Đấu thầu y tế tập trung tại Hà Nội: Vì sao cao hơn giá dự kiến?

Bệnh viện Tim Hà Nội yêu cầu liên danh trúng thầu cung cấp thiết bị và vật tư phải giảm giá thành sát giá thị trường trước khi ký hợp đồng.
Bệnh viện Tim Hà Nội yêu cầu liên danh trúng thầu cung cấp thiết bị và vật tư phải giảm giá thành sát giá thị trường trước khi ký hợp đồng.
TP - Kết quả gói thầu vật tư và thiết bị y tế Hà Nội năm 2017 lần lượt được công bố vào tháng 7 và tháng 9, nhưng đến nay nhiều bệnh viện chưa hoàn thành quá trình đàm phán hợp đồng với liên danh trúng thầu do vướng mắc về thông số kỹ thuật, xuất xứ, đặc biệt là mức giá chào ký hợp đồng cao hơn giá dự kiến. Dư luận đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của đợt đấu thầu tập trung vừa được phê duyệt.

Nhiều thiết bị, vật tư không đúng yêu cầu

Như thông tin đã đưa, thực hiện kế hoạch mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế cho ngành y tế trên địa bàn, trong tháng 7 và 9/2017, Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính (Sở Tài chính Hà Nội) đã mở hai phiên đấu thầu mua sắm thiết bị và vật tư y tế. Tuy nhiên, đến nay, mới có trên 70% đơn vị ký hợp đồng gói thiết bị do liên danh: Cty CP Sản xuất và XNK Vietland và Cty CP Công nghệ y tế BMS trúng thầu tháng 7. Sau khi kết quả đấu thầu gói “Mua sắm vật tư thay thế, cấy ghép nhân tạo” được công bố tháng 9, đến nay nhiều đơn vị chưa hoàn thành đàm phán hợp đồng với liên danh trúng thầu gói vật tư y tế gồm: Cty CP Armephaco - Cty TNHH Đầu tư và Thương mại Lake Side Việt Nam - Cty TNHH Thương mại & Dịch vụ Việt Thái - Cty CP Dược phẩm Thống Nhất. Trong số này, có đơn vị mới thực hiện được 1 vòng đàm phán và chưa đi đến giai đoạn ký hợp đồng như Bệnh viện Tim Hà Nội.

Để làm rõ những nguyên nhân dẫn đến việc Bệnh viện Tim Hà Nội chưa ký hợp đồng với liên danh trúng thầu, ngày 1/11, PV Tiền Phong đã có buổi làm việc với lãnh đạo bệnh viện. Theo đại diện Bệnh viện Tim Hà Nội, việc thành phố tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung thiết bị và vật tư y tế là chủ trương đúng đắn, vì sẽ đảm bảo được 3 tiêu chí: Minh bạch, chất lượng, giá tốt. Tuy nhiên, kết quả mở thầu, chấm thầu và công bố kết quả của Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính là quá chậm. Trong số 8 gói thầu bệnh viện tham gia, có nhiều loại thiết bị, vật tư không đảm bảo đúng thông số bệnh viện đề xuất, mức giá liên doanh đưa ra đàm phán hợp đồng cao hơn mức giá thị trường (giá gần nhất bệnh viện ký hợp đồng), một số thiết bị có đủ tiêu chuẩn liên danh lại chưa xuất trình được giấy chứng nhận xuất xứ, chất lượng (CO, CQ). Ví dụ, 1 máy tạo nhịp một buồng cùng có