Dạy trực tuyến, đo 'sức khỏe' các trường Đại học

Sinh viên học trực tuyến trên mạng. Ảnh: hồng vĩnh
Sinh viên học trực tuyến trên mạng. Ảnh: hồng vĩnh
TP - Khả năng ứng dụng công nghệ trong dạy học online của các trường đại học bộc lộ rõ nét khi sinh viên phải nghỉ học tập trung để phòng dịch.

Với tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, các trường ĐH chưa thể chốt được thời gian sinh viên quay trở lại trường. Trong thời gian này, một số trường đã triển khai dạy trực tuyến. Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn cụ thể hình thức đào tạo này.

Công nhận kết quả học từ xa đối với sinh viên chính quy

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT yêu cầu các ĐH, trường ĐH, học viện, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo) tích cực thực hiện các phương án phòng chống dịch theo chỉ đạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng cơ sở đào tạo.

Theo Bộ GD&ĐT, thời gian qua, nhằm đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch và kế hoạch năm học, một số cơ sở đào tạo đã chủ động triển khai các phương thức đào tạo từ xa (ĐTTX), đào tạo trực tuyến. Để thống nhất thực hiện, Bộ GD&ĐT yêu cầu cơ sở đào tạo căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, để cân nhắc sử dụng các phương thức ĐTTX đối với một số học phần phù hợp, áp dụng cho các khoá đào tạo chính quy, vừa làm vừa học trong thời gian học sinh, sinh viên không học tập trung do dịch Covid-19, trong đó, khuyến khích sử dụng phương thức đào tạo trực tuyến qua mạng, bảo đảm chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra của từng học phần và chương trình đào tạo.

Đảm bảo các điều kiện cần thiết, tổ chức ĐTTX phù hợp với phương thức ĐTTX mà cơ sở đào tạo lựa chọn gồm: hệ thống kỹ thuật hỗ trợ, học liệu, giảng viên, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý… và các điều kiện khác theo yêu cầu của chương trình đào tạo, theo quy định của Bộ GD&ĐT. Xây dựng các tài liệu hướng dẫn cho giảng viên, cán bộ quản lý, người học về các kỹ năng cần thiết để dạy - học từ xa (ví dụ kỹ năng sử dụng máy tính, thiết bị di động…); quy trình và cách thức tổ chức dạy - học theo phương thức ĐTTX; quy trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập… Thông báo đầy đủ thông tin tới giảng viên, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý, người học (tài liệu hướng dẫn ĐTTX, học liệu, kế hoạch học tập, kiểm tra, đánh giá…), bảo đảm có sự chuẩn bị, thực hiện thống nhất giữa cơ sở đào tạo và người học khi tổ chức thực hiện.

đo "Sức khỏe” trường ÐH thời 4.0

Hơn một tháng nghỉ học vừa qua, việc tổ chức dạy học trực tuyến diễn ra khá thuận lợi ở những trường sớm có tầm nhìn và chiến lược phát triển giáo dục thông minh. Đó là các ĐH mở, ĐH trực tuyến, các trường mạnh về công nghệ thông tin như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Mở Hà Nội, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Các trường khối kinh tế cũng đưa loại hình dạy - học này vào triển khai như ĐH Thương mại, ĐH Kinh tế quốc dân…

Tuy vậy, bên cạnh những ĐH năng động “sáng đèn” dạy học online với hàng loạt bài giảng trực tuyến trong mùa dịch, thực tế cũng cho thấy vẫn còn khá nhiều trường chỉ dừng lại ở mức cho giảng viên, sinh viên làm quen với cái gọi là học trực tuyến. Đáng chú ý là có những trường hoàn toàn offline, chờ ngày sinh viên đến học tập trung. Sinh viên được nghỉ thì giảng viên cũng nghỉ theo.

Nhiều trường không tham gia dạy học trực tuyến vì vẫn chưa có sự chuẩn bị đồng bộ, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cho đến người học. Có trường khi đối diện dịch bệnh và sinh viên nghỉ dài ngày mới thực sự thấy lợi hại của việc đầu tư cho dạy học trực tuyến, muốn xoay cũng loay hoay không kịp. PGS. Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, khẳng định để dạy trực tuyến được “nuột”, quy trình “êm” thì không phải chỉ ngày một ngày hai chuẩn bị là xong. ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã phải chuẩn bị trong 6 năm qua.

Mùa dịch Covid-19 giúp các trường đo được sự cần thiết của việc dạy học online và cũng đo được chính “sức khỏe” của mình trước hoạt động này. “Sức khỏe” ở các trường không đều nhau, vì thế, Bộ GD&ĐT hiện cũng chỉ khuyến khích dạy học trực tuyến trong thời gian nghỉ vì dịch Covid-19.         

MỚI - NÓNG