Thảo luận về Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi, ngày 28/10, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) bày tỏ mong muốn là làm sao để việc thi đua khen thưởng phải đúng thành tích, không chạy theo phong trào.
Theo ông Thông, hiện nay qua đánh giá hàng năm tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, một số ít hoàn thành nhiệm vụ, không có ai không hoàn thành nhiệm vụ. “Cuối năm ai cũng được danh hiệu lao động tiên tiến, giấy khen. Nhưng thực tế có rất nhiều trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ. Điều này không có ý nghĩa cho vấn đề thi đua”, ông Thông nói.
Từ thực tế trên, ông Thông đề nghị nên bỏ danh hiệu lao động tiên tiến, chỉ để lại danh hiệu lao động xuất sắc. Đồng thời siết chặt các tiêu chí thi đua để đổi mới công tác này đúng thực chất, có ý nghĩa động viên, đúng người hơn. Về việc xử lý vi phạm, đại biểu đề nghị cần có cơ chế là nếu bị tước danh hiệu cao nhất thì các danh hiệu còn lại cũng bị tước theo.
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) |
Trong khi đó, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) thẳng thắn cho rằng, nếu đánh giá phong trào thi đua ở một số nơi còn mang tính hình thức thì ngay chính dự luật này vẫn còn nặng về thủ tục, hồ sơ đề nghị danh hiệu thi đua, khen thưởng, trong đó điều kiện kèm theo là báo cáo thành tích.
Theo ông Nhân, hầu như các cá nhân phát huy truyền thống yêu nước, năng động, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo thì mục đích cuối cùng không phải được ghi nhận và tôn vinh. Vậy báo cáo này nhằm mục đích gì, nếu chỉ để cơ quan quản lý nhà nước biết thì có vẻ không ổn, vì nó sẽ chứng tỏ năng lực quản lý đối với hoạt động của công dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng?.
“Nếu duy trì báo cáo thành tích thì phải giải đáp thỏa đáng trường hợp nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật chắc chắn trong thời gian công tác đã nhận không ít danh hiệu thi đua, khen thưởng”, ông Nhân nêu vấn đề.
Dẫn việc dư luận “dậy sóng” khi truyền thông liệt kê các sai phạm của một giám đốc sở gần đây mà trên đường quan lộ có không ít các danh hiệu thi đua, khen thưởng, ông Nhân đặt câu hỏi công tác thẩm định thông qua các báo cáo thành tích đối với các trường hợp trên có hiệu lực, ý nghĩa ra sao? Theo ông, những bất cập trong thi đua, khen thưởng đã để các thành phần cơ hội lợi dụng.
“Chỉ khi nào Nhà nước với đầy đủ công cụ quản lý được giao thực hiện việc tôn vinh mà không yêu cầu cá nhân viết báo cáo thành tích thì khi đó mới đảm bảo ý nghĩa biểu dương”, ông Nhân bày tỏ quan điểm.
Từ đó, đại biểu đoàn Bình Dương mong muốn, dự luật này cùng với cơ sở dữ liệu phải kích hoạt cho được cơ chế phòng vệ trước thói quen hữu danh và lan tỏa khí chất "hữu xạ tự nhiên hương" “hà tất phải tô vẽ”.