Ngày 9/6, tại hội thảo “Lộ trình và những lưu ý cho nhà đầu tư khi đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức ở TPHCM, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, các KCN của Việt Nam đã được Nhà nước quan tâm ngay sau khi đất nước thống nhất. Sau đổi mới, phát triển các KCN-KKT được coi là chính sách trọng điểm của Việt Nam, nhất là chủ trương kêu gọi đầu tư nhằm phát triển nền kinh tế mở.
Khu công nghiệp, khu chế xuất tại TPHCM thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại |
Tính đến cuối tháng 3/2020, Việt Nam có 335 KCN với diện tích hơn 66.000ha. Trong đó có 260 KCN hoạt động và 75 KCN đang xây dựng. Bên cạnh đó, cả nước có 17 KKT ven biển đã được thành lập; khoảng 3,7 triệu lao động đang làm việc tại các KCN-KKT trên cả nước, trong đó nữ chiếm gần 60%. Vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân làm việc tại các KCN là một chính sách trọng điểm của Việt Nam nhưng thực hiện còn rất nhiều ách tắc, khó khăn.
Theo ông Đặng Hùng Võ, từ khi Việt Nam tham gia vào 2 Hiệp định thương mại tự do kiểu mới là CPTPP và EVFTA, những sự cố trong quan hệ Mỹ - Trung đã tạo nên việc chuyển dòng đầu tư FDI vào Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư lớn của Hàn và Nhật đã cập bến; những nhà đầu tư lớn của Mỹ, Canada và châu Âu đang khảo sát để lựa chọn Việt Nam.
Tuy nhiên, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, KCN Việt Nam vẫn chưa thu hút được những “đại gia” lớn trên thế giới. “Đến nay, đầu tư vào các KCN-KKT Việt Nam chủ yếu là từ các nước Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn từ châu Âu và Bắc Mỹ. Mặt khác, các KCN lớn của Việt Nam còn quá ít, nhất là các khu hỗn hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ” – ông Võ nói và dẫn chứng, nếu so sánh với KCN SHXIP ở Thượng Hải thì KCN Việt Nam chưa có đầu mối khu vực, chưa có Trung tâm nghiên cứu phát triển; chưa có NĐT trong danh sách 500 DN của thế giới trong khi KCN SHXIP có tới 52 NDT trong top 500…
Các đại biểu được giải đáp nhiều vấn đề quan tâm khi có nhu cầu đầu tư vào KCN, KKT |
Lý giải nguyên nhân Việt Nam có lợi thế đất đai, nguồn nhân công giá rẻ nhưng vẫn chưa hấp dẫn những NĐT lớn trên thế giới, nhiều chuyên gia, DN cho rằng, do thiếu khuyến khích các động lực từ thị trường; các KCN lớn còn quá ít và thiếu các hạ tầng để phát triển các công nghiệp trọng điểm, thiếu các dịch vụ hiện đại; chủ trương tích hợp các KCN với các khu dịch vụ, khu đô thị được xác định quá chậm, gây ra tình trạng thiếu sức sống cho các KCN; sự phát triển của các khu công nghệ cao không được chú trọng như một trọng điểm nên các KCN, không kết nối được với các hoạt động công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Kenji Usuda, Tổng giám đốc Công ty Kyouwa cho biết, khi đầu tư vào Việt Nam, công ty gặp không ít khó khăn về khác biệt văn hóa; còn chậm khi tiếp cận được những thông tin chính thống rõ ràng; tốc độ giải quyết vấn đề hiện nay của cơ quan chức năng tương đối chậm. “Mong muốn của DN là có thêm cơ hội để được nêu ý kiến, kiến nghị. Hiện các địa phương đã cải thiện hơn so với trước nhưng nếu làm tốt hơn thì sẽ có nhiều NĐT đến Việt Nam” – ông Kenji Usuda nói.
Công nhân làm việc tại khu công nghiệp |
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC cho rằng, việc phát triển KCN-KKT còn gặp nhiều hạn chế, các NĐT chưa được trợ giúp nhiều trong việc hướng dẫn quy trình để hưởng những chế độ ưu đãi đầu tư, kinh doanh…; KCN-KKT được quy hoạch khá dàn trải, chưa bám sát nhu cầu thực tiễn, định hướng và khả năng thu hút đầu tư.
Để giữ chân NĐT và thu hút NĐT mới trong tương lai, theo ông Vũ Tiến Lộc, ban quản lý KCN cần rà soát, xem xét các vướng mắc để tháo gỡ cho NĐT. Chúng ta đang có cơ hội đón nhận NĐT mới nên cần có những ứng xử tốt hơn, để tranh thủ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc lại. Cần có nhiều cải cách về thể chế, giải pháp nâng cấp dịch vụ trong KCN tạo thuận lợi cho NĐT, tận dụng “cơ hội vàng” trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang định vị lại.
“Nhiều địa phương suy nghĩ đơn giản, coi KCN-KKT chỉ đơn thuần là cung cấp mặt bằng, nhà xưởng chứ chưa xây dựng, có tầm nhìn quy hoạch thành hệ sinh thái bền vững, kết hợp hài hòa kinh tế với môi trường, là khu vực hỗ trợ kinh doanh đạt chuẩn quốc tế… Thúc đẩy phát triển KCN-KKT thành hệ sinh thái còn là thách thức lớn cho việc đầu tư phát triển, nâng cấp KCN-KKT tại Việt Nam” – ông Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.