Đề minh hoạ THPT 2019: Văn khó, Toán chưa phân hóa rõ

Ðề minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2019 có môn nhẹ nhàng, môn khó nhằn
Ðề minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2019 có môn nhẹ nhàng, môn khó nhằn
TP - Ngày 6/12, Bộ GD&ÐT công bố đề minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2019. Theo các giáo viên THPT, đề minh họa môn Ngữ văn năm nay khó, trong khi đề môn Toán phù hợp để làm tròn vai việc xét tốt nghiệp, tuy nhiên lại gây khó cho các trường ÐH top trên khi xét tuyển.

Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B, huyện Hoài Đức (Hà Nội) nhận định, đề minh họa năm nay ngắn hơn, đọc qua có vẻ dễ hơn đề năm ngoái tuy nhiên khi làm bài sẽ thấy khó hơn vì phần nghị luận xã hội yêu cầu phải phân tích chi tiết. Đây là dạng đề khó, đặc biệt là đối với học sinh ban A và khó đạt điểm cao.

Theo cô Nga, đề vẫn có hai phần gồm đọc hiểu (3 điểm) và làm văn (7 điểm), trong đó phần đọc hiểu đề cho một đoạn trích và đưa ra 4 câu hỏi để kiểm tra kiến thức học sinh. Tuy nhiên, ở phần này, khác với năm trước là cả 4 câu hỏi đều chú ý vào nội dung mà không chú ý đến hình thức làm nên đoạn văn như phương thức biểu đạt, các biện pháp tu từ… “Vì không có các câu hỏi hình thức nên có cảm giác hơi khuyết thiếu một chút”, cô Nga nói.

Còn ở phần làm văn, câu 1 không vấn đề gì nhưng câu 2 là dạng đề khó yêu cầu học sinh phải hiểu và nắm thật kỹ chi tiết tác phẩm thì mới làm được. Trong khi, nắm kỹ từng chi tiết tác phẩm lại là điểm yếu của học sinh, đặc biệt học sinh ban A. Vì thế, muốn làm tốt đề Văn như đề minh họa học sinh phải nắm chắc kiến thức, so sánh trước và sau như thế nào. Tuy câu 2 phần làm Văn chỉ yêu cầu học sinh phân tích nhưng thực ra là cần cả so sánh. Cách ra đề như vậy học sinh rất dễ nhầm lẫn thành dạng đề phân tích nên sẽ dễ  sa đà vào phân tích tác phẩm sẽ rất mất thời gian mà không đạt được yêu cầu của đề.

Cô Phan Hà Thanh, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cũng chung nhận định đề minh họa môn Ngữ văn khó có thể đạt điểm 8, điểm 9.

Ðề Toán nhẹ nhàng, chưa phân hóa

Thầy Trần Mạnh Tùng, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhận định, đề minh họa môn Toán năm nay khá nhẹ nhàng, chưa có sự phân hóa mạnh. Cụ thể, đề có 50 câu, trong đó 30 câu đầu chiếm 6 điểm gồm các câu khá đơn giản, học sinh chỉ phải tính toán nhẹ nhàng, do đó học sinh trung bình có thể làm tốt. 20 câu tiếp theo chiếm 4 điểm bắt đầu có sự phân hóa tuy nhiên sự sự phân hóa không đều. Ví dụ có câu đứng sau lại dễ như câu 43, 45, 48. Một số câu phân hóa mạnh hơn nhưng lại nặng về
tính toán.

Thầy Tùng cho biết, đề Toán có cả kiến thức lớp 10  (1 câu) và lớp 11 (5 câu). Như vậy là kiến thức lớp 10 và 11 chiếm tỉ lệ chỉ hơn 10%, còn lại là kiến thức lớp 12. Về nhận định chung, thầy Tùng đánh giá đây là đề không sâu sắc, thiếu vẻ đẹp môn Toán vì thuần túy tính toán, ít câu hỏi mang tính ứng dụng thực tế, thiếu các bài cần nhiều tư duy. Do đó, tương tự như năm 2017, đề này học sinh trung bình dễ đạt 5-6 điểm, học sinh khá đạt mức 6-7 điểm và học sinh giỏi đạt 8-9 điểm và học sinh giỏi nhiều em sẽ đạt điểm 9, 10. Với phổ điểm như vậy, đề sẽ tròn vai để xét tốt nghiệp THPT, còn các trường top trên sẽ khó xét tuyển.

Trên diễn đàn giáo viên dạy Toán, các thầy cô giáo cũng có chung nhận định, đa số câu hỏi trong đề Toán gồm kiến thức cơ bản, bám sát chương trình SGK lớp 12. Các câu hỏi không quá khó nên khi đọc đề sẽ tạo tâm lý thoải mái, dễ thở cho học sinh. Còn những câu cuối có sự phân hóa, học sinh có học lực khá, giỏi mới có thể giải quyết tuy nhiên các câu hỏi khó chủ yếu rơi vào phần hàm số nhưng không lạ và đánh đố nên học sinh khá dễ đạt điểm 8, 9.

Ðề Sử phù hợp, Tiếng Anh khá khó

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) nhận định, đề minh họa môn này năm nay đã được điều chỉnh nhẹ nhàng, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và có sự phân hoá để xét tuyển ĐH. Đề giữ nguyên cấu trúc 40 câu hỏi, trong đó có 4 câu kiến thức lớp 11 còn lại lớp 12 mà không có kiến thức lớp 10.

Nhìn chung, đề Tiếng Anh minh họa năm nay được đa số giáo viên đánh giá là khó hơn năm ngoái về nội dung, có những câu phân loại khá rõ rệt vì vậy số lượng học sinh đạt điểm 9, 10 sẽ giảm xuống. Với đề như vậy, sẽ đáp ứng được việc xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để xét tuyển ĐH.

Bộ GD&ÐT nói gì về đề thi tham khảo?

Chiều qua, 6/12, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng giáo dục, Bộ GD&ÐT Mai Văn Trinh đã có những chia sẻ với báo chí về đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ông Mai Văn Trinh nói:

Ðề thi của kỳ thi THPT quốc gia 2019 được xây dựng theo ngưỡng vừa cơ bản để đạt mục đích xét tốt nghiệp nhưng đồng thời sẽ có độ phân hóa phù hợp để xét tuyển ÐH, CÐ. Ðộ phân hóa của đề thi nằm chủ yếu lớp 12. Thí sinh có thể yên tâm, đề thi tham khảo vừa công bố có giá trị tham khảo, định hướng rất tốt cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh  trong nhà trường.

Việc xây dựng đề thi tham khảo là một bước chuẩn bị rất quan trọng cho việc tiến tới xây dựng đề thi chính thức.

Trả lời câu hỏi liệu đề thi có rơi hoàn toàn vào kiến thức lớp 12 hay không, ông Trinh cho biết:  Không thể trả lời một cách cụ thể. Nhưng chỉ có thể trả lời một cách khái quát, trong cách thiết kế  chương trình giáo dục có tính liên thông và kế thừa. Chúng ta không thể nói lớp sau  hoàn toàn không sử dụng kiến thức lớp trước. Cho nên, không có một nhà khoa học nào có thể khẳng định câu hỏi này chỉ thuần kiến thức lớp 12.  Vì vậy, tinh thần chủ đạo của đề tham khảo là nội dung chủ yếu nằm ở lớp 12.

MỚI - NÓNG