Đầu tư dàn trải, kém hiệu quả

Đầu tư dàn trải, kém hiệu quả
TP - Thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia tại tổ (ngày 31-10) giai đoạn 2011-2015, nhiều ĐBQH cho rằng nhiều chương trình còn dàn trải, kéo dài, hiệu quả thấp.

> Toàn văn báo cáo của Thủ tướng về tình hình KT-XH

Cần có Luật Đầu tư công

Theo Báo cáo, giai đoạn 2011-2015 Chính phủ đề nghị thực hiện 16 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), trải rộng từ xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nước sạch, xây dựng nông thôn cho đến môi trường... Các ĐB cho rằng, có những CTMTQG kéo dài nhiều năm, còn chồng chéo, trong khi cần phải thực hiện có hiệu quả ngay trong một thời gian ngắn mới phát huy tác dụng.

ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) đề nghị, với những chương trình đã kéo dài nhiều năm, nếu thấy không hiệu quả thì nên dừng lại. Thay vào đó, nên ưu tiên một số chương trình trọng tâm, thực sự bức xúc và tập trung đầu tư dứt điểm, có hiệu quả mới thực hiện chương trình khác. “Chúng ta có nhiều chương trình tạo việc làm, nhưng đào tạo xong người học không biết làm gì, không ai nhận. Nếu tiếp tục chương trình này, phải có đột phá” – ĐB Nhi kiến nghị.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng việc cấp vốn chậm, tâm lý cho bao nhiêu làm bấy nhiêu, cộng với chi phí quản lý hành chính lớn dẫn đến suất đầu tư giảm, kém hiệu quả. Theo ĐB Thảo, cần sớm có Luật đầu tư công để quản lý tốt hơn các nguồn đầu tư đối với các CTMTQG. Bởi có thực tế người ta “cố nghĩ cách để tiêu hết tiền dự án” đã được phê duyệt.

Lạm phát cũng sẽ tăng nhanh do sự tăng lên của các CTMTQG này: Đầu nhiệm kỳ QH khóa XII có 11 chương trình thì đến nay đã tăng lên 16 chương trình. “QH cần ra Nghị quyết về danh mục số lượng CTMTQG, đồng thời tăng cường giám sát tối cao vì đây là nguồn tiền của dân đóng góp, phải sử dụng hiệu quả”- Ông Thảo nói.

Đề nghị kết thúc dự án trồng 5 triệu ha rừng

Báo cáo tổng kết dự án trồng mới 5 triệu ha rừng tại phiên họp sáng 31-10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, các mục tiêu của dự án cơ bản hoàn thành sau 13 năm thực hiện. Chính phủ đề nghị QH cho phép kết thúc dự án này.

Theo báo cáo, độ che phủ rừng tăng từ 32% năm 1998 lên 39,5% năm 2010. Đến nay, trữ lượng gỗ cả nước là 935,3 triệu m3, tăng 24,4% so với 1998. Tuy nhiên, việc chặt phá rừng trái phép, cháy rừng, xâm lấn rừng, chống người thi hành công vụ xảy ra nghiêm trọng ở một số địa phương.

Chính phủ cũng đề nghị QH phê duyệt, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020 với mục tiêu: Đưa độ che phủ của rừng lên 42 - 43% vào năm 2015 và 44 - 45% vào năm 2020.

Ủy ban KHCN&MT cho rằng, việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài còn có một số vấn đề bất cập, gây bức xúc trong dư luận.

“Tổng diện tích đã cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài thuê là 288.974,3 ha với giá cho thuê quá thấp (bình quân khoảng 180 nghìn đồng/ha), trong khi người dân địa phương vẫn có nhu cầu nhận đất để trồng rừng”. Ủy ban KHCN&MT đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện dự án.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG