ĐBQH Vũ Trọng Kim: Xa dân vì bệnh sĩ rất nặng

Tháng 4/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ðức Chung (áo trắng) tiếp xúc với người dân Ðồng Tâm, Mỹ Ðức (Hà Nội) đã “hạ nhiệt” những bức xúc của người dân nơi đây. Ảnh: Như Ý.
Tháng 4/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ðức Chung (áo trắng) tiếp xúc với người dân Ðồng Tâm, Mỹ Ðức (Hà Nội) đã “hạ nhiệt” những bức xúc của người dân nơi đây. Ảnh: Như Ý.
TP - “Mấy ông khi đã làm cán bộ to thường sĩ diện, không ngồi chung với dân. Bởi họ nghĩ, khi ngồi chung, để cho dân nói điều này điều kia, có nghĩa mình không phải cán bộ lớn. Bệnh sĩ của cán bộ rất nặng..."

“Mấy ông khi đã làm cán bộ to thường sĩ diện, không ngồi chung với dân. Bởi họ nghĩ, khi ngồi chung, để cho dân nói điều này điều kia, có nghĩa mình không phải cán bộ lớn. Bệnh sĩ của cán bộ rất nặng, từ đó dẫn đến coi thường pháp luật và coi thường người dân”, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chia sẻ với Tiền Phong về tình trạng cán bộ xa dân, ngại đối thoại với dân.

Lãnh đạo “né” vụ án hành chính

Vừa qua, sau khi giám sát 10 địa phương, Ủy ban Tư pháp đã chỉ ra thực trạng người đứng đầu các UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa hành chính khi dân kiện có xu hướng ngày càng tăng. Thực tế trên nói lên điều gì, thưa ông?

Trước tiên phải nhìn nhận, điều đó là vi phạm quy định trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Thực tế ở địa phương có những ông cán bộ mà cứ như thể ông “vua con”, tinh thần trách nhiệm không có. Đáng lo ngại, họ còn đang thiếu đi một sự xúc động đối với những đau khổ, những mong muốn của người dân.

Đã là con người cách mạng, là cán bộ chủ chốt thì anh phải xúc động trước những đòi hỏi chính đáng, trước những đau đáu của người dân. Thế nhưng anh lại dửng dưng, cứ coi như đó là việc hết sức bình thường. Công việc hàng ngày của anh với các ngành đều diễn ra bình thường, nhưng với người dân, khi có những đòi hỏi mong muốn, nghĩa là đã phát sinh những bực tức, những bức xúc rồi.

Trước những đòi hỏi chính đáng của người dân, là cán bộ, anh phải tạo điều kiện để gặp gỡ, đối thoại với người dân. Song qua giám sát, Đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp đã chỉ ra, tại Hà Nội, trong 3 năm xét xử 189 vụ án hành chính, chưa có vụ nào lãnh đạo UBND thành phố tham gia tố tụng. Còn tại TPHCM, trong năm 2017, có tới 260/260 vụ án hành chính không tổ chức đối thoại được do đại diện UBND thành phố vắng mặt.

Điều đó cho thấy, trước hết là anh không chấp hành pháp luật. Tình trạng đó chỉ làm cho người dân thêm bức xúc chất chồng.

Những câu chuyện nóng liên quan đến đất đai như ở Đồng Tâm (Hà Nội) hay Thủ Thiêm (TPHCM) vừa qua, phải chăng do những bức xúc của người dân không được giải quyết rốt ráo ngay từ ban đầu?

Quả đúng là như vậy. Chính vì thế, việc tiếp xúc, đối thoại ngay từ ban đầu để giải quyết những khó khăn, bức xúc của người dân là quan trọng nhất. Nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ dẫn đến dồn nén và đến một lúc nào đó sẽ bùng nổ. Ngay khi sự việc xảy ra, chính quyền cần gặp gỡ, hướng dẫn pháp luật cho người dân, từ đó sẽ giúp họ đi đúng đường.

Thực tế qua mỗi vụ việc thì người dân cũng có thể sai, mà cán bộ mình cũng có sai. Nếu hai bên cứ dùng những biện pháp mạnh với nhau, không gặp gỡ đối thoại, giải quyết vấn đề thì chuyện nhỏ cũng có thể sẽ thành ra chuyện lớn.

Dân đói no, sướng khổ là do cán bộ

ĐBQH Vũ Trọng Kim: Xa dân vì bệnh sĩ rất nặng ảnh 1

Ông Vũ Trọng Kim.

Theo ông, vì đâu mà dẫn đến tình trạng cán bộ địa phương “ngại” gặp gỡ, đối thoại với người dân?

Cần phải khẳng định, do không nắm chắc được vấn đề nên anh mới không dám ra đối thoại trước dân. Nhưng bên cạnh đó còn một phần lý do, là mấy ông khi đã làm cán bộ to thường sĩ diện, không ngồi chung với dân. Bởi họ nghĩ, khi ngồi chung với dân, để cho dân nói điều này điều kia, có nghĩa mình không phải cán bộ lớn. Bệnh sĩ rất nặng, tính chất phong kiến còn rơi rớt đâu đó  trong người cán bộ. Chính từ bệnh sĩ diện, mới dẫn đến coi thường pháp luật và coi thường người dân. Đó là những lý do có thể lý giải về người cán bộ không gặp gỡ, tiếp xúc với người dân.

Dù đã đưa ra quy định về đối thoại với dân, nhưng trên thực tế, thử hỏi có mấy khi thực hiện được? Đưa ra quy định đối thoại chỉ như một hình thức trang trí thôi. Tôi cũng từng nói, nếu như các đồng chí không cơ cấu vào đại biểu Quốc hội, không cơ cấu vào đại biểu HĐND các cấp thì mấy khi đi tiếp xúc cử tri, tiếp xúc gặp gỡ dân? Trừ những trường hợp đi làm theo nhiệm vụ, nhìn chung tỷ lệ đại biểu Quốc hội, HĐND kiêm nhiệm, gắn với chức vụ cao ở địa phương, đi tiếp xúc cử tri thấp hơn rất nhiều so với đại biểu thông thường.

Nhà nước của chúng ta là “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” và Chính phủ là hành động, kiến tạo, vì nhân dân, phục vụ nhân dân. Nhưng ở nhiều địa phương vẫn chưa làm tốt điều này, phải chăng ở đây có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”? 

Có một gốc rễ sâu xa là, rất nhiều người không nghiên cứu sâu vào pháp luật, không đi vào một số lĩnh vực, ví dụ như luật về khiếu nại, tố cáo và những vấn đề cơ bản về quyền công dân, rồi vai trò chức trách của hội đồng, của ủy ban đối với nhân dân thế nào…

Là cán bộ lãnh đạo, lẽ ra tất cả những vấn đề đó anh phải nắm chắc được. Anh có thể nắm chắc các luật để làm nhiệm vụ tham mưu, nhưng để có thêm nhiệt huyết, trách nhiệm thì anh phải cần một số luật về quyền, trách nhiệm của công chức trước nhân dân.

Nhưng thực tế thì anh thực hiện trách nhiệm trước ai? Không lẽ làm chủ tịch UBND thì anh chỉ làm trước các bộ, ngành? Không phải, trước hết anh phải làm, phải thực hiện trách nhiệm trước dân đã. Còn với các ngành cũng chỉ là công cụ để anh phục vụ dân, là biện pháp chứ không phải đối tượng. Đối tượng của anh phải là nhân dân. Dân đói, dân no, dân sướng, dân khổ là anh chứ đâu phải là bộ này, ngành kia.

 Hàng trăm vụ kiện hành chính chủ tịch UBND không có mặt nhưng việc xử lý trách nhiệm thì chưa thấy đâu, thưa ông?

Phải khẳng định chế tài hiện nay rất nhẹ, chỉ quy định rằng, nếu không thực hiện theo quy định thì đưa lên thông tin đại chúng. Nhưng thông tin lại chỉ là trang website của ngành, chứ không phải công khai trên báo chí. Thứ hai là quy định không xem xét thi đua. Chế tài như vậy là nhẹ quá.

Theo tôi tới đây chế tài cần phải mạnh hơn. Nếu không thực hiện thì phải xem xét lại trách nhiệm, xem xét lại tư cách chủ tịch UBND của anh. Là cán bộ của dân, anh phải có sự ưu tiên về với nhân dân.

Cảm ơn ông.

Hồi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, ông “về với nhân dân” như thế nào, thưa ông?

Hồi đó tôi luôn ưu tiên mỗi tuần phải sắp xếp 3 ngày đi cơ sở, thời gian còn lại đi đâu thì tùy. Khi mới về địa phương, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có hỏi tôi rằng, anh có biết gì về Quảng Trị không? Lúc đó tôi thú thực là chưa biết gì cả. Ông Võ Văn Kiệt nói, anh phải xuống với dân thì mọi việc đâu ra đó hết. Mọi việc xuất phát từ dưới dân, cứ xuống dân rồi dân chỉ ra mọi việc.

MỚI - NÓNG