Phá rừng, khoét núi
Theo nguồn tin của PV Tiền Phong, trên núi Chư Jú (xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, Gia Lai), lâu nay “vàng tặc” vẫn lộng hành đào bới, cày nát cả khu rừng. Một người dân ở đây mách: Vào bãi vàng nhiều rủi ro lắm nên cẩn thận, đường hiểm trở, còn phu vàng không phải dạng vừa.
Từ Quốc lộ 25, đoạn qua xã Ia Sao, chúng tôi chạy xe máy hơn 3 giờ, qua nhiều dốc đá lởm chởm mới tới chân núi, giấu xe ở góc rừng, tiếp tục leo núi gần 4km để tiếp cận bãi vàng. Cách bãi vàng không xa là hàng loạt đường xương cá do xe độ chế vào bãi vàng và lâm tặc vào phá rừng tự mở ngang dọc, xé nát cả khu rừng, tiếng máy nổ rền vang. Trên đường vào, PV gặp không ít xe chở gỗ ì ạch.
Lần theo tiếng máy đãi vàng inh ỏi, chúng tôi tìm thấy cả “công trường”. Dọc theo sườn núi, gần chục lán trại được dựng ở những khoảnh rừng bị xới tan hoang. Nhiều miệng giếng và hầm vàng khoét sâu vào trong núi hàng chục mét, đất đá bị đào lên đổ đống nham nhở. Hàng loạt máy móc, hệ thống ống dẫn nước và các máng đãi vàng đang hoạt động.
Lấy cớ thăm rừng, PV vào xin nước uống và lân la hỏi chuyện. Vài phu vàng thản nhiên trò chuyện, số khác thì tỏ ra ngờ vực với ánh mắt lăm le, dè chừng. Các phu vàng cho biết, họ chỉ là dân làm thuê cho các “ông chủ” ở huyện Kbang (Gia Lai) và huyện Ea Hleo (Đắk Lắk). Trung bình mỗi ngày được trả 130 nghìn đồng, nếu trúng vàng sẽ được trả hậu hĩnh.
Một phu vàng than thở: “Sống ở Kbang không có đất canh tác, vợ con hay đau ốm nên phải đi làm thêm kiếm tiền. Mong may mắn đào được vàng chia nhau, có tiền về sửa lại căn nhà nhưng đào mãi vẫn chưa thấy đâu. Mỗi lần chui xuống hầm sợ sập lắm nhưng vào đây rồi thì đành liều mạng. Chỉ mong được sớm về lại với vợ con”.
Chưa được duyệt đánh sập hầm vàng
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó phòng Tài nguyên & Môi trường thị xã Ayun Pa, xác nhận, bãi này lâu nay vẫn bị khai thác lậu vàng sa khoáng, chủ yếu ở tiểu khu 1288, xã Ia Rbol. Mới đây, đoàn liên ngành đi truy quét, phát hiện 9 hầm cũ và 9 hầm vàng mới đào, 5 lán trại bằng gỗ và thu nhiều phương tiện như: cối xay, máy thổi khí, máy nổ, ống nước… nhưng không thấy người. Những tang vật thu được đều bị tiêu hủy tại chỗ. Hiện trữ lượng, giá trị bãi vàng ở đây như thế nào vẫn chưa biết được do chưa có đánh giá cụ thể.
Thượng tá Vũ Gia Long - Phó Công an thị xã Ayun Pa, nói rằng, dân khai thác vàng không phải là người địa phương nên rất khó xác định danh tính. Dù địa giới hành chính nằm ở Gia Lai nhưng tuyến đường chính vào bãi vàng lại đi từ hướng huyện Ea Hleo, Đắk Lắk. “Mỗi chuyến truy quét phải mất 2-3 ngày, khi chúng tôi vào đến nơi thì chả còn thấy ma nào cả. Địa hình phức tạp, xa xôi nên việc ngăn cản, dẹp bỏ “vàng tặc” hoàn toàn là rất khó. Chúng tôi có đề nghị phía quân đội cho nổ mìn, đánh sập hầm để ngăn chặn đào vàng, nhưng chưa được chấp thuận, phải chờ xin ý kiến của quân khu”, ông Long nói.
Tại huyện Ia Pa, PV xâm nhập bãi vàng ở làng Bi Yong, xã Pờ Tó, cách bãi vàng suối Đék chừng 2km. Hiện trường còn mới, không thấy bóng dáng phu vàng nào, nhưng các máy khoan bê tông, hệ thống ống dẫn nước, cuốc, xẻng, dây điện… vẫn còn trong hầm. Khi PV cung cấp những hình ảnh ghi lại tại bãi vàng, ông Hoàng Văn Tư, ChánhVăn phòng huyện Ia Pa, ngạc nhiên nói: “Phòng Tài nguyên và xã có tổ chức đi kiểm tra, rà soát về báo cáo là không có hoạt động gì. Tôi sẽ báo cáo lại Chủ tịch huyện để có hướng xử lý”.