Nói về sự kế vị, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên có thể không có nhiều khác biệt. Tại Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Il đã bỏ ra nhiều năm chuẩn bị cho con trai Kim Jong Un trở thành nhà lãnh đạo thế hệ thứ 3 trước khi ông qua đời vào cuối năm 2011. Còn ở Hàn Quốc, Lee Kun-hee, Chủ tịch đế chế Samsung, đang dọn đường cho con trai, Lee Jae-yong, trở thành người đứng đầu thế hệ thứ 3 của gã khổng lồ Samsung khi ông qua đời. Điều này chưa xảy ra nhưng với ông Lee 72 tuổi đang bệnh tật - ông đã phải nhập viện và bị cấm khẩu do cơn đau tim hồi tháng 5 - con trai ông và người kế vị, đang đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch, đang điều hành công ty một cách hiệu quả.
Tại Hàn Quốc, không nhiều người từng được gặp hay nhìn thấy 2 cha con ông Lee. Chỉ một vài trong số 286.000 nhân viên toàn cầu của Samsung Electronics đã gặp 1 trong 2 người này, và những người phát ngôn Samsung đã bật cười một cách đầy nghi hoặc khi được hỏi liệu họ đã từng gặp Jay Y. Lee (cái tên mà ông Lee Jae-yong thích mọi người gọi ông) hay chưa.
Tỷ phú Lee Kun-hee (giữa), Chủ tịch Samsung Electronics và con gái Lee Boo-jin (phải), Giám đốc điều hành Hotel Shilla Co., tại một cuộc họp của công ty tại Shilla Hotel ở Seoul..
Một trong những người thân cận ở Samsung cho biết, ở Hàn Quốc, mọi người gọi việc này là "quản lý kiểu hoàng đế" khi ông này mô tả sự sùng bái những ông chủ các tập đoàn mà ở Hàn Quốc được gọi là “chaebol”. Điều được nói về bất kỳ ông chủ chaebol nào là “không thể tranh cãi được”. Lời nói của các ông chủ chaebol giống như lời của hoàng đế, lời của Chúa và không thể bác bỏ được. Hơn nữa, Jay Y. Lee là nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiện đại hơn cha mình. Vị Phó chủ tịch 46 tuổi này khá nhẹ nhàng và ưa nhìn, ông nói tiếng Anh và tiếng Nhật một cách trôi chảy lưu loát (ông đã học MBA tại Đại học Keio ở Tokyo và nhiều năm tại Harvard Business School, mặc dù chưa tốt nghiệp).
Ở Hàn Quốc, Jay Y. Lee thường được gọi là “thái tử Samsung” và đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong những năm gần đây như một phần trong kế hoạch kế vị, trước khi đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch năm 2012.
Samsung phản đối cách mô tả “quản lý kiểu hoàng đế” trong tập đoàn với việc nữ phát ngôn viên Rhee So-eui cho biết mỗi công ty con của Samsung đều có giám đốc là người ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng một nửa cổ phần của Samsung Electronics. Bà Rhee So-eui cho biết “Gia đình sáng lập Samsung đóng vai trò then chốt trong quản lý thông qua việc đưa ra tầm nhìn dài hạn về tăng trưởng bền vững, nhưng họ làm việc cùng với nhiều nhà quản lý chuyên nghiệp cao cấp khác”. Hơn nữa, ông Jay Y. Lee sẽ lên nắm quyền vào thời điểm quan trọng đối với Samsung và đối với Hàn Quốc nói chung – vì ở nhiều khía cạnh, Samsung là Hàn Quốc.
Gã khổng lồ này nổi tiếng toàn cầu với smartphone Galaxy và TV màn hình phẳng có mặt ở khắp Hàn Quốc. Với hơn 70 công ty con, Samsung chiếm khoảng 20% kinh tế Hàn Quốc. Samsung đóng tàu thủy và xây dựng căn hộ, sở hữu công viên giải trí và đội bóng chày, bán bảo hiểm nhân thọ và chứng khoán, và điều hành bệnh viện toàn diện với các khoa sản và nhà tang lễ. Người Hàn Quốc thường nói đùa rằng họ có thể sống từ lúc chào đời đến khi nhắm mắt xuôi tay tại “Cộng hòa Samsung”.
Nhiều thách thức khó khăn đang đợi Phó chủ tịch Jay Y. Lee ở phía trước.
Chaebol này, nhận được sự hỗ trợ hào phóng của chính phủ trong những năm 1960, được ngợi ca với việc biến một Hàn Quốc từ thế giới thứ 3 thành trung tâm kinh tế công nghệ cao ngày nay. Nhưng người Hàn Quốc bắt đầu cảm thấy khó chịu với sự kiểm soát mà một vài gia đình – nhà Chungs điều hành Hyundai Motor cũng đang chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho thế hệ thứ 3 – đối với kinh tế Hàn Quốc.
Lee Kun-hee, đã điều hành Samsung từ khi cha ông qua đời năm 1987, chỉ sở hữu 3,4% Samsung Electronics và Jay Y. Lee nắm giữ chưa đến 1%. Nhưng thông qua cấu trúc sở hữu chéo – sơ đồ kết nối các công ty con của Samsung giống như bát mì spaghetti – gia đình này đang kiểm soát toàn bộ tập đoàn. Gia đình này cũng được cho là đang nhận được sự đối xử đặc biệt.
Ông Lee đã bị kết tội trốn thuế và cho hưởng 3 năm án treo năm 2008 vì bán trái phiếu cho các con mình với giá thấp hơn giá thị trường, một phần trong quá trình chuẩn bị cho việc duy trì kiểm soát trong gia đình. (Ông Lee có 2 con gái và cũng tham gia vào kinh doanh. Một người con gái khác đã tự tử tại New Yorkk năm 2005). Ông Lee đã rút khỏi vị trí chủ tịch Samsung và rút lui khỏi Ủy ban Olympic Quốc tế. Nhưng năm 2009 ông được xóa án và trở lại đảm nhiệm cả 2 vai trò, vừa kịp giúp Hàn Quốc tiến hành nỗ lực lần thứ 3 – và thành công – trong việc giành quyền tổ chức Thế vận hội Olympics mùa đông năm 2018.
Và mọi chuyện ở Hàn Quốc đang thay đổi. Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua đạo luật yêu cầu tách biệt doanh nghiệp tài chính và phi tài chính – sẽ khó khăn hơn cho các hãng bảo hiểm và chứng khoán cùng tồn tại với các công ty con sản xuất điện thoại và tủ lạnh.
Từ trái sang: Lee Jae-yong, Lee Boo-jin và Lee Seo-hyun.
Samsung đang chuẩn bị niêm yết 2 công ty con trên sàn chứng khoán – SDS, mảng dịch vụ IT và Cheil Industries, công ty mẹ của Samsung Group trước kia được biết đến với tên Everland – nhằm giúp tập đoàn tuân thủ quy định mới. Nhưng việc này lại làm phát sinh nhiều vấn đề. Việc niêm yết có thể phần nào làm “phai nhạt” quyền lực của gia đình Lee vì Jay Y. Lee sở hữu một phần tư Cheil Industries. Những thay đổi về cấu trúc sở hữu cũng có thể buộc gia đình Lee phải thanh toán khoản thuế nhiều tỷ USD.
Kim Sang-jo, giáo sư kinh tế học tại Đại học Hansung và đứng đầu Tổ chức Cải cách Kinh tế - chuyên giám sát chaebol – cho biết, câu hỏi giờ đây là làm thế nào để củng cố vị trí của Lee Jae-yong. Không thể làm theo cách cũ được vì việc đó giờ đây là phạm pháp và xã hội sẽ không cho phép điều đó. Nhưng nhân viên tại công ty giờ đây quan tâm đến tương lai của công ty hơn là ai sẽ nắm vị trí lãnh đạo. Viễn cảnh có vẻ u ám đối với Samsung. Sản phẩm Galaxy, đối thủ của iPhone, đã đưa mảng điện tử của tập đoàn lên tầm cao mới trong những năm gần đây, giúp Samsung bỏ xa các đối thủ khác như Sony.
Tuần này, Samsung cảnh báo rằng doanh thu quý III/2014 của tập đoàn có thể giảm xuống chưa đến 4 tỷ USD, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà sản xuất điện thoại giá rẻ Trung Quốc. Và nhiều nhà đầu tư đang bán cổ phiếu Samsung Electronics. Điều này có nghĩa là ông Jay Y. Lee sẽ lên nắm quyền trong một môi trường mà thậm chí một nhà quản lý kinh nghiệm nhất cũng thấy là đầy thách thức.