Để mãi còn truyền kỳ Vua Voi

Để có voi nhà phải kỳ công thuần hóa voi rừng. Ảnh: Hoàng Thiên Nga
Để có voi nhà phải kỳ công thuần hóa voi rừng. Ảnh: Hoàng Thiên Nga
TP - Câu chuyện về nghề bắt voi rừng và những bài thuốc quý bảo vệ mạng sống cho các dũng sĩ săn voi Buôn Đôn vẫn sẽ được lưu truyền mãi cùng với bộ đồ nghề bắt voi của gia tộc Ama Kông, khi bảo vật này được hiến tặng.

Nếu đàn voi nhà mai kia không còn nữa, thì câu chuyện về nghề bắt voi rừng và những bài thuốc quý bảo vệ mạng sống cho các dũng sĩ săn voi Buôn Đôn thông minh, dũng cảm vẫn sẽ được lưu truyền mãi cùng với bộ đồ nghề bắt voi của gia tộc Ama Kông, khi bảo vật này được hiến tặng.

Nước mắt “Vua Voi” 

Tháng 6/1992 khi ban hành quyết định 301/TCLĐ thành lập Vườn quốc gia Yok Đôn, lãnh đạo Bộ Lâm nghiệp lúc bấy giờ không hình dung tới sự ra đời của văn bản này đồng nghĩa với việc khai tử nghề săn bắt voi rừng của đồng bào các dân tộc bản địa huyện Buôn Đôn.

Từng là vùng đất sầm uất, nơi văn hóa các tộc người thuộc nhiều nước Đông dương giao thoa, hòa hợp một cách khít khao sâu sắc, Buôn Đôn suốt nhiều thập kỷ luôn là điểm hẹn quen thuộc của các cuộc trao đổi, mua bán voi.

Tại đây, từ kiến trúc của mỗi nếp nhà cho đến hoa văn trên từng tấm thổ cẩm, ngôn ngữ trao đổi cho tới phong tục tập quán sinh hoạt ngày thường hay lễ hội đều có pha trộn một chút Thái, một chút Lào, chút Khmer du nhập, trộn lẫn vào chất văn hóa M’Nông, Êđê, Jơ Rai của người bản địa.

Vậy nên, không có gì lạ khi ai nấy đồng thuận gọi Y Thu K’Nul - người đàn ông mạnh mẽ gân guốc mang cái tên M’Nông nhưng sinh ra ở Lào, từ thời trai trẻ đã trở thành thủ lĩnh của nhóm thợ bắt voi giỏi nghề nhất đầu tiên ở Buôn Đôn là Vua Voi Khun Ju Nốp. Với câu chuyện truyền miệng danh xưng này là do Vua Thái ban tặng người đã hiến cho mình một con bạch tượng quý giá bắt được từ rừng già Yok Đôn, trong vòng đời dài tới 110 năm (1828-1938) của mình, Y Thu-Khun Ju Nốp đã đóng góp không nhỏ vào việc biến vùng đất nóng khô cuối dãy Trường Sơn, đoạn giáp biên giới phía Tây thành Xứ Voi của cả khu vực.

Để mãi còn truyền kỳ Vua Voi ảnh 1

Từ trái qua: Ông Nguyễn Công Vượng Bí thư đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Ea Tu, ông Khăm Phết Lào, ông Đỗ Thanh Xuân trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, nhà báo Hoàng Thiên Nga, Ts Võ Quang Trọng, ông Trần Việt Hùng. Ảnh: Nguyễn Quyền

Kế thừa gia sản và cả 2 cô con gái của bố vợ Y Thu - Khun Ju Nốp, chàng trai đào hoa nổi tiếng khắp vùng Y Prung Êban - tên thường gọi là Ama Kông (1910-2013) còn tạo dựng nên một sự nghiệp lừng lẫy hơn nữa, vừa về tài săn bắt voi - với số voi đã bắt 298 con (tương truyền), vừa về tài làm thuốc chữa “bệnh khó nói” và vô số mối tình nồng cháy.

Với sự chứng kiến của đại diện báo Tiền Phong, ở tuổi 99 ông đã ra nhà cộng đồng buôn để làm thủ tục… ly hôn với cô vợ tư kém ông chỉ có… 58 xuân xanh, rồi nhường căn nhà sàn cuối cùng trong cuộc đời nhiều lần nhường nhà cho vợ cũ của mình, để khăn gói sang nhà vợ chồng cậu con trai hiếu thảo thứ 11 - y sĩ Khăm Phết Lào, sống đoạn đời còn lại cho tới trước ngày tròn sinh nhật thứ 103.

Thương ông bố hiền hậu đa tình sướng và khổ đều vì gái, đến nỗi mang danh Vua Voi mà về già không còn con voi nào để cưỡi, để chăm, Khăm Phết Lào đã xây trước và sau căn nhà nhỏ ở buôn Ko Tam xã Ea Tu những cụm tiểu cảnh có những con voi giả đắp bằng xi măng thấp thoáng sau non bộ, hoa lá, để chiều chiều bố bắc ghế ra sân ngồi ngắm chơi.

Thường đến nhà nghe Ama Kông kể chuyện săn voi, làm thuốc, hay nghe ông cười giòn giã sảng khoái nhưng cũng đã vài lần tôi bắt gặp ông len lén chùi nước mắt vì càng nhìn mấy con voi xi măng, ông càng nhớ quay quắt những cuộc bắt voi long trời lở đất giữa đại ngàn hùng vĩ. Tài sản quý giá nhất sau cùng mà ông từng dặn dò Khăm Phết Lào phải gìn giữ, chính là bộ đồ nghề săn bắt voi, “Để có cái mà kể cho con cháu nghe về nghề truyền thống của dân tộc mình!” - Ông trăn trối.

Quyết định bất ngờ của người thừa kế 

Chiều đông lạnh buốt cuối năm 2013, tôi nhận một cú điện thoại hối hả của con trai Vua voi Ama Kông: “Khăm Phết mới có ý tưởng này hay lắm, muốn gặp chị ngay để bàn việc!”.

“Túi mới này của ông bố Ama Kông. Còn túi cũ của ông nội Y Thu Khun Ju Nốp. Bảo tàng muốn cái nào cũng được nhưng Khăm Phết thấy cái túi cũ quý hơn, vì nó gần 200 tuổi rồi, xưa lắm, không có cái thứ hai đâu”.

Khăm Phết bảo

Vốn tính đặc biệt hào phóng, thương người, Khăm Phết từng gọi tôi rất nhiều lần để “bàn việc”, toàn là các kế hoạch từ thiện. Khi thì để trao học bổng cho học sinh nghèo, khi giúp kẻ đau ốm hoạn nạn, khi để tặng nhà cho người màn trời chiếu đất.

Nhiều khi là những sáng kiến rất lạ lùng: “Từ trước tới giờ Khăm Phết thấy toàn là người Kinh tặng nhà cho đồng bào dân tộc. Bây giờ Khăm Phết muốn làm ngược lại, mình tặng nhà cho người Kinh đi, ngay trong xã này có vợ chồng kia tội nghiệp lắm…”.

Cứ thế, tiền bán những thang thuốc cường dương bổ thận lừng lẫy thương hiệu Ama Kông kiếm được bao nhiêu, anh đều chia sẻ cho những phận đời thiếu may mắn, với sở thích nghĩ cho cùng cũng… dễ thương là được nhận một mảnh giấy chứng nhận nho nhỏ để treo lên.

Vì vậy, vào căn nhà cấp bốn xuềnh xoàng của Khăm Phết, khách dễ choáng ngợp trước các bức vách treo đầy các bằng chứng nhận làm từ thiện trong tỉnh, ngoài tỉnh, sang tận bên Lào bên Thái, rồi những tấm ảnh bắt tay tươi cười với các nhà khoa học, người nổi tiếng hoặc… nguyên thủ quốc gia.

Gặp nhau, anh nói liền: “Hôm trước ra Hà Nội, được Chủ tịch nước tiếp đãi, rồi cho tới tham quan Bảo tàng Dân tộc học. Họ làm đẹp lắm, hay lắm. Từng hiện vật văn hóa đều được họ trưng bày rất trang trọng cho quan khách và nhân dân đến xem. Khăm Phết nghĩ kỹ rồi. Bộ đồ nghề bắt voi này để ở nhà mình thì chỉ có đồng bào mình biết thôi, ra ngoài kia có cả 54 dân tộc, rồi quan khách trong ngoài nước cùng biết. Khăm Phết muốn hiến tặng bảo vật gia truyền này cho bảo tàng, để nhiều người cùng biết tới bản sắc văn hóa Tây Nguyên mình. Nhờ chị giúp làm cầu nối, được không?”. 

Nghe tôi chuyển lời, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học PGS-TS Nguyễn Văn Huy vô cùng xúc động, lập tức báo với giám đốc PGS-TS Võ Quang Trọng. Đang trên đường về quê, TS Trọng mừng rỡ, ông điện lại và những bản email bay đi bay về giữa Ban Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên với lãnh đạo Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sau đó đã khớp nối một kế hoạch trao - nhận.

Tôn vinh giá trị văn hóa

Ngày 14/2/2014 đích thân giám đốc Bảo tàng Võ Quang Trọng bay vào Buôn Ma Thuột cùng 2 cộng sự thân tín từng có nhiều năm nghiên cứu, làm việc tại Đắk Lắk, là PGS-TS Nguyễn Duy Thiệu, và TS Võ Thị Thường, để cùng báo Tiền Phong và thầy thuốc Khăm Phết Lào đại diện gia tộc Ama Kông trao đổi về bộ hiện vật, đồng thời bàn bạc chuẩn bị các thủ tục, nghi thức trao tặng.

Lắng nghe câu chuyện về lịch sử gia tộc, ngắm nghía từng chiếc trong bộ hiện vật gồm nhiều vật dụng lớn nhỏ, hầu hết được đan kết, chế tác bằng các chất liệu tự nhiên như cây, gỗ, sừng trâu, da trâu, mây tre, dây rừng, sáp ong… bền bỉ lên nước đen bóng sau bao cuộc chinh chiến và hàng trăm năm gìn giữ trân quý, các chuyên gia bảo tàng không khỏi xúc động. 

Tiến sĩ Võ Thị Thường tần ngần trước những vết rách của chiếc túi đựng vật dụng đan rất đẹp bằng sợi của vỏ cây rừng mà chỉ Gru - Vua voi mới được dùng, gọi theo tiếng Bơ Nong - Lào là Sreh Muk - Pâo Muk, ngày xưa được tính ngang giá với một con voi. Chị hỏi Khăm Phết: Anh có chiếc Sreh Muk nào khác không? Túi này bị rách rồi.

Theo dõi buổi lễ hiến tặng kỷ vật từ đầu ngày tới cuối buổi, ông Trần Việt Hùng phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cảm động phát biểu: Tôi nghĩ rằng đây không chỉ là một sự kiện đặc biệt đối với gia tộc Ama Kông, xã Ea Tu, hay tỉnh Đắk Lắk và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, mà hơn thế nữa, nó còn là một sự kiện văn hóa lớn trên Tây Nguyên trong năm mới này, đánh dấu chính đồng bào đã ý thức vô cùng sâu sắc trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của mình ra khỏi khuôn khổ vùng miền, hội nhập vào thế giới.

Đây là món quà khởi đầu đầy ý nghĩa, để sau đó Bảo tàng Dân tộc học nghĩ đến việc phát động các cộng đồng khác trên toàn quốc hiến tặng kỷ vật cho bảo tàng quốc gia.

Phó giáo sư - tiến sĩ Võ Quang Trọng: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từng nhận được những bộ sưu tập hiện vật trị giá có thể tới hàng triệu đô la, của một số nhà sưu tập nước ngoài hiến tặng. Tuy nhiên, trong nước, và đặc biệt là với đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta, thì đây là lần đầu tiên Bảo tàng được hiến tặng nguyên một bộ sưu tập hiện vật quý giá như thế này, lại do con trai ruột Khăm Phết Lào - người thừa kế của gia tộc Ama Kông sở hữu chuyển giao, với nguyên vẹn lịch sử hiện vật và những câu chuyện hết sức sống động. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến ngày 14/3 sắp tới, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và đại diện gia tộc Ama Kông sẽ tổ chức long trọng lễ công bố sự kiện đặc biệt này tại Hà Nội.

MỚI - NÓNG