Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp: Xem xét thí điểm chi trả tín chỉ carbon

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bán tín chỉ carbon là một trong những kết quả kỳ vọng đạt được của việc thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (đề án), cho dù đó không phải là mục tiêu chính của đề án.

Giảm đầu tư, giảm phát thải

Kết quả sơ kết các mô hình canh tác lúa thí điểm của đề án vừa qua cho thấy hiệu quả rõ rệt từ giảm chi phí và phát thải CO2. Ông Trần Văn Chung, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Phát Tài (huyện Châu Thành, Trà Vinh) cho biết, canh tác theo mô hình, bà con nông dân giảm được các khoản chi đầu vào, như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, năng suất cũng đạt và vượt so với canh tác truyền thống.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp: Xem xét thí điểm chi trả tín chỉ carbon ảnh 1

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp Philippines tham quan mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa ẢNH: CẢNH KỲ

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng đánh giá, kết quả của các mô hình trồng lúa mới cho thấy, tổng chi phí đầu vào giảm 10-15% so với ruộng đối chứng theo cách làm truyền thống; giảm 40-50% lượng giống gieo sạ; giảm 30-40% lượng phân đạm; giảm 3-4 lần phun thuốc; giảm lượng nước tưới khoảng 30-40%. Giá thành sản xuất 1kg thóc giảm từ 7-20%, quy ra giảm từ 252 - 822 đồng/kg sổ với cách canh tác lúa truyền thống.

Về kết quả giảm phát thải khí nhà kính, bình quân các mô hình trồng lúa thí điểm giảm được khoảng 5 tấn CO2e (lượng khí thải tương đương các-bon đi-ô-xít) cho 1ha so với ruộng đối chứng. Cụ thể, như tại Sóc Trăng, mô hình lúa thí điểm có lượng khí phát thải là 9,5 tấn CO2e/ha/vụ, trong khi lúa ngoài mô hình con số này là 13,5 tấn CO2e/ha/vụ, tức mô hình mới giảm gần 4 tấn CO2e/ha/vụ.

Đang thỏa thuận với WB và TCAF

Về việc bán tín chỉ carbon từ trồng lúa theo mô hình giảm phát thải, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đang thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) để hoàn chỉnh các thủ tục chi trả thí điểm tín chỉ carbon. Từ đó, xây dựng cơ chế chi trả trình Chính phủ phê duyệt. Dự kiến vụ lúa Hè Thu 2025, hoặc vụ Đông Xuân 2025-2026 có thể chi trả thí điểm tín chỉ carbon, với khoảng 20 triệu USD (khoảng 487 tỷ đồng) từ Quỹ TCAF.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp: Xem xét thí điểm chi trả tín chỉ carbon ảnh 2

Thiết bị đo giảm phát thải tại mô hình ở quận Thốt Nốt, Cần Thơ ẢNH: CẢNH KỲ

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, thực tế có những mô hình áp dụng quy trình canh tác lúa tương tự của đề án trồng lúa giảm phát thải và những HTX tham gia thực hiện được các đơn vị mua hồ sơ carbon, hay báo cáo giảm phát thải. Ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc HTX Tân Long (huyện Vị Thủy, Hậu Giang) cho biết, HTX của ông tham gia mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ, kết hợp đo lường và thu mua báo cáo giảm phát thải”. Kết quả đánh giá phát thải từ ruộng lúa của mô hình mang lại hiệu quả nổi trội so với ruộng lúa đối chứng canh tác theo phương thức truyền thống.

HTX Tân Long được công ty đối tác hỗ trợ để ra báo cáo giảm phát thải và công ty thu mua báo cáo này theo kết quả đo được từ hệ thống vệ tinh. “Kết quả đo cho thấy, ruộng mô hình giảm được 3-4 tấn CO2/ha so với ruộng đối chứng canh tác theo phương thức truyền thống. Mỗi tấn CO2 giảm đó được họ mua với giá 20 USD. Đây gọi là báo cáo giảm phát thải, không phải tín chỉ carbon”, ông Thích nói và cho biết, tới đây HTX của ông sẽ nhân rộng mô hình và tham gia thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa vào vụ Đông Xuân 2024-2025.

Đảm nhận quy trình đo đếm giảm phát thải, tiến tới hình thành tín chỉ carbon của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ NN&PTNT). Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng viện này cho biết, đề án đang ở giai đoạn thí điểm, chưa có ai được mua - bán tín chỉ carbon. Việc bán tín chỉ carbon là chuyện của những năm tới, năm 2025 mới triển khai các bước để thực hiện thí điểm chi trả và khoảng năm 2028 mới có nghị định chính thức về mua - bán tín chỉ carbon.

“Muốn bán tín chỉ carbon phải có người mua, mình liên hệ với họ hoặc ngược lại, rồi các bên làm việc với nhau về tiêu chí. Bên mua phải điều tra hiện trạng, tiềm năng giảm phát thải… sau đó mới đi đến bàn bạc thống nhất, ký kết… Quá trình này cũng mất hàng năm, không phải ra ruộng mua được ngay đâu”, ông Trịnh phân tích.

Nói về tín chỉ carbon, đại diện một số HTX cho biết, không ít bà con nông dân còn mơ hồ về khái niệm này. Ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX Phát Tài (Trà Vinh) chia sẻ: “Chúng tôi thường đi họp, tập huấn cũng mới nắm được cơ bản, còn người dân họ chưa hiểu lắm về việc này. Lợi ích của việc thực hiện canh tác theo mô hình lúa giảm phát thải là có, như giảm chi phí đầu vào, giảm phân, thuốc… và lúa đạt năng suất tốt. Tuy nhiên, lúa hiện vẫn bán theo giá thị trường bởi chưa có giá riêng cho lúa gạo giảm phát thải”.

Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam đặc biệt nhấn mạnh, mục đích cao nhất của đề án lúa chất lượng cao là chứng minh được hiệu quả giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải, tăng lợi nhuận cho nông dân, không phải là bán tín chỉ carbon. Vì vậy không “lái” đề án đi qua mục đích khác.

Lần đầu tiên được thưởng tiền khi trồng lúa giảm phát thải

Vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) sơ kết thí điểm mô hình: “Khuyến khích kinh tế đối với nông dân thực hành sản xuất lúa theo gói canh tác ‘1 phải 5 giảm’ và giảm phát thải khí nhà kính” (mô hình không thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp – PV). Kết quả, trong số 200 hộ nông dân tham gia, có 38 hộ nhận được nhận tiền thưởng do đạt mức giảm phát thải trên 1 tấn CO2 tương đương/ha (8 hộ), và dưới 1 tấn CO2 tương đương/ha (30 hộ). Tổng số tiền thưởng trên 20 triệu đồng. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam, nông dân canh tác lúa giảm phát khí CO2 được nhận thưởng bằng tiền mặt.

Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) cho biết, canh tác theo quy trình giảm phát thải, xã viên giảm được lượng giống, phân, thuốc. Đặc biệt, quy trình góp phần thay đổi nhận thức của bà con nông dân trong xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Thay vì đốt rơm tại chỗ, bà con cuộn rơm đưa ra khỏi ruộng, bán với giá 400.000 đồng/ha, vừa giúp cây lúa giảm ngộ độc hữu cơ, vừa tăng thêm thu nhập …

CẢNH KỲ

MỚI - NÓNG