Để hòa nhập với thanh niên

Để hòa nhập với thanh niên
TP - Phong trào xóa bỏ cây thuốc phiện, hiến máu nhân đạo, xóa mù chữ thu hút hàng triệu thanh niên tham gia có dấu ấn của 'thủ lĩnh' Trương Thị Mai (ảnh), nguyên nữ Bí thư thường trực đầu tiên của T.Ư Đoàn, hiện là Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

>> Nữ thủ lĩnh mạnh mẽ

Phong trào thanh niên hiến máu tình nguyện trở thành thương hiệu của Đoàn, Hội từ thập niên 90 Ảnh: Phạm Yên
Phong trào thanh niên hiến máu tình nguyện trở thành thương hiệu của Đoàn, Hội từ thập niên 90. Ảnh: Phạm Yên.

Năm 1993, chị là Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng được điều động ra Hà Nội làm Trưởng ban Mặt trận TN (T.Ư Đoàn) kiêm Tổng thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam. Chị xung phong phụ trách 9 tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là thử thách không nhỏ với một phụ nữ trẻ vừa ở phía Nam ra.

Việc đầu tiên, chị cùng đồng nghiệp phát động phong trào xóa bỏ cây thuốc phiện tại các tỉnh miền núi. Chị Mai đặt chân tới những huyện xa xôi, khó khăn nhất như Mèo Vạc, Đồng Văn, Tả Phìn (Hà Giang) và các tỉnh biên giới để vận động TN. “Nhiều lúc phải đi bộ cả ngày để đến với TN dân tộc thiểu số.

Mình vận động TN nên phải tới tận nơi và thuyết phục họ nhổ bỏ cây thuốc phiện, hướng dẫn TN trồng trọt cây thay thế, cùng làm việc thì TN mới tin và làm theo. Sau này, nhiều việc của Đoàn, Hội đều thành công từ những cách làm cụ thể, gần gũi với TN”, chị Mai kể.

Trách nhiệm nặng nề mà chị cùng đồng nghiệp đảm trách là xây dựng tổ chức Hội ở các tỉnh phía Bắc, tiến đến tổ chức Đại hội Hội LHTN Việt Nam đầu tiên sau giải phóng (33 năm bị gián đoạn kể từ năm 1961). Năm 1994, Đại hội Hội LHTN lần thứ 3 được tổ chức. Lúc đó, có gần 50 tỉnh, thành có tổ chức Hội.

Tại đại hội năm 1994, Hội phát động 3 cuộc vận động (CVĐ) lớn: Hỗ trợ TN mưu sinh lập nghiệp, Chống mù chữ, chống thất học và Hiến máu nhân đạo. Ban Mặt trận TN được giao nhiệm vụ tham gia Ủy ban Quốc gia về xóa mù chữ toàn quốc và lập ra những đội hình tình nguyện để thực hiện nhiệm vụ này cho đến khi cả nước công bố phổ cập giáo dục tiểu học.

Trong suốt thập niên 90, 3 CVĐ thu hút đông đảo TN cả nước tham gia, góp phần phát triển tổ chức Đoàn, Hội ngày càng lớn mạnh, trở thành nơi uy tín tập hợp, đoàn kết TN. Giờ đây, hiến máu nhân đạo trở thành phong trào mang dấu ấn sâu sắc trong xã hội mang thương hiệu tổ chức Đoàn.

Thủ lĩnh Trương Thị Mai
Thủ lĩnh Trương Thị Mai .

Từ cuộc gặp đầu tiên

Chị còn là chủ nhân ý tưởng tổ chức chương trình Gặp gỡ thanh niên tình nguyện toàn quốc đầu tiên. Năm 1997, cả nước có 19 đội hình thanh niên tình nguyện (TNTN) hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đoàn, Hội như: hiến máu tình nguyện, ánh sáng văn hóa hè, mùa hè xanh, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm, giáo dục viên đường phố…

Cuộc gặp gỡ đầu tiên có Tổng Bí thư Đỗ Mười đến dự và phát biểu với TN, tổ chức Đoàn phát triển sâu rộng phong trào TNTN trên cả nước. Năm 2000, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, T.Ư Đoàn chính thức phát động phong trào TNTN trên cả nước.

Trong Hành trình tuổi 20 tổ chức kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam năm 1995 tại Đắk Lắk, chị Mai nêu ý tưởng tập hợp 300 TN sinh năm 1975 hoạt động xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực để tuyên dương và khơi dậy trong giới trẻ ngày tháng hào hùng của dân tộc. Hành trình đầu tiên đầy ấn tượng, mở đầu cho những hành trình đầy ý nghĩa sau này.

Chị chia sẻ quan điểm khi làm công tác TN là sống cùng TN. Khi tổ chức hội trại, TN leo núi, chị cũng tham gia. Mặc dù không biết bơi nhưng bất cứ vụ thiên tai lũ lụt nào chị đều có mặt. Chị đi xuồng cùng TN tới tận các vùng bị cô lập, chia cắt bởi lũ.

Có lần chị đến Kiên Giang, thuyền bị thủng, chị leo lên nóc nhà ngồi chờ cứu trợ. Chị cho rằng, đối với TN, nếu có điều gì mình e ngại mà có biểu hiện xa cách, TN sẽ rời xa mình. Thế nên, hòa nhập với TN, mọi khoảng cách bị xóa nhòa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG