Đầu Xuân ngẫm chuyện rượu bia

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Người Việt có thói quen điếu thuốc, miếng trầu làm đầu câu chuyện. Bây giờ không còn thuốc trầu mà rượu bia.

Lâu ngày gặp lại nhau: nhậu; ra mắt cơ quan bạn bè, lên lương, lên chức, làm ăn trúng quả: nhậu; cưới hỏi, giỗ chạp, thôi nôi, đầy tháng: nhậu; gặp gỡ kết thân, tìm cơ hội việc làm, giao dịch hợp đồng: nhậu; chạy chọt quan chức, hối lộ, áp phe… ngoài quán nhậu.

Kinh tế tăng trưởng lúc nóng lúc nguội, năm được năm mất nhưng các quán nhậu thì cứ liên tục phát triển. Cái văn hoá bia rượu thấm đẫm từ nông thôn đến thành thị, từ giàu có đến nghèo hèn. Giàu thì đốt mỗi cuộc nhậu năm ba chục, cả trăm triệu đồng, nghèo khó thì vài xị rượu, đôi quả trứng.

Nam vô tửu như kỳ vô phong; làm trai cho đáng nên trai… trăm ngàn cớ để uống bia rượu, trăm ngàn lý do để nài ép, khiêu khích nhau uống rượu.

Mà uống bia rượu ở Ta cũng khác Tây lắm! Vào quán ăn thấy Tây gọi một vài chai bia, ăn uống xong đâu vào đấy rồi đi, không thấy uống cả thùng cả két như Ta. Ra nước ngoài thấy tụm năm tụm ba “ một hai ba dô, dô” là biết dân mình. Nhiều thực khách thấy dân Việt ăn nhậu hô hét mạnh mồm điếc óc oải quá đang ăn cũng phải đứng dậy bỏ dở. Ối dào, dân ta đã nhậu thì phải rượu thịt ê hề, nói cười inh ỏi mới vui, chưa say chưa về!.

Tàn cuộc nhậu, người chiêu đãi thì rỗng túi cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Mồi mè, đồ ăn thức uống ê hề vung vãi trên bàn. Người ta ép nhau uống dăm ba chai bia mỗi chai vài chục ngàn đồng xem là chuyện bình thường, song để cho người ăn xin, giúp kẻ nghèo khó đôi ba chục ngàn trông khó khăn lắm.

Thói quen bia rượu quá chén, thừa mứa như thế hậu quả trước mắt là tông xe, té xe, húc xe trụ điện; vừa thiệt thân, vừa gây họa, còn lâu dài là lắm thứ bệnh nan y. Đã có biết bao nhiêu người chết vì bia rượu, nhưng tác hại của nó dường như xã hội chưa quan tâm đúng mức.

Trước Tết mấy ngày, khi tiễn một người thân về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi đi dạo một vòng quanh nghĩa địa, thấy hầu hết những nấm mộ mới xây hầu hết đều là đàn ông, hầu hết đều rất trẻ. Tôi đồ rằng, trong đó có tai nạn giao thông, có bia rượu. Có người quen vừa mới lên chức, chữ ký con dấu mới bàn giao xong đi rửa chức về, rồi “đi” luôn, cán bộ nhân viên đến kỳ lĩnh lương phải trễ nải do quy trình làm mới, bổ nhiệm người lãnh đạo khác.

Mà chả nói đâu xa, dịp Tết Giáp Ngọ này, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận và điều trị cấp cứu cho 5 bệnh nhân ngộ độc rượu. Đáng chú ý một bệnh nhân đã tử vong sau khi uống vài loại rượu trong vòng 3 ngày liên tiếp.

Mỗi năm nước ta tiêu thụ bia rượu lên đến hàng mấy chục ngàn tỷ đồng, làm giàu cho các hãng bia rượu. Trong số đó một phần rất nhỏ phục vụ cho bồi bổ sức khoẻ (vì uống bia rượu có mức độ tốt cho cơ thể) còn đa phần ta tiêu tốn lượng rượu bia rất lớn là lãng phí và huỷ hoại sức khoẻ. Nếu chúng ta chống lãng phí trong ăn nhậu, biết chừng mực với những liên hoan, vui vẻ, chúng ta sẽ tiết kiệm tiền của rất lớn để đầu tư, phát triển mà xã hội cũng an toàn trật tự hơn.

Ngăn cấm sử dụng bia rượu là bất khả thi nhưng vận động, khuyến khích những người sử dụng bia rượu bỏ thói ép uống, ép nhậu; ăn uống vừa đủ không lãng phí, để bảo vệ sức khỏe cho mình và cho bạn bè là thái độ văn minh mà văn hoá ăn nhậu cần tạo thói quen. Đừng như một người tù nhìn lại, tránh rượu bia cũng là một cái sướng.

MỚI - NÓNG