'Đề án đổi mới giáo dục'- Vì sao chưa được Trung ương thông qua?

'Đề án đổi mới giáo dục'- Vì sao chưa được Trung ương thông qua?
TP - “Tôi mừng vì Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo chưa được Trung ương (T.Ư) thông qua. Chuẩn bị Đề án chưa tốt, nên việc chưa thông qua cho thấy T.Ư rất thận trọng với sự nghiệp giáo dục”- GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học - Bộ GD&ĐT, nhận định.

> Đổi mới giáo dục: Bất cập từ SGK đến giáo viên

Mừng và hy vọng

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Giáo dục, nói rằng, dù đã có đường lối do Đại hội XI đề ra (tính đến nay là gần 2 năm), đã qua nhiều hội thảo, đã có dự án..., nhưng Hội nghị T.Ư 6 không ra được nghị quyết về GD&ĐT.

Điều này chứng tỏ sự chuẩn bị chưa tốt, tờ trình và dự án chưa thỏa mãn yêu cầu.

Tuy nhiên, rất may mắn, GS Hạc nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có phát biểu một đoạn trong bế mạc HN, có những ý tưởng rất quan trọng về GD&ĐT với định hướng là quay trở lại thực hiện đường lối giáo dục do nghị quyết T.Ư 2 (khóa VIII) thông qua năm 1996, và các văn kiện khác của T.Ư và Bộ Chính trị trong 16 năm qua.

Tổng Bí thư kết luận rằng, “đây là vấn đề hệ trọng phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau, khi nào thấy đủ điều kiện sẽ ra nghị quyết về GD&ĐT”. Đây là lý do để chúng ta hy vọng sẽ có một nghị quyết về GD&ĐT trong tương lai, GS Hạc nói.

 GD&ĐT còn là vấn đề chung của cả xã hội, không chỉ riêng ngành GD. Nếu còn tâm lý bằng cấp khoa cử, còn sự dối trá, gian lận như hiện nay thì làm sao có nền GD tốt?  

GS Đặng Hữu, nguyên Trưởng Ban Khoa giáo T.Ư phân tích: Các nhà khoa học đã nhận thấy rằng với tình hình giáo dục như hiện nay, chuẩn bị Đề án như vậy chưa đủ tầm để đưa ra hội nghị T.Ư. Đổi mới căn bản, toàn diện và sâu sắc thực chất là cải cách giáo dục. Cải cách là phải giải quyết được tận gốc các vấn đề của giáo dục, là đưa ra được những cái mới nhưng đề án đã không làm được như vậy, GS Hữu nói.

Theo GS Hạc, một văn bản chuẩn mực như nghị quyết của T.Ư là đưa ra đường lối chính sách về giáo dục nhưng Đề án đổi mới giáo dục đã thiếu cái cơ bản đầu tiên là triết lý giáo dục.

Hiện nay, triết lý khá phổ biến của giáo dục Việt Nam là học để thi, để kiếm mảnh bằng...

Vì vậy, hiện nay, cách quản lý, cách thi cử, cách mở quá nhiều trường ĐH cũng là để phục vụ triết lý đó. Nếu chúng ta không vượt qua được điều này thì không có gì có thể đổi mới, GS Hạc nói.

Trong thời đại mới, triết lý giáo dục là tạo ra giá trị thực của con người, làm cho mỗi người là một hệ giá trị có năng lực thật để cống hiến cho xã hội.

Vì vậy, giáo dục phải tạo ra các giá trị thật, mỗi người phải có giá trị sống, kỹ năng sống, năng lực tạo ra giá trị sống cho mình. Theo đó mới xác định việc dạy và học, việc thay đổi sách giáo khoa ở phổ thông và ở ĐH đi vào hướng thiết thực như thế nào - thực học và thực nghiệp.

Với kinh nghiệm quản lý lâu năm trong ngành GD&ĐT, GS Thiệp cho rằng, phải xuất phát từ triết lý, mục tiêu GD&ĐT rồi mới thiết kế hệ thống, rồi mới đến sách giáo khoa (SGK).

Triết lý GD&ĐT là gì rồi mới nói đến cần dạy bao nhiêu năm. “Đằng này, chúng ta chưa có triết lý và bắt đầu bàn 10 năm, 11 hay 12 năm; rồi nói đến SGK là đổ tiền vào làm SGK trên triết lý, thời gian học… giả định”, GS Thiệp nói.

Nhanh chóng hoàn thiện đề án

Đề án được kỳ vọng sẽ thay đổi một cách căn bản và toàn diện tác động đến tầng sâu của toàn bộ nền giáo dục, tác động đến tận gốc rễ.

Vì vậy, tốt nhất là sau Hội nghị T.Ư 6, những người có trách nhiệm phải chuẩn bị tiếp, không thể chần chừ, nếu uể oải thì không thể nâng cao chất lượng của đề án để kịp trình hội nghị trung ương tiếp theo, GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, nhận định.

GS Đặng Hữu nhấn mạnh: Đề án phải tiếp thu được cái mới của thời đại trong sự sáng tạo của chúng ta. Ngày nay, giá trị tạo ra không phải là do vốn mà là do phương pháp mới và công nghệ mới; nếu giáo dục không thay đổi, chúng ta sẽ mãi mãi bán tài nguyên, bán nhân công và đất nước càng tụt hậu.

 Đào tạo giáo viên như thế nào cũng đang là vấn đề. Chúng ta đổ tiền vào trường sư phạm thì đào tạo theo cách nào khi mà trường sư phạm của ta đang tư duy theo lối cũ, rất cổ lỗ sĩ. Cách làm cũ mà đổ tiền để đào tạo thì chưa chắc tốt. 

Theo GS Thiệp, để có một bản đề án hoàn hảo, phải có những con người uyên bác tập hợp trong một hội đồng giáo dục quốc gia để thảo luận khoa học nghiêm túc, có sự tham gia của chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học, nhà giáo trong nước và giải quyết vấn đề từ gốc chứ không phải cải cách là bắt đầu từ SGK.

Theo GS Hạc, trong lúc chờ đợi và hy vọng, nền giáo dục Việt Nam phải thay đổi, sửa chữa những điểm sai chính yếu sau đây.

Một la, phải chấn chỉnh, sửa sai ngay những gì thấy sai trước mắt, ví dụ bộ SGK phổ thông, bộ giáo trình ĐH. Hai là, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng.

Ba là mau chóng phân luồng học sinh để không tiếp tục thừa thày thiếu thợ. Nghị quyết T.Ư 2 đề ra mục tiêu: Sau lớp 9 phải phân luồng học sinh, 20% học tiếp THPT và 80% học nghề và tiếp tục học liên thông nếu có thể. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, năm 2012 có tới 86% học sinh THCS vào học THPT.

Thứ tư, cần nhanh chóng giải quyết những vấn đề liên quan cuộc sống và trình độ giáo viên.

Thứ năm, phải bảo đảm môi trường trung thực và dân chủ trong nhà trường từ cách dạy học sinh. Không thể để trong nhà trường có cảnh mua bằng, bán điểm; có cảnh lớp chất lượng cao, con nhà giàu học sướng như tiên khi xung quanh là con nhà nghèo, có em đi học còn đói cơm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG