Đề nghị khởi tố vụ án hình sự tàu chở gỗ lậu quý

15 toa gỗ được đưa về ga Giáp Bát (Hà Nội) đã 2 tháng nay nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra biện pháp xử lý
15 toa gỗ được đưa về ga Giáp Bát (Hà Nội) đã 2 tháng nay nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra biện pháp xử lý
TP - Theo một nguồn tin, với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc, cơ quan chức năng vừa có đề nghị khởi tố vụ án hình sự, để xử lý nghiêm các đối tượng liên quan.

> Bắt 15 toa tàu chở gỗ lậu quý hiếm

15 toa gỗ được đưa về ga Giáp Bát (Hà Nội) đã 2 tháng nay nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra biện pháp xử lý
15 toa gỗ được đưa về ga Giáp Bát (Hà Nội) đã 2 tháng nay nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra biện pháp xử lý.

Đường đi của gỗ lậu

Theo điều tra của PV Tiền Phong, đường đi của 15 toa gỗ lậu như sau: Gỗ lậu được tập kết đưa lên 5 ga (Hoà Huỳnh-Ninh Thuận; Diêu Trì và Bình Định tỉnh Bình Định; hai ga Thuỷ Thạch và Thạch Trụ tỉnh Quảng Ngãi). Từ đó, gỗ được đưa về ga Từ Sơn (Bắc Ninh) và ga Gia Lâm (Hà Nội).

Từ đây, nếu trót lọt thì toàn bộ 15 toa gỗ trên (tương đương khoảng 400m3) sẽ được các chủ gỗ chuyển về Đồng Kỵ (Bắc Ninh) tiêu thụ. Tuy nhiên, khi về đến ga cuối, bị Cục Kiểm lâm và Cơ quan điều tra (Bộ Công an) phát hiện, nên bị bắt giữ, di lý cả 15 toa tàu về Ga Giáp Bát (Hà Nội).

Vì sao gỗ lậu lại có thể đưa lên tàu trót lọt và đi chặng đường dài cả ngàn cây số? Như ga Diêu Trì trong hai ngày 5 và 13-10 tiếp nhận 2 toa gỗ (60 tấn) đã có đầy đủ thủ tục vận chuyển của chủ hàng Phạm Văn Tuấn (quê Gia Lai) thuê với giá 40 triệu đồng, chuyển đến ga Từ Sơn (Bắc Ninh) để tiêu thụ. Người trực tiếp nhận hàng lên tàu là ông Nguyễn Mạnh Hùng.

Còn ga Bình Định (An Nhơn – Bình Định), Trưởng ga, ông Nguyễn Thanh Tân, xác nhận: “Đầu tháng 10-2011, ga Bình Định có nhận vận chuyển 8 toa tàu hàng chở gỗ nhóm 1, trọng lượng khoảng 240 tấn, của chủ hàng Nguyễn Văn Hùng (quê Gia Lai) thuê với giá hơn 160 triệu đồng (vì có toa lên tới 23 triệu
đồng/30 tấn)”.

Ngày 16-12, làm việc với PV, Trạm trưởng Trạm Vận tải hàng hóa ga Diêu Trì, ông Nguyễn Xuân Bình, cho biết: “Ở trạm chỉ có 7 người, không có lực lượng hỗ trợ chuyên ngành (kiểm lâm, công an kinh tế, hải quan) nên chỉ làm đúng nhiệm vụ được giao là kiểm tra các loại giấy tờ hợp lệ của loại hàng đi là tàu nhận vận chuyển. Nếu thiếu các thủ tục đó, chủ hàng tự liên hệ với ngành chức năng. Còn vì sao chủ hàng có được các loại giấy tờ hợp lệ đó thì chúng tôi cũng không đủ trình độ để kiểm soát. Các thủ tục đó tại trạm vận chuyển chỉ kiểm tra bằng mắt, không có biên bản trước khi vận chuyển cũng như đội hỗ trợ liên ngành để xác định tính pháp lý tại chỗ”.

Theo ông Bình, ông là người trực tiếp làm việc với chủ hàng nhưng lại chưa được gặp mặt vì hôm giao hàng, chủ hàng cử một người khác đến làm việc.

Ông Nguyễn Thanh Tân, Trưởng ga Bình Định, lý giải, sở dĩ không thể phát hiện hoặc nghi ngờ về số lượng gỗ lớn đó là gỗ lậu được vì bản thân ga huyện rất nhỏ lẻ, ít người lại thiếu lực lượng chuyên môn. “Nếu nhà ga kiểm tra khắt khe quá thì các chủ hàng bỏ đi hết, nhà ga chỉ có đường chết đói”, ông Tân nói.

Tương tự như các ga trên, số gỗ của 5 toa tàu còn lại được chuyển lên từ các ga Hoà Huỳnh (Ninh Thuận), Thủy Thạch và Thạch Trụ (Quảng Ngãi) lên tàu hỏa mà không bị nghi ngờ, cho đến khi chúng bị phát hiện tại hai ga đến là Từ Sơn (Bắc Ninh) và Gia Lâm (Hà Nội).

