> Sẽ báo cáo các giải pháp hạn chế tai nạn, ùn tắc giao thông
> Quốc hội phân bổ ngân sách trung ương năm 2012
Lợi nhuận nhà sản xuất hưởng – tác hại dân gánh
Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên bày tỏ, QH rất gay gắt về an toàn giao thông (ATGT) nhưng không ai nhớ 40% các vụ tai nạn giao thông (TNGT) là do lạm dụng rượu bia. 60% xét nghiệm máu ở các người chết có cồn. Ông Tiên cho rằng, cấm quảng cáo rượu, bia là biện pháp rất cơ bản nhưng chúng ta không quan tâm.
“Tại sao lại khuyến khích quảng cáo rượu từ 15 độ đến 30 độ. Trước kia chúng ta hạn chế quảng cáo bia thì bây giờ lại “thả cỏ”. Trong khi Bộ Y tế có đề án chống quá tải, Bộ GT-VT có đề án chống TNGT, thế mà chúng ta không ai để ý đến vấn đề này. Tôi không hiểu có phải khi thảo luận Chính phủ chỉ nghe ý kiến của Bộ Công thương, vì Bộ Công thương rất khuyến khích việc sản xuất rượu, bia”- ông Tiên lo ngại.
Theo đại biểu này, quy định trong dự thảo luật quá ưu ái cho rượu, bia và đề nghị cấm quảng cáo bia, rượu hoặc chỉ cho quảng cáo vào ban đêm. “Chúng ta phải có quy định rất chặt về quảng cáo bia, rượu. Nếu không thì lợi nhuận chảy vào túi của nhà sản xuất còn tác hại thì người dân gánh chịu, đất nước gánh chịu”- ông Tiên nói.
ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) đồng tình cấm quảng cáo rượu, bia vì đây là nguyên nhân dẫn đến TNGT, đang là quốc nạn mà chúng ta phải giải quyết.
Không biết khiếu nại với ai
ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết, qua giám sát của Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ, hiện các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực nhưng người tiếp nhận quảng cáo không biết khiếu nại với ai.
“Tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung, người quảng cáo cung cấp thông tin sai về hàng hóa, dịch vụ dẫn tới quảng cáo gian dối thì cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện yêu cầu người quảng cáo ngừng phát hành quảng cáo và thực hiện quảng cáo đính chính bằng thời lượng đã phát quảng cáo”- ông Tuyết nói.
ĐB Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa- Vũng Tàu) đồng tình, luật chưa làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng tham gia hoạt động quảng cáo. Đặc biệt, để bảo vệ quyền lợi của người tiếp nhận quảng cáo, phải quy định cụ thể đối tượng là tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do quảng cáo sai sự thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị bổ sung quy định, không dùng trẻ nhỏ để quảng cáo, cụ thể như quảng cáo về sản phẩm sữa.
Quảng cáo sai, chưa ai bị xử lý hình sự Trao đổi với báo chí bên lề QH sáng 14- 11, ông Lê Như Tiến Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ nói: Luật Quảng cáo cần phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành. Quảng cáo về thuốc, phòng khám thì cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này là Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm. Quảng cáo về thương mại, hàng hóa không đảm bảo thì phải có trách nhiệm của Bộ Công Thương. Tôi chưa thấy có quảng cáo nào sai sự thật mà người quảng cáo bị xử lý hình sự, nhưng buộc bồi thường thì đã có. Chúng tôi cũng đề nghị, trong dự thảo luật cần bổ sung quy định, nếu quảng cáo sai sự thật gây phương hại lớn, nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hình sự. Ngọc Tiến (ghi) |