Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi địa phương xin ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất công không mục đích để ở (quỹ nhà đất chuyên dùng). Theo đó, các địa phương có ý kiến khác nhau về đơn vị quản lý quỹ nhà đất này. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị UBND địa phương lựa chọn một trong các phương án.
Phương án 1: UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý quỹ nhà, đất của địa phương giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác. Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công cấp tỉnh quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Sở Tài chính) có trách nhiệm chủ trì, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước đối với nhà, đất giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác. Bộ Tài chính đang dự thảo nghị định theo phương án này.
Phương án 2: UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu và thống quản lý quỹ nhà, đất của địa phương giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác. Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với nhà, đất giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác.
Rạp chiếu phim Mê Linh - một trong những cơ sở nhà đất chuyên dùng tại Hà Nội. Ảnh Trường Phong. |
Số liệu của Bộ Tài chính, cả nước có gần 88.000 cơ sở nhà, đất công với diện tích hơn 23 triệu m2 thuộc nhiều đơn vị quản lý khác nhau. Trong đó, diện tích đất ở chiếm hơn 90%, diện tích nhà ở chiếm 82%. Số diện tích nhà, đất còn lại thuộc quỹ nhà chuyên dùng. Số nhà đất này nằm rải rác tại 33 địa phương trên cả nước. Mỗi địa phương có hình thức quản lý khác nhau.
Nguồn gốc quỹ nhà đất chuyên dùng hình thành từ việc tiếp quản quỹ nhà sau giải phóng Thủ đô và giải phóng miền Nam. Việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất chuyên dùng, mỗi địa phương giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh và có sự lúng túng trong quản lý, khai thác.