Do lũ sông Mekong về lớn nên An Giang sẽ vận hành đập tràn Trà Sư, Tha La vào ngày 31/8 tới để xả lũ. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân hạ du khi xả lũ, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tổ chức vận hành đập Trà Sư, Tha La đúng quy trình để đảm bảo an toàn cho đập.
Cùng với đó, cần thông tin rộng rãi, kịp thời về thời gian xả lũ đến người dân vùng ảnh hưởng ở hạ du. Có phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên sông, kênh; hệ thống công trình ven sông, công trình đê bao, bờ bao, cống dưới đê.
Chủ động triển khai thu hoạch diện tích lúa Hè Thu, đảm bảo an toàn cho diện tích lúa Thu Đông và các cây trồng khác. Tổ chức kiểm tra thường xuyên các công trình ven sông, tuần tra canh gác các tuyến đê bao, bờ bao, cống dưới đê khu vực ảnh hưởng của hạ du.
Ban chỉ đạo Trung ương cũng lưu ý, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long có giải pháp phòng tránh đuối nước, nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ em. Tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung, đưa đón học sinh trong mùa lũ; các khu ngập sâu, dòng chảy xiết cho học sinh nghỉ học. Triển khai phương dan di dân vào các cụm dân cư tập trung khi có lũ lên cao.
Theo trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước sông Cửu Long đang lên. Mực nước cao nhất ngày 28/8 trên sông Tiền tại trạm Tân Châu 3,96m, dưới báo động BĐ2 là 0,04m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,52m, trên BĐ2 0,02m.
Trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên. Đến khoảng ngày 12-14/9, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên mức báo động 3 (Tân Châu 4,5m, Châu Đốc 4,0m), tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức BĐ2- BĐ3, có nơi trên BĐ3. Đến ngày 27/9-5/10/2018, mực nước sẽ lên trên BĐ3 0,1-0,3m (Tân Châu 4,6-4,8m, Châu Đốc 4,1-4,3m).
Do vậy, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Trong khi đó, hiện diện tích lúa Hè Thu toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch đạt gần 960.000 ha (đạt gần 60%). Diện tích chưa thu hoạch trên 310.000 ha (thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và Kiên Giang). Riêng huyện Giang Thành (Kiên Giang) có 1.200 ha lúa đang củng cố đê bao, trong thời gian tới nếu lũ diễn ra như dự báo lên đến BĐ3 diện tích này sẽ bị thiệt hại.
Với lúa Thu Đông, hiện toàn vùng đã xuống giống gần 450.000 ha (đạt trên 60%).vHầu hết diện tích xuống giống theo kế hoạch nằm trong vùng đê bao triệt để, bảo đảm không ảnh hưởng nếu lũ chính vụ ở mức như dự báo.
Tuy nhiên, có khoảng 34.600 ha (Long An 18.200 ha, An Giang 13.000 ha, Đồng Tháp 3.400 ha) có khả năng bị ảnh hưởng khi lũ vượt BĐ2; riêng tỉnh An Giang hiện có 1.350 ha vùng ngoài đê bao phía Bắc kênh Vĩnh Tế (huyện Tri Tôn) bị ảnh hưởng do lũ (đã thiệt hại 630 ha lúa Thu Đông), nếu lũ lên như dự báo, diện tích còn lại sẽ bị thiệt hại.