ty này vào hoạt động tập trung tại các cụm công nghiệp ở xã Điền Trung và Thiết Ống. Ngoài ra, yêu cầu các công ty vi phạm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người nuôi cá lồng có cá bị chết…
Như Tiền Phong đã đưa tin, hiện tượng các loài thủy sản trên sông Mã chết không chỉ xuất hiện ở huyện Bá Thước, mà còn tại huyện Cẩm Thủy (ở hạ du sông Mã, giáp ranh huyện Bá Thước), khiến cho hơn 42 tấn cá lồng bị chết.