> Giải mã các cuộc tập trận Nga - Trung Quốc
> Trung Quốc bối rối trước 'thanh kiếm sắc' của Mỹ
Theo một số nguồn tin, tham gia cuộc tập trận này có 19 chiến hạm các loại. Hải quân Trung Quốc đã điều động 4 khu trục hạm, 2 tàu tuần tiễu mang tên lửa và một tàu hộ vệ, 3 trực thăng và một tàu ngầm đại diện tham gia. Phía Nga có 12 chiến hạm các loại và các máy bay Su-24 do phòng thiết kế “Sukhoi” chế tạo- lần đầu tiên tham gia. Mục đích công khai của cuộc tập trận là mô phỏng hành động đánh chiếm những con tàu bị hải tặc bắt giữ, tập dượt tiến hành các hoạt động tìm kiếm-cứu hộ, phòng thủ trên không-trên biển, tiến công các cụm mục tiêu nổi và ngầm, hộ tống các tàu hàng. Trong quá trình tập trận chung, cũng đặt ra nhiệm vụ nâng cao trình độ hiệp đồng trong các hoạt động quân sự nhằm bảo đảm an ninh khu vực và giới thiệu với các sĩ quan hải quân Trung Quốc chiến thuật của quân đội nước ngoài.
Nga và Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận chung từ năm 2003. Hợp tác song phương và đa phương theo hướng này được xúc tiến trong khuôn khổ những cuộc tập trận chung dưới các mật danh “Liên minh-2003”, “Sứ mệnh hòa bình-2005”, “Sứ mệnh hòa bình-2007”, “Sứ mệnh hòa bình-2009”, “Sứ mệnh hòa bình-2010”, “Hiệp đồng trên biển-2012” và “Sứ mệnh hòa bình-2012”. Ngoài ra, sau khi tiến hành cuộc tập trận mới nhất “Hiệp đồng trên biển” từ ngày 27.7 đến ngày 5.8 năm nay, tại tỉnh Cheliabinsk sẽ diễn ra các cuộc tập trận chống khủng bố khác của 2 nước dưới mật danh “Sứ mệnh hòa bình-2013”.
Đe Mỹ, nạt Nhật
Lẽ dĩ nhiên, cuộc tập trận Nga- Trung là sự đáp trả những hành động tương tự của Mỹ và Nhật, hồi tháng 6 năm nay đã tiến hành nhiều cuộc tập trận hải quân và lục quân trên đảo San Clemente gần California. Trong các giới quân sự Phương Tây cũng có ý kiến cho rằng, “Hiệp đồng trên biển-2013” có thâm ý như sự phản ứng trước chiến lược tạo thế quân bình sức mạnh tại châu Á của Mỹ, nơi mà cho tới thời điểm hiên nay vẫn tồn tại những bất đồng chưa được giải quyết về quyền sở hữu quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Trung Quốc là Điếu Ngư) ở biển Đông Hải và tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines ở Biển Đông.
Trên một trang mạng phân tích của Trung Quốc, cuộc tập trận Nga-Trung vừa qua được xem như một sự minh chứng về quan hệ đối tác chiến lược của Moscow và Bắc Kinh nhằm vô hiệu hóa chính sách của Nhật Bản và Mỹ. Ở đây cũng có ý nhấn mạnh, liên minh Nga-Trung không chỉ đáp ứng các mục tiêu chiến lược của 2 nước, mà còn là sức mạnh to lớn chống lại sự bá quyền của Phương Tây. Các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc đã đưa tin rất chi tiết về cuộc tập trận chung này. Mặc dù Bộ quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh rằng, cuộc tập trận này không nhằm chống lại bất kỳ nước thứ ba nào, nhưng hoàn toàn có thể hiểu trước hết cuộc tập trận là một thông điệp đặc biệt gửi tới Hoa Kỳ.
Nó đồng nghĩa với một điều, Bắc Kinh hiện nay đang sử dụng kinh nghiệm của Nga để cấp tốc phát triển tiềm lực hải quân của mình. Mặt khác, nhờ có sự hợp tác với nước Nga, Trung Quốc chứng tỏ rằng trong cuộc đối đầu với Mỹ, nước này không đơn độc.
Cũng có những sự kiện khác làm gia tăng sự lo ngại của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và buộc họ phải tiến hành các biện pháp nhằm liên minh quân sự với nước Nga. Sự thể là, Tại Hội nghị an ninh châu Á, diễn ra hồi tháng 6 năm nay ở Singapore, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã công bố ý định của Washington trước năm 2020 sẽ tái bố trí tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương 60% nguồn lực lượng hải quân và không quân hiện đang đóng căn cứ ở bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Hiện nay Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành tập trận chung với các đồng minh của mình ở hải phận tiếp giáp với bờ biển Trung Quốc và thi hành một cách có tính toán chính sách kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực Đông Hải và Biển Đông.
Trung Quốc sản xuất hệ thống phòng không HQ-9 nhái theo hệ thống S-300 của Nga. |
Loại máy bay chiến đấu J-11 thì Trung Quốc copy mẫu tiêm kích nổi tiếng Su-27 của Nga. |
Sự hợp tác Nga-Trung trong việc tiến hành các cuộc tập trận chung thường xuyên và ký kết các hợp đồng quân sự rất có lợi cho Bắc Kinh. Đây chính là lời đáp cho câu hỏi, tại sao Trung Quốc có được những thành công lớn trong việc hiện đại hóa quân đội và tăng cường chế tạo vũ khí. Đặc biệt điều này liên quan tới các tàu ngầm chiến lược, tên lửa, máy bay tiêm kích và những hệ thống dẫn đường, bên cạnh đó một số loại vũ khí được chế tạo theo các dự án của Trung Quốc có một phần giống với các mẫu tương tự của Nga. Vì vậy giáo sư Nan Li từ Phòng nghiên cứu chiến lược trực thuộc Viện nghiên cứu hải quân Hoa Kỳ ở Newport cho rằng, việc những chiến hạm đủ loại tham gia vào cuộc tập trận và sự phức tạp của những hoạt động được tiến hành nói lên một điều là, sự hợp tác quân sự Nga-Trung được tăng cường ở mức độ không thể ngờ tới.
Nga -Trung đồng sàng dị mộng
Mấy tháng gần đây Đảng dân chủ-Tự do Nhật thể hiện lập trường cứng rắn hơn trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và được đồng minh cũ của mình là Mỹ giúp đỡ đang nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh. Chính vì lẽ đó Trung Quốc đang bất an vì mưu toan của các chính khách cánh hữu Nhật đưa vào Hiến pháp của đất nước mình những sửa đổi bổ sung nhằm mở rộng năng lực quốc phòng, phát triển các loại vũ khí hiện đại, mở đường cho triển khai quân sự ra nước ngoài.
Theo ý kiến của các nhà phân tích Trung Quốc, người Nhật cố ý thách thức trật tự thế giới, đã hình thành sau năm 1945, và phục hồi tiềm lực quân sự trong quá khứ của mình. Theo logic này, cuộc tập trận hải quân Nga-Trung được biện giải như một biện pháp kịp thời, hơn bất cứ lúc nào, trước hết làm sáng tỏ những viễn cảnh an ninh của Nam Á, ván cờ chiến lược của Nhật và Mỹ, quan hệ đối tác của Moscow và Bắc Kinh. Tại Trung Quốc người ta cũng thiên về sự khẳng định, 3 nhiệm vụ chủ yếu của trục Mỹ- Nhật là tạo ra những chướng ngại trên con đường phát triển của Trung Quốc, thiết lập quyền bá chủ của mình trên vùng biển Đông Á, đồng thời xây dựng tại khu vực này một hệ thống phòng thủ tên lửa. Trung Quốc cho rằng Mỹ đồng thời cũng đặt ra mục tiêu lôi kéo các quốc gia khác trong khu vực như Philippines và Việt Nam tham gia vào cuộc đối đầu này. Đồng thời Mỹ hy vọng tạo ra xung lượng mới làm cho các cuộc tranh chấp lãnh thổ và những vấn đề nhạy cảm khác với Trung ở Biển Đông trở nên quyết liệt hơn.
Cả Nga và Trung Quốc đều cảnh giác trước các động thái của Mỹ. |
Nhưng mặc dù liên tục tập trận với Trung Quốc, Nga vẫn duy trì quan hệ với Mỹ. Ảnh: Quân đội Nga-Mỹ tập trận chung. Lính Nga hướng dẫn lính Mỹ sử dụng súng chống tăng RPG. |
Xem xét vấn đề quần đảo Kuril trong các mối quan hệ với Nhật Bản, nước Nga lo ngại trước việc Nhật tăng cường tiềm lực và sự hiện diện khắp nơi của lực lượng quân sự Mỹ ở rất gần đường biên giới phía Đông của mình, vì vậy nước này tăng cường phát triển quan hệ đối tác chiến lược của mình với Trung Quốc. Theo ý kiến của một số nhà phân tích, hiện nay song song với trục Mỹ-Nhật đã hình thành, đang xuất hiện một thế lực Nga-Trung mới, phản ứng rất nhanh nhạy trước những hành động thù địch, diễn ra gần đây trong khu vực. Cũng tồn tại ý kiến, để làm vừa lòng cả 2 phe, các nước Đông Á, Ấn Độ, Triều Tiên và Australia có ý định trong tương lai sẽ liên minh với một trong hai nhóm tùy thuộc vào việc tính toán những lợi ích dân tộc riêng của mình.
Các cơ quan truyền thông phương Tây, không hài lòng với sự phát triển của các mối quan hệ giữa 2 quốc gia láng giềng mạnh đối đầu với họ, đang nỗ lực hạn chế quy mô phát triển nhanh chóng của trục Nga-Trung và tích cực khuếch trương những mâu thuẫn giữa 2 nước. Chẳng hạn, tờ New York Times của Mỹ, trong bài bình luận về cuộc tập trận chung Nga-Trung đã nhận định rằng, Washington lấy làm thất vọng vì những nỗ lực của Nga và Trung Quốc chống lại các biện pháp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trừng phạt chế độ Bashar Asad ở Syria. New York Times đánh giá các mối quan hệ của Moscow và Bắc Kinh chỉ là sách lược, đồng thời nêu ra ví dụ như tình hữu nghị của nước Nga với Philippines và Việt Nam, những nước mà Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ.
Nga củng cố nền công nghiệp quốc phòng của mình, tăng cường xuất khẩu vũ khí sang khắp Đông Nam Á và đặc biệt là những nước không có quan hệ láng giềng tốt với Trung Quốc. Theo New York Times, Nga cũng giữ thái độ im lặng khó hiểu trước bất cứ bình luận nào liên quan tới những tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các quốc gia này. Còn các công ty năng lượng Nga vẫn đang hoạt động ở đó theo hợp đồng, vẫn tăng sản lượng khai thác dầu mỏ và khí đốt. Chẳng hạn như, Việt Nam đã bắt đầu các cuộc đàm phán với ngành năng lượng Nga về vấn đề khai thác dầu ở thềm lục địa, mà Trung Quốc cũng có yêu sách (một cách phi lý và bất chấp luật pháp quốc tế). Nga thậm chí còn bán cho nước này các tàu ngầm thế hệ mới.
Mặt khác, Nga vẫn tiếp tục tăng cường với những đối tác chiến lược thân thiết ở khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Tàu ngầm Kilo 636 mang tên Hà Nội sắp được Nga bàn giao cho Việt Nam vào tháng 11 tới. |
Mặt khác, một nước Trung Quốc phát triển về kinh tế đã đẩy nước Nga ra rìa ở khu vực Trung Á. Để chứng minh, tờ báo đã nêu ra dẫn chứng, Trung Quốc đang đầu tư vốn của mình một cách có hiệu quả vào việc xây dựng các tuyến đường giao thông và đường ống năng lượng tại các nước cộng hòa ở Trung Á, và chính điều này đã trở thành nguyên nhân của việc các nước này xích lại gần Trung Quốc, ngoại trừ Uzbekistan. Theo ý kiến của các nhà phân tích Phương Tây, Nga đang cố gắng lôi kéo các quốc gia Trung Á vào Liên minh thuế quan, bao gồm nước Nga, Belarus và Kazakhstan nhằm tạo ra động lực cạnh tranh với Trung Quốc.
Phương Tây cũng đang hâm nóng tâm lý sợ hãi trước người Trung Hoa tại nước Nga. Một trong những lý do bất di bất dịch của cách đánh giá tiêu cực đối với sự phát triển các mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh là tin rằng, Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới, sẽ chiếm đoạt những khu vực thưa dân cư nhưng giầu tài nguyên thiên nhiên của nước Nga. Nhưng giáo sư Wang Ning, giám đốc Trung tâm nghiên cứu nước Nga của Trường đại học tổng hợp nghiên cứu quốc tế Thượng Hải đã thuyết phục rằng, cuộc tập trận Nga-Trung vừa qua chứng minh về sự cải thiện chưa từng có tiền lệ các mối quan hệ giữa 2 nước, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng giúp đỡ lẫn nhau trên trường quốc tế và hướng tới xây dựng một thế giới đa cực, mà trong đó quyền lực của Mỹ sẽ bị hạn chế ở mức độ đáng kể.
Ngoài ra, dù cho Nga và Trung Quốc có những lợi ích khác nhau trong một số vấn đề, trên bình diện thế giới, trong khuôn khổ hoạt động của các tổ chức như Tổ chức hợp tác Thượng Hải, BRICS, G20 và Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, 2 nước thực thi một chính sách thống nhất chống lại hệ thống phương Tây, vì vậy các lợi ích trái ngược của 2 nước này trong một số lĩnh vực sẽ lu mờ trong bối cảnh các hoạt động chung như thế.
Dàn xe tăng T-90 của Nga trong một cuộc tập trận. |
Phải thừa nhận rằng, cuộc tập trận Nga-Trung, diễn ra vài tháng sau chuyến thăm Moscow của ông Tập Cận Bình đã nói lên một cách công khai những điều như sau: thứ nhất, rõ ràng là 2 nước tràn đầy quyết tâm mở rộng sự hợp tác chiến lược của mình. Thứ hai, 2 nước rất lo ngại trước những sự kiện hiện nay đang diễn ra ở Đông Á. Thứ ba, quá trình hình thành trục mới Nga-Trung vừa bắt đầu là một điều hoàn toàn có thực. Liên minh này sẽ còn thể hiện sự đối đầu với Mỹ của 2 nước trong những hoạt động chung tại tất cả các tổ chức quốc tế, và quan hệ đối tác đang phát triển giữa Nga-Trung sẽ được tăng cường trong chính các tổ chức quốc tế khác nhau.
Cùng với sự phát triển của trục Mỹ-Nhật- đối đầu với nước Nga và Trung Quốc và việc một số quốc gia Đông và Nam Á gia nhập trục này, nhằm mục đích tạo ra đối trọng với chính sách xoay trục của Mỹ và xây dựng một thế giới đa cực. Moscow và Bắc Kinh cũng tìm cách lôi kéo về phía mình một số quốc gia chống Mỹ và chống Phương Tây. Cân nhắc tiềm lực của Tổ chức hợp tác Thượng Hải trong việc bảo đảm an ninh và sự phát triển của các quốc gia, trong thời gian sắp tới trục Nga-Trung sẽ tiếp tục phát triển cơ cấu tổ chức của mình nhằm đối phó với Washington.
Đỗ Ngọc Inh
Theo “Iras” Iran