Đề nghị Quảng Ninh không để tình trạng “lãnh đạo nhiều hơn nhân viên“

Đoàn giám sát làm việc với tỉnh Quảng Ninh
Đoàn giám sát làm việc với tỉnh Quảng Ninh
TPO - Trước tình trạng vượt số lượng cấp phó cũng như thực trạng “lãnh đạo nhiều hơn nhân viên”, đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị tỉnh Quảng Ninh cần rà soát lại và giảm bớt để đảm bảo đúng số lượng theo quy định.

Ngày 27/3, đoàn giám sát của Quốc hội về làm việc với tỉnh Quảng Ninh về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.

Giảm một người cũng đầy tâm tư

Báo cáo đoàn giám sát, bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, số lượng thành viên UBND các cấp của tỉnh năm 2016 tăng 176 người so với 2011 do thực hiện tiêu chuẩn về đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính theo quy định.

Về nhất thể hóa một số chức danh: Bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch HĐND cấp huyện đạt 7/14 huyện (đạt 50%) và kiêm chủ tịch UBND cấp huyện tại 2/14, chiếm 14,35. Đối với cấp xã đã nhất thể hóa Bí thư với Chủ tịch HĐND 75/186, đạt 40,3% và kiêm Chủ tịch UBND cấp xã 76/186 xã – 40,9%. Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố hoặc kiêm trưởng ban công tác mặt trận 621/1.566 cấp thôn chiếm 39,7%.

Ngoài ra tỉnh còn thực hiện kiêm nhiệm các chức danh trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch MTTQ với 11/14 địa phương (78,6%). Trưởng, phó Ban Tuyên giáo kiêm giám độc trung tâm bồi dưỡng chính trị 13/14 địa phương. Nhất thể hóa chức danh Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra kiêm Chánh thanh tra và trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ được 8/14 địa phương, đạt 57%.

“Việc thực hiện nhất thể hóa chức danh đảm bảo vai trò lãnh đạo của đảng, thực hiện nghiêm quy chế, cơ chế  kiểm soát quyền lực và kỷ luật kỷ cương”, bà Thủy khẳng định.

Theo đại biểu Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, Quảng Ninh là tỉnh đi tiên phong trong cải cách bộ máy hành chính, nhưng số lượng cấp phó tại nhiều cơ quan chuyên môn còn cao, như Văn phòng UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Sở LĐTB&XH, Sở Nội vụ… Đại biểu đề nghị tỉnh Quảng Ninh làm rõ thêm thực trạng này.

Đề cập đến việc tinh giản biên chế, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng chia sẻ với những khó khăn chung, vì đụng đến con người, đến tổ chức nếu tăng lên sẽ phấn khởi, còn giảm đi dù chỉ một người cũng đầy tâm tư.

Đối với một số tổ chức giải thể, nhập vào, tách ra, như Uỷ ban dân số, việc tách ra và sáp nhập vào các đơn vị khác thì có giảm người đi không hay tăng lên? Theo ông Tuyết, cần có sự đánh giá để rút kinh nghiệm. Hay đối với mô hình cảnh sát du lịch, Quảng Ninh cần đánh giá tác động như thế nào, cách thức như thế thì có phù hợp hiệu quả không?

Đề cập đến mô hình nhất thể hóa các chức danh trong tỉnh, trong đó có sự hợp nhất cơ quan nhà nước với cơ quan Đảng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh đặt câu hỏi về những khó khăn nhất mà tỉnh phải đổi mặt khi thực hiện chủ trương này là gì? Chẳng hạn việc hợp nhất giữa Uỷ ban Kiểm tra với cơ quan thanh tra, vậy thì việc xử lý mối quan hệ thế nào để hai chức danh này không bị nghiêng về bên này, nhẹ bên kia.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, Quảng Ninh là địa phương đi tiên phong trong thực hiện nhất thể hóa các chức danh nhưng cần thiết phải đánh giá về ưu điểm, hạn chế khi kiêm nhiệm thế nào. Ví dụ nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch HĐND sẽ thuận, nhưng khi bí thư kiêm chủ tịch UBND thì hiệu quả ra sao? Khi thực hiện nhất thể hóa như vậy, Quảng Ninh gặp những bất cập hạn chế gì và cần đề xuất giải pháp, cơ chế tháo gỡ khó khăn ra sao để thực hiện tốt hơn?

Đại biểu Ngô Trung Thành, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật đặt câu hỏi, hướng triển khai tới đây ở cấp huyện, bí thư sẽ kiêm chủ tịch HĐND hay kiểm chủ tịch UBND? Cùng với đó, ông Thành cũng băn khoăn trước tình trạng số lượng lãnh đạo một số sở, ngành còn tương đối nhiều, một số sở ngành có tới 50% cán bộ cấp phòng trở lên.

Ngược lại có những đơn vị hành chính, như ở thành phố Cẩm Phả đã đề nghị một số phường cho phép sáp nhập để giảm bộ máy biên chế. Khi đa phần các địa phương đều đề nghị tách thì đề xuất sáp nhập này rất hay để giảm bộ máy. Ông Thành đề nghị cần quan tâm rà soát lại đề xuất này, nếu hợp nhất được thì kiến nghị trung ương hợp nhất.

Ông Thành cũng đề nghị phải rà soát lại trước tình trạng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên trên địa bàn tỉnh. Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo còn nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu đề nghị đánh giá mặt được và chưa được cũng như những kiến nghị đề xuất của tỉnh ra sao?

Vượt cấp phó vì đang chờ nghỉ hưu

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, mục tiêu của tỉnh không phải giảm nhiều hay ít mà quan trọng là hiệu quả. Về nhất thể hóa các chức danh, ông Long cho biết, mục tiêu đề án đưa ra là nhất thể hóa ở cấp huyện, xã. Hiện nay có hai huyện nhất thể hóa, bí thư đồng thời là chủ tịch UBND huyện.

Tới đây Quảng Ninh tiếp tục thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh Đảng với chính quyền, như ở huyện đảo Cô Tô, Văn phòng Uỷ ban với Văn phòng HĐND, Uỷ ban Kiểm tra với cơ quan thanh tra sẽ coi như một. Lúc đó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra sẽ kiêm Chánh thanh tra huyện. Đối với cấp xã, Quảng Ninh sẽ tiến tới mục tiêu 75% bí thư sẽ đồng thời là chủ tịch UBND.

Về số lượng cấp phó nhiều, ông Long lý giải, hiện Quảng Ninh có 5 phó chủ tịch UBND tỉnh, theo quy định Quảng Ninh được 4 phó, còn một phó luân chuyển nên tổng cộng mới thành 5. Hay Sở KH&ĐT có 5 phó, tới đây sẽ có hai người nghỉ hưu trong năm nay, như vậy chỉ còn lại 3 phó theo quy định. Tương tự các sở ngành khác cũng đều có những lý do riêng, nhưng trong năm nay sẽ giảm và sẽ đảm bảo đúng số lượng cấp phó.

Riêng về lãnh đạo cấp phòng, ông Long cho biết, vấn đề này tỉnh đang rà soát lại, với thái độ cương quyết giảm theo đúng quy định.

Về việc tổ chức thi tuyển cán bộ, theo ông Long, Quảng Ninh đã thực hiện từ rất sớm, gần như tiến hành thi tuyển hết trên tinh thần bổ nhiệm có cạnh tranh, có hội đồng thẩm định đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm tại cơ quan đơn vị. Hiện Quảng Ninh đang chờ hướng dẫn từ trung ương, xem có được triển khai tuyển nữa không.

MỚI - NÓNG