Thậm chí, tới chiều 16-12, trao đổi với PV Tiền Phong (qua điện thoại), ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, nói: “Chúng tôi chưa biết gì về lượng gỗ lậu nào cả. Còn lượng gỗ được chuyển từ các ga tàu trên địa bàn Bình Định nhưng có gốc gác từ các tỉnh khác đến, chúng tôi thực hiện theo Quyết định 59 của Chính phủ là không được phép yêu cầu các xe chở gỗ ngoại tỉnh để kiểm tra hoặc vào ga để lục soát nếu loại gỗ đó có đầy đủ giấy tờ, trừ phi có tin báo đấy chính là gỗ lậu”.

Chủ gỗ là những ai?

Theo điều tra của Tiền Phong, 15 toa tàu chở khoảng 400 m3 gỗ quý hiếm trên (Trắc, Hương, Gụ, Cẩm Lai...) của nhiều chủ hàng. Theo vận đơn, có một số người đứng tên người bán hàng và người nhận hàng. Ví dụ, toa ký hiệu 231393, khối lượng gần 29,8 m3, đứng tên người bán là Cty Ngân Kim Long Phú Yên, người mua hàng là Ngô Văn Huấn (Từ Sơn-Bắc Ninh), người nhận hàng cũng tên Ngô Văn Huấn.

Còn tại toa ký hiệu 131206, có khối lượng gỗ lớn nhất, hơn 34,7 m3, Cty TNHH Tân Phát Đạt đứng tên người bán hàng, người mua là Dương Tuấn Thanh, nhưng không rõ người nhận theo vận đơn. Tại toa ký hiệu 131694, khối lượng gỗ lậu gần 28,4 m3, do Cty Đức Cường Gia Lai đứng tên người bán, người mua và nhận hàng theo vận đơn là Nguyễn Mạnh Hùng…

Trong quá trình thu thập thông tin, PV phát hiện nhiều thông tin khá thú vị liên quan vụ việc. Liên hệ số điện thoại của một số người có tên trong danh sách có gỗ bị tạm giữ thì có số điện thoại đã tạm khóa, có số điện thoại người nhấc máy trả lời không biết, không liên quan vụ việc.

Một số cá nhân khác có trong danh sách mua bán số gỗ bị tạm giữ cho biết, đã gần 2 tháng trôi qua nhưng chưa nhận được thông báo hay kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng xung quanh số gỗ đang bị tạm giữ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Văn Tuấn, một trong số những người có liên quan số gỗ trên, cho biết ông đã mua tổng cộng 29 tấn gỗ xẻ với giá 4 triệu đồng/m3 của một doanh nghiệp ở Bình Định. “Khi mua, doanh nghiệp có xuất hóa đơn giá trị gia tăng và giấy tờ nguồn gốc của gỗ.

Sau đó tôi bán lại số gỗ này cho ông Mỹ ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh). Đây là lần đầu tiên tôi bán gỗ cho ông Mỹ. Sau khi mua số gỗ trên, ông đã thuê 2 toa tàu để chở về ga Từ Sơn giao cho khách với tổng số tiền cước vận chuyển hơn 10 triệu đồng”, ông Tuấn nói.

Một người mua khác là bà Ngô Thị Tính ở Đồng Kỵ, Bắc Ninh cho biết, có mua 15 tấn gỗ cành và 15 tấn gỗ xẻ từ một người quen ở Bình Định để làm bàn ghế. Việc mua bán số gỗ trên có đầy đủ giấy tờ kèm theo. Khi số gỗ được chở ra ga Từ Sơn thì bị cơ quan chức năng hạ hết gỗ trong các toa xuống kiểm tra.

“Tôi đã hai lần ra làm việc với cơ quan chức năng nhưng đến giờ họ vẫn chưa kết luận là phạt, tịch thu hay trả lại số gỗ tôi mua. Tổng số gỗ này tôi mua hết mấy chục triệu thôi. Tiền vận chuyển không nhiều, chỉ bằng 0,1% số tiền mua gỗ. Không biết họ giải quyết thế nào”, bà Tính nói.

Trách nhiệm của ai?

Chiều 15-11, làm việc với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Lực, Trưởng Ga Từ Sơn (Bắc Ninh), cho biết: Trong 15 toa gỗ bị cơ quan chức năng bắt giữ, đưa về ga Giáp Bát, có 11 toa ở ga Từ Sơn, 4 toa còn lại về ga Gia Lâm. “Trong số 11 toa ở ga Từ Sơn, trước khi cơ quan chức năng đến, chúng tôi đã bàn giao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ để chủ hàng nhận (theo vận đơn), một số toa đã đỡ hàng xuống”, ông Lực nói.

Ngày 15-12, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các tỉnh, thành trong cả nước tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng kiểm lâm.

Ông Phát yêu cầu, loại những cán bộ, công chức kiểm lâm biến chất khỏi lực lượng; người không đủ tiêu chuẩn bố trí công việc khác, hoặc chuyển công tác.

Tuy nhiên, ngày 12-10, đại diện của Cục Kiểm lâm, Cơ quan An ninh của Bộ Công an đến kiểm tra, cho rằng có dấu hiệu vi phạm. Sau đó, theo yêu cầu, tối 14-10, có lệnh chuyển toàn bộ 11 toa xuống ga Giáp Bát để xử lý. “Đến 2 tháng nay, chúng tôi cũng chưa có thông tin hồi âm, không biết cơ quan chức năng kết luận đúng hay sai”, ông Lực nói.

Về quy trình giao nhận số gỗ nói trên, ông Lực cho biết, ở ga xếp lên, theo quy định bắt buộc phải có các cơ quan như công an, kiểm lâm, quản lý thị trường… Khi họ kiểm tra đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, hợp pháp, hàng mới được cho lên tàu.

“Trong việc vận chuyển, chúng tôi hợp đồng với chủ hàng, họ đầy đủ thủ tục theo quy chế vận chuyển, trả tiền hàng đầy đủ là chúng tôi vận chuyển. Còn những vấn đề khác, liên quan dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì có các cơ quan chức năng khác kiểm tra. Còn gỗ mà bảo là nhóm I, nhóm II, thực tế chúng tôi không có chuyên môn để nhận biết”, ông Lực nói.

Theo ông Lực, hàng hóa về ga Từ Sơn chủ yếu là gỗ, cát, đá… riêng hàng gỗ trung bình 4-5 toa/ngày. Chủ gỗ chủ yếu ở Đồng Kỵ, Phù Khê, Tam Sơn, Thiết Bình (Bắc Ninh)…

Tuy nhiên, thỉnh thoảng mới có các đơn vị như công an, Hạt Kiểm lâm đến kiểm tra. “Khi kiểm tra xong, họ cũng không có ý kiến gì với chúng tôi. Nếu có dấu hiệu, họ đã trao đổi, có ý kiến với chúng tôi rồi. Từ trước tới nay, chưa phát hiện ra vụ việc nào tại ga Từ Sơn”, ông Lực nói.

Về 11 toa gỗ về ga Từ Sơn, lãnh đạo ga này khẳng định, hồ sơ vận chuyển, họ có trích lục đi kèm, photo có công chứng, còn hồ sơ gốc khách hàng họ giữ. Tuy nhiên, ông Lực cũng không đẳng định, số giấy tờ pho to trên có được công chứng đầy đủ hay không.

Chiều 15-12, trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Tổng Giám đốc Cty Vận tải Hàng hoá Đường sắt (Tổng Cty Đường sắt VN) Trần Quốc Đạt, cho rằng: “Các doanh nghiệp thuê vận tải phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý lô hàng. Lý lịch lô hàng đúng hay sai, nhà vận chuyển không có năng lực phát hiện. Với trách nhiệm phòng chống buôn lậu là của toàn dân, chúng tôi đã sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng”.

Theo Trưởng ban Kinh doanh Vận tải đường sắt (Tổng Cty Đường sắt VN) Nguyễn Hữu Tuyên, gỗ là mặt hàng đường sắt được phép chở, việc sắp xếp hàng lên toa đúng quy trình, các thủ tục giấy tờ hàng hoá trước đó được phía kiểm lâm xác định hợp pháp. Nếu nhân viên đường sắt làm sai sẽ bị xử lý nghiêm. Ngành đường sắt có trách nghiệm phòng chống buôn lậu, nhưng thực tế không có đủ năng lực để thẩm định mặt hàng.

Đường sắt đòi giải phóng gỗ, trả toa xe

Trưởng ban Kinh doanh Vận tải đường sắt (Tổng Cty Đường sắt VN) Nguyễn Hữu Tuyên, cho biết: “Cách đây 2 tuần, phía công an đã kiểm tra xong 15 toa gỗ. Chúng tôi vẫn đang chờ kết luận vì số lượng xe để ở ga Giáp Bát 2 tháng qua khiến bí đường đón tàu, vừa lãng phí toa xe”.

Theo Thông tư Liên tịch số 21, cơ quan chức năng kiểm tra xong có kết quả phải báo với đơn vị vận chuyển biết. Trường hợp kiểm tra sai, cơ quan chức năng phải chịu các chi phí. Nếu hàng hóa cấm chở, nguy hiểm mà đường sắt vẫn chở thì đường sắt phải chịu trách nhiệm, ông Tuyên giải thích.

Trước đó, vì 15 xe gỗ chở về ga Giáp Bát bị “ngâm” lâu quá, lãnh đạo Cty Vận tải Hàng hóa Đường sắt phát văn bản yêu cầu Cục An ninh Nông nghiệp-Nông thôn (A86) sớm kiểm tra vì toa xe nằm “chết” ngày nào tốn tiền ngày đó.

Theo ước tính của đơn vị vận chuyển, các toa xe không hoạt động nửa tháng, số tiền chi phí là 113 triệu đồng. Riêng chi phí kéo đoàn xe từ Từ Sơn về Giáp Bát tốn 35 triệu đồng, chưa kể phí dồn dịch và trông coi bảo vệ toa xe. Tính đến ngày 30-11, các chi phí do toa xe tồn đọng là hơn 324 triệu đồng.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG