Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Công nghệ tế bào gốc tiên tiến đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong Y học và có thể thay đổi bản chất của nhân loại. Tuy nhiên, việc triển khai và nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tại Việt Nam còn nhiều thách thức. Trong đó, hệ thống quy phạm pháp luật còn nhiều hạn chế.

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị “Nghiên cứu ứng dụng trị liệu tế bào và sản phẩm từ tế bào tại Việt Nam: Giải pháp và định hướng phát triển” do Bộ Y tế tổ chức ngày 6/12. Hội nghị hướng đến mục tiêu xây dựng định hướng phát triển nghiên cứu ứng dụng tế bào và các sản phẩm từ tế bào trong thời gian tới.

Tại hội nghị, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Cục KHCN&ĐT), Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tại Việt Nam, các cơ sở nghiên cứu lớn tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Số lượng nghiên cứu ứng dụng tế bào và các sản phẩm từ tế bào được Bộ Y tế thẩm định và phê duyệt, có xu hướng tăng qua các năm, tập trung chủ yếu từ tế bào gốc tự thân và tế bào trung mô tủy xương.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tại Việt Nam ảnh 1

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục KHCN&ĐT phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Mai Chi)

Về quy định nghiên cứu ứng dụng tế bào tại Việt Nam, TS Nguyễn Ngô Quang nhấn mạnh: “Trị liệu tế bào cần có bằng chứng khoa học chứng minh tính an toàn và hiệu quả. Đồng thời, tăng cường vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó đơn vị Kiểm định độc lập Tế bào và sản phẩm từ tế bào là đơn vị đầu mối quan trọng nhất”.

Trong thời gian qua, công tác nghiên cứu ứng dụng tế bào và các sản phẩm từ tế bào còn nhiều hạn chế. TS Nguyễn Ngô Quang cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đảm bảo tính đặc thù và thống nhất cho nghiên cứu ứng dụng tế bào. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất vẫn còn tồn tại. Nguồn ngân sách đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng tế bào chưa xứng với tầm vóc, quy mô để bảo đảm đưa ra được kết quả đưa vào ứng dụng.

Thông tin về nghiên cứu ứng dụng tế bào và các sản phẩm từ tế bào, GS. TS. Nguyễn Thanh Liêm – Chủ tịch Hội Y học tái tạo và trị liệu tế bào Việt Nam – Viện trưởng Viện nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec cho biết: “Công nghệ tế bào gốc tiên tiến đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong Y học và có thể thay đổi bản chất của nhân loại”. Tuy nhiên, GS. TS. Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh, việc triển khai và nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tại Việt Nam còn nhiều thách thức. Trong đó, hệ thống quy phạm pháp luật còn nhiều hạn chế.

Định hướng phát triển

Để giải quyết những tồn tại trong nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc và định hướng phát triển trong giai đoạn 2024 – 2030. TS Nguyễn Ngô Quang đề xuất giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nghiên cứu ứng dụng tế bào. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần thành lập mạng lưới nghiên cứu để chia sẻ các nguồn lực cho các đơn vị liên quan; hướng dẫn thành lập trung tâm nghiên cứu tiền lâm sản, trung tâm kiểm định chất lượng độc lập.

Đối với các đơn vị sản xuất, cung ứng tế bào; đơn vị nghiên cứu triển khai; đơn vị tài trợ cần chủ động đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho nghiên cứu ứng dụng tế bào. Đầu tư xây dựng Lab, ngân hàng tế bào theo chuẩn quốc gia và quốc tế. Bố trí kinh phí đủ, hợp lý để triển khai nghiên cứu đúng quy định, bảo đảm khả thi, hiệu quả.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tại Việt Nam ảnh 2

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Mai Chi

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Ngô Quang nhấn mạnh, các đơn vị nghiên cứu cần lựa chọn hướng nghiên cứu theo định hướng của Bộ Y tế, có trọng điểm, bảo đảm khả thi, an toàn, hiệu quả. Thực hiện nghiên cứu tuân thủ các quy định pháp luật và đề cương được Bộ Y tế phê duyệt.

PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Thông qua các báo cáo và ý kiến đóng góp tại hội nghị, hoạt động nghiên cứu ứng dụng tế bào và các sản phẩm từ tế bào có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên các đơn vị nghiên cứu còn nhiều khó khăn, vì vậy cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên để việc nghiên cứu ứng dụng tế bào có bước phát triển mới”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Cục KHCN&ĐT làm đầu mối, phối hợp với Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Cục Cơ sở hạ tầng Thiết bị y tế và Viện Pháp chế tiếp tục hoàn thiện chính sách văn bản quy phạm pháp luật để triển khai nghiên cứu ứng dụng tế bào đạt nhiều thành tựu mới.

MỚI - NÓNG