TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TPHCM cho biết đợt 1 thi đánh giá năng lực có hơn 88.000 thí sinh dự thi.
Kết quả có 152 thí sinh đạt từ 1.000/1.200 điểm trở lên (tương đương 8,3/10 điểm), chiếm 0,17%. Thủ khoa của đợt 1 đạt 1.091/1.200 điểm. Năm 2022, đợt 1 của kỳ thi này có gần 80.000 thí sinh dự thi và số thí sinh đạt từ 1.000/1.200 điểm chiếm tỷ lệ gần 0,15%.
Thí sinh tham gia thi đánh giá năng lực năm 2023 của ĐH Quốc gia Hà Nội |
ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã tổ chức được 3 đợt thi đánh giá năng lực cho năm 2023. Tuy chưa công bố phổ điểm nhưng có thể thấy tỷ lệ thí sinh đạt từ 100/150 điểm (tương đương 6,6/10 điểm) chỉ ở mức rất khiêm tốn quanh con số 1%. Năm 2022, GS. TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội thông tin chỉ có dưới 1% thí sinh dự thi đánh giá năng lực của ĐH này đạt từ 100 điểm trở lên.
Trong khi đó, kết quả học tập ở bậc THPT năm 2022 từ báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy, điểm trung bình các môn học trên cả nước đều đạt từ 7,27 điểm trở lên và cao nhất là môn Giáo dục công dân 8,34 điểm.
Đối với kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, điểm trung bình các môn có sự biến động theo chiều hướng thấp hơn điểm học bạ trừ môn Giáo dục công dân, từ 5,15 điểm đến 8,6 điểm. So với kết quả thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia, có sự vênh đáng kể giữa các kết quả này.
TS Nguyễn Quốc Chính cho rằng việc so sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT hay kết quả học tập ở học bạ và điểm thi đánh giá năng lực là không hợp lý vì mục tiêu đánh giá khác nhau. Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực đánh giá thí sinh toàn diện hơn như khả năng viết, ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu. Đặc biệt là khả năng tổng hợp nên kỳ thi này sẽ cho thông số đánh giá được năng lực, khả năng để học ĐH của mỗi thí sinh. Còn kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá hoàn thành kiến thức, năng lực phổ thông.
Thí sinh phải nắm vững kiến thức của các môn học
GS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ, thực tế tại kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội có những học sinh giỏi nhưng thi chỉ được 70 - 80/150 điểm. Thi xong, một số em không tin được việc đó, ngay cả phụ huynh cũng bất ngờ và băn khoăn. Ông Thảo nhận định đang có độ vênh nhất định giữa đào tạo bậc THPT và bậc ĐH.
Do đó, các cơ sở giáo dục ĐH phải tìm ra những cách thức khác nhau để tuyển sinh được người không những giỏi, mà còn phải đúng. “Đúng ở đây nghĩa là phù hợp. Người làm công tác tuyển sinh sẽ thích thú hơn rất nhiều khi tuyển được những người phù hợp, yêu thích ngành học. Chỉ như vậy mới có hy vọng ra trường sinh viên dám đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp”, ông Thảo chia sẻ.
Sự vênh nhau giữa học phổ thông và thi đánh giá năng lực theo GS Thảo còn có một nguyên nhân phụ nữa là do học lệch. Bài thi đánh giá năng lực bắt buộc thí sinh phải nắm vững kiến thức tất cả các môn học ở phổ thông.
Trong khi đó, vào lớp 10, học sinh đã định hướng tập trung học những môn mà sau này sẽ xét tuyển ĐH theo tổ hợp 3 môn. Từ cách thi đánh giá năng lực, ông Thảo cho rằng dù là chương trình phổ thông cũ hay mới thì khi tốt nghiệp bậc THPT, cần đạt được những năng lực gì về xử lý số liệu, về tư duy, về logic hay là về ngôn ngữ, về hành văn, ngữ pháp hay khoa học tự nhiên, khoa học xã hội… Bài thi đó không chỉ đòi hỏi là phải nhớ kiến thức, mà học sinh còn phải biết kiến thức đó để làm gì, được ứng dụng như thế nào trong cuộc sống. Qua kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh sẽ bộc lộ tất cả những gì đã tích lũy.
TS Nguyễn Quốc Chính cũng thừa nhận có tình trạng học lệch. Nhưng ông cho rằng quan trọng nhất là cách tiếp cận dạy và học ở phổ thông, cách tiếp cận của kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa thực sự là giúp thí sinh phát triển toàn diện và phát huy được năng lực thực sự. Cách dạy và cách học ở phổ thông cần phải thay đổi.