Đề án 'cứu doanh nghiệp': Cần giải pháp cho từng ngành

Đề án 'cứu doanh nghiệp': Cần giải pháp cho từng ngành
Ngày 26-7, tiếp tục góp ý cho đề án Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn, Bộ Công thương đã tổ chức lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội phía Bắc.

> Đề án cứu doanh nghiệp: Sớm giải phóng hàng tồn kho

Một trong những giải pháp của đề án là đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”. Trong ảnh: doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại chương trình “Ngày hội hàng Việt” ở chợ truyền thống. Ảnh: Dũng tuấn
Một trong những giải pháp của đề án là đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”. Trong ảnh: doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại chương trình “Ngày hội hàng Việt” ở chợ truyền thống. Ảnh: Dũng tuấn.

Phát biểu về đề án của Bộ Công thương, ông Lê Hồng Thăng, giám đốc Sở Công thương Hà Nội, đã thẳng thắn cho rằng đúng là cần đề án để thúc đẩy nhanh biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng ông Thăng lại thấy những khó khăn của doanh nghiệp trong đề án của Bộ Công thương chưa thật rõ, thiếu những số liệu cụ thể. Mà thực tế không phản ánh hết thì các giải pháp cũng có thể thiếu quyết liệt.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, tổng thư ký Phòng Thương mại - công nghiệp VN, cho rằng một trong những giải pháp trong đề án của Bộ Công thương là chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” vẫn hô hào là chính.

Bà Hằng nêu kiến nghị của các hiệp hội hàng tiêu dùng nói thẳng: đề nghị các cơ quan Đảng, Chính phủ gương mẫu trong việc sử dụng hàng VN như mua cà phê, mua sắm bàn ghế, trang thiết bị... sản xuất tại VN. “Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng nên làm gương, dùng veston, sơmi... của VN” - bà Hằng đề xuất.

Một vấn đề khác là chỉ định thầu, bà Hằng cảnh báo có thể liên quan đến lợi ích nhóm. Đồng ý có thể chỉ định thầu các doanh nghiệp VN tiềm năng nhưng bà Hằng đề nghị phải phổ biến thông tin sớm để nhiều doanh nghiệp cùng biết, nếu không có thể không công bằng.

Theo GS Nguyễn Mại - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nếu giải pháp không thật mạnh và hiệu quả thì doanh nghiệp khó phục hồi. Cấp thiết nhất là vốn, vì vậy ông Mại đề nghị Nhà nước không chỉ gỡ khó như hiện nay mà cần thiết phải tính “mở hầu bao” nhiều hơn. Ông Mại nêu đề án Bộ Công thương cần là “đề án giải cứu” cho đúng mức độ chứ không chỉ là tháo gỡ khó khăn.

Các giải pháp, theo ông Mại, mỗi ngành có đặc thù, nên Bộ Công thương phải có giải pháp riêng cho từng ngành, chứ không chỉ chung cho tất cả như hiện nay. Đặc biệt, theo ông Mại, cách điều hành cũng phải có thay đổi...

Ông Lê Hồng Thăng thì đề nghị nên hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề tỉ giá, bởi điều này từ trước đến nay chưa được làm. Với doanh nghiệp có ngoại tệ bán cho ngân hàng, thì khi họ mua ngoại tệ để chuẩn bị nguyên liệu làm hàng xuất khẩu, theo ông Thăng, phải được hưởng tỉ giá khác, ưu đãi hơn.

Danh sách các sản phẩm trong nước đã sản xuất được, theo ông Thăng, cũng phải cập nhật nhanh hơn, sáu tháng một lần để bổ sung kịp thời, tránh nhập khẩu những mặt hàng trong nước đã làm được.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tỳ, phó tổng thư ký thứ nhất Tổng hội Cơ khí VN, cũng cho rằng cách dùng từ “hạn chế nhập khẩu những mặt hàng trong nước đã sản xuất được” của Bộ Công thương quá chung chung.

“Làm thủy điện Tam Hiệp, Trung Quốc chỉ nhập một tổ máy trọn bộ, còn lại đưa doanh nghiệp, viện đến nghiên cứu, sản xuất để không phải nhập”. Ông Tỳ nêu kinh nghiệm trên và cho rằng nhập thiết bị ngoại có hoa hồng lớn, nên nếu chỉ nói “hạn chế” thì họ vẫn nhập.

Theo Cầm Văn Bình Tuổi Trẻ

Doanh nghiệp chưa muốn vay vốn mới

* TP.HCM: nợ đọng thuế hơn 11.000 tỉ đồng

Tại cuộc họp bàn về tình hình kinh tế - xã hội bảy tháng đầu năm 2012 của TP.HCM do UBND TP.HCM tổ chức sáng 26-7, câu chuyện giảm lãi suất cho các khoản vay cũ tiếp tục được đem ra bàn thảo. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, phó giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước TP.HCM, cho biết các NH đang giảm lãi suất với các khoản vay cũ xuống 15%/năm, tuy nhiên một số NH nhỏ còn khó khăn nên việc thực hiện còn chậm.

Trong khi đó, một lãnh đạo quận Phú Nhuận cho biết doanh nghiệp (DN) không mặn mà chuyện vay vốn. “Quận tổ chức hai buổi đối thoại với DN xung quanh chính sách miễn giảm thuế, nhưng DN đến dự chỉ quan tâm đến việc miễn giảm thuế, giải pháp xúc tiến thương mại, giải phóng hàng tồn, mở rộng thị trường. Nghe xong phần này hầu hết DN rút lui. Buổi đối thoại thứ hai chúng tôi phải đảo ngược chương trình, cho NH phát biểu trước, sau đó đến cơ quan thuế trình bày thì DN ở lại đông đủ” - vị lãnh đạo quận Phú Nhuận cho biết.

Lãnh đạo quận 1 cho biết nhiều đơn vị vay vốn đầu tư kinh doanh khách sạn, dịch vụ vẫn trả lãi như cũ, không được giảm. Do vậy nhu cầu vay vốn để đầu tư mới gần như không có, thậm chí có đơn vị xây dựng công trình dở dang cũng đành đắp chiếu chứ không dám đầu tư hoàn thiện. Nơi này cũng tổ chức các buổi đối thoại, gặp gỡ giữa DN và NH nhưng rốt cuộc DN chỉ dám vay các NH quen, còn những NH mới giới thiệu sau này thì DN không đến. Một số DN cũng từ chối chính sách ưu đãi cho giãn giảm thuế với lý do có thể thu chi cân đối hằng ngày nên muốn nộp thuế luôn chứ không muốn nợ.

Bà Nguyễn Thị Hồng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết ngày 28-7 TP.HCM sẽ tổ chức kết nối DN và NH. Cuộc họp sẽ có sự tham gia của lãnh đạo 24 quận huyện, các tổng công ty, các thành phần kinh tế và NH trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn, phát triển sản xuất kinh doanh.

Tại cuộc họp, Cục Thuế TP.HCM cho biết hiện số nợ đọng thuế là hơn 11.000 tỉ đồng, trong đó 2.000 tỉ đồng chưa thật sự là nợ, còn 9.500 tỉ đồng đã được thẩm định và có danh sách các đơn vị nợ lớn. Một trong những nguyên nhân, theo ông Nguyễn Đình Tấn - cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, là do nơi này đang thiếu khoảng 1.200 cán bộ thuế.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Các nhà hảo tâm cùng báo Tiền Phong tri ân thầy cô giáo vùng lũ Yên Bái
Các nhà hảo tâm cùng báo Tiền Phong tri ân thầy cô giáo vùng lũ Yên Bái
TPO - Nhằm động viên, hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các thầy cô giáo và các trường học bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Công ty TNHH Wonder Union cùng báo Tiền Phong đã trao nhiều phần quà giá trị cho các học sinh, giáo viên công tác tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Minh Bảo, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.