Để 'kho lịch sử bằng vàng' của Đảng rực rỡ hơn

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
TP - “Những kho lịch sử bằng vàng của Đảng ta 91 năm qua chắc chắn sẽ được bổ sung, phát triển một cách rực rỡ hơn nữa nếu chúng ta biết kế thừa và phát triển những bài học kinh nghiệm, quy luật, nguyên lý xây dựng Đảng trong tình hình mới”, PGS. TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trò chuyện với Tiền Phong nhân kỷ niệm 91 năm thành lập Đảng.

Dựa vào dân để xây dựng Đảng, vấn đề này đã được nêu ra nhiều lần, vậy làm thế nào để cụ thể hóa, thưa ông?

Có thể nói, nhân dân có “trăm mắt, trăm tay”, nhân dân rất tinh tường, thấu hiểu. Cho nên không chỉ Đảng, mà Nhà nước, các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị cũng đều phải dựa vào dân để xây dựng, củng cố. Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, nguyên lý này đã được thể hiện rất rõ và thành công.

Để 'kho lịch sử bằng vàng' của Đảng rực rỡ hơn ảnh 1

“Lãnh tụ Lênin vĩ đại có nói một câu rất hay rằng, không ai đánh đổ được chúng ta, không ai đánh đổ được những người cộng sản ngoại trừ chính chúng ta, nếu những sai lầm, khuyết điểm của chúng ta chậm được phát hiện và không được sửa chữa".

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo

Trong những năm qua, Đảng đã kế thừa, vận dụng, phát triển những bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng. Thí dụ, chúng ta đã xác định một trong những chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là phản biện xã hội đối với một số chủ trương, chính sách. Việc lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng, lắng nghe ý kiến của nhân dân qua nhiều kênh, trong đó có kênh báo chí… Những giải pháp này tới đây cần phải tăng cường, nhưng đồng thời phải thêm những giải pháp mang tầm chiến lược hơn, hiệu quả và chất lượng hơn.

Đảng cử dân bầu, về cơ bản từ trước tới nay là chính xác nhưng cũng có nhiều trường hợp không như chúng ta mong muốn. Vừa qua một số nơi, trong đó có Quảng Ninh đã thay đổi cách làm. Dân tin, Đảng cử, để nhân dân bầu ra trưởng thôn là đảng viên. Lúc đó, Đảng sẽ giới thiệu tham gia cấp ủy làm bí thư chi bộ. Dân tin, Đảng cử cũng rất tốt chứ sao? Như thế sẽ được cộng đồng tin tưởng.

Theo ông, mô hình đó có thể nhân rộng lên các cấp cao hơn hay không?

Mô hình này mới được triển khai ở cấp cơ sở tại Quảng Ninh. Theo tôi, cần phải nghiên cứu, tổng kết. Nếu thấy phù hợp có thể triển khai thêm các cấp tiếp theo, trước khi trở thành một chủ trương. Tuy nhiên, để cho Đảng thực sự là trí tuệ, tiêu biểu của dân tộc và thời đại, chúng ta phải có thêm những kênh để thu hút trí tuệ toàn dân.

Tôi thấy chưa có đảng nào trên thế giới lấy ý kiến toàn dân vào dự thảo văn kiện. Đây là điều hiếm thấy trong lịch sử phong trào cộng sản quốc tế. Nhưng sắp tới, không chỉ với dự thảo văn kiện mà phải đưa các chủ trương, quyết sách lớn của Đảng vào cuộc sống.

Những kho lịch sử bằng vàng của Đảng ta 91 năm qua chắc chắn sẽ được bổ sung, phát triển một cách rực rỡ hơn nữa nếu chúng ta biết kế thừa và phát triển những kinh nghiệm, quy luật, nguyên lý xây dựng Đảng trong tình hình mới.

Sức chiến đấu của Ðảng là yêu cầu sống còn

Trong các nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra, theo ông, những nguy cơ nào là thách thức lớn nhất cần phải lưu tâm, xử lý?

Hồi đầu thế kỷ 20, lãnh tụ Lênin vĩ đại có nói một câu rất hay rằng, không ai đánh đổ được chúng ta, không ai đánh đổ được những người cộng sản ngoại trừ chính chúng ta, nếu những sai lầm, khuyết điểm của chúng ta chậm được phát hiện và không được sửa chữa. Thực tiễn phong trào cộng sản quốc tế, đặc biệt lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô đã chứng minh tính đúng đắn của luận điểm này.

Chúng ta thấy, bom đạn của thực dân đế quốc có làm cộng sản nào thất bại đâu? Nhưng sự nghiệp cộng sản từng đổ vỡ một mảng rất lớn ở Liên Xô cũ và Đông Âu do những sai lầm của đội ngũ cộng sản cầm quyền ở đó. Sai lầm trong cải tổ, sai lầm cả trên phương diện chính trị, tư tưởng, tổ chức, đặc biệt là xây dựng đảng. Đây là bài học rất xót xa, có sự cảnh tỉnh lâu dài đối với tất cả các đảng cộng sản trên thế giới, trong đó có Đảng ta.

Trong Đại hội XIII, báo cáo chính trị khẳng định, tình trạng suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong; tình trạng tham nhũng, tiêu cực khác không chỉ là nguy cơ mà còn là thách thức không thể xem thường. Nhận định đó, tôi cho là đủ sức cảnh tỉnh, đánh giá đúng tầm nguy cơ thách thức này. Nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta thấy rằng, hầu như không có một vụ án lớn nào được kiểm điểm, phanh phui ra thông qua sinh hoạt đảng thường kỳ tại các chi bộ, đảng bộ. Tại sao lại thế này? Do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết hay thiếu trách nhiệm? Hay là an phận thủ thường, hay sự thờ ơ chính trị của đảng viên? Dù nguyên nhân thế nào thì đây cũng là dấu hiệu sa sút về sức chiến đấu rất đáng lo ngại trong Đảng ta.

Tôi cho rằng, trong công tác xây dựng Đảng, việc khôi phục, củng cố, phát triển sức chiến đấu của tất cả các tổ chức Đảng, từ cơ sở tới Trung ương là việc sống còn. Sau đó là tính gương mẫu của tổ chức đảng, đặc biệt của đảng viên. Cán bộ giữ cương vị càng cao, càng phải gương mẫu. Người dân nhìn vào đảng thông qua từng đảng viên, từng lãnh đạo. Tôi cho rằng, Đảng ta thuyết phục được toàn dân chính là bằng tính gương mẫu của mình. Thế hệ cha anh chúng ta trước đây làm gì có nhiều quy định pháp luật như bây giờ nhưng tại sao Đảng nói một lời, toàn dân tin tưởng và chấp hành, muôn người như một? Vì lúc ấy, nhân dân ta tuyệt đối tin tưởng vào Đảng. Vì mỗi đảng viên, mỗi tổ chức Đảng thực sự là tấm gương.

Bây giờ phải khôi phục lại những gì đã để phai nhạt về sự nêu gương. Sau đó là nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền. Nhân dân ta hoàn toàn có thể thông cảm, bù đắp cho Đảng nếu chúng ta thiếu hụt một chút về kiến thức, kinh nghiệm, năng lực. Nhưng nhân dân sẽ rất lo lắng nếu Đảng ta thiếu sức chiến đấu, thiếu tính nêu gương.

Gửi gắm trọn vẹn niềm tin vào đội ngũ cán bộ trẻ

Ông kỳ vọng gì vào Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ XIII vừa được Đại hội bầu ra?

Tôi rất may mắn, trong thời kỳ làm Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trực tiếp giảng dạy, làm chủ nhiệm các lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp chiến lược. Ví dụ như 5 lớp đào tạo phục vụ Đại hội XIII, tôi được tiếp xúc trực tiếp với anh em, trực tiếp lên lớp, chấm tiểu luận, đề án; còn khóa XII có 6 lớp, tôi cũng trực tiếp giảng dạy.

Qua hai kỳ đại hội, tôi thấy việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ Trung ương rất công phu, sàng lọc qua rất nhiều vòng. Tất cả các cán bộ cấp chiến lược đều có quá trình rèn luyện rất dày dặn, phong phú, nhiều vị trí, chức danh qua nhiều hoàn cảnh khác nhau. Tất cả đều được đào tạo rất cơ bản, trong đó không ít người được đào tạo ở nước ngoài, có nhiều đồng chí cũng đã trưởng thành, có rất nhiều người tuổi trẻ, năng động.

Tôi nhớ có những cán bộ thế hệ 8X, thế hệ cuối 7X, giữa 7X rất nhiều. Chúng tôi vô cùng phấn khởi khi đào tạo được một đội ngũ cán bộ kế cận, và tôi hoàn toàn tin tưởng, gửi gắm niềm tin trọn vẹn vào đội ngũ cán bộ trẻ, cũng như 200 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương vừa trúng cử, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người được toàn Đảng, toàn dân kính trọng, tin tưởng, yêu mến. Tổng Bí thư là một tấm gương về sự liêm khiết, trong sạch, về sự tận tụy, trách nhiệm, về trí tuệ và năng lực công tác, thậm chí có uy tín quốc tế rất cao. Tôi cũng như rất nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân không chỉ tin tưởng, mà còn kỳ vọng rất lớn vào đội ngũ lãnh đạo Đảng nhiệm kỳ XIII.

Một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng sau Đại hội XIII, đó là đưa nghị quyết vào cuộc sống, trong đó nhấn mạnh tinh thần đổi mới sáng tạo, thực hiện mục tiêu đưa đất nước phát triển, người dân có thu nhập cao. Điều đó đòi hỏi người lãnh đạo có năng lực như thế nào để hiện thực hóa2 những mục tiêu đề ra, thưa ông?

Đại hội XIII vừa qua nhấn mạnh rất nhiều về đổi mới sáng tạo. Với tất cả những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử chúng ta đạt được trong 35 năm đổi mới, Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa, khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Để vươn lên được cái đích trở thành quốc gia phát triển vào giữa thế kỷ 21, chúng ta cần phát triển rất nhanh với chất lượng cao, nói cách khác là nhanh và bền vững.

Chúng ta đã làm được 2 kỳ tích, nhảy từng bước rất cao, nhảy được bước khá xa, bây giờ muốn cao hơn, xa hơn những bước nhảy trước sẽ khó khăn hơn nhiều. Bẫy thu nhập trung bình luôn giam chân tuyệt đại đa số các quốc gia sau khi thoát nghèo. Chỉ rất ít quốc gia sau khi thoát nghèo vượt được vũ môn, thu nhập trung bình cao để trở thành quốc gia phát triển. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình rất lớn. Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, mấy thập kỷ qua vẫn loanh quanh mức thu nhập trung bình, không trở thành các quốc gia phát triển. Đó là hiện thực, cho nên để làm nên những kỳ tích, chúng ta rất cần những tư duy năng động, đổi mới, sáng tạo. Muốn vậy, cần phải tham khảo thêm nhiều kênh để thu hút trí tuệ của toàn dân.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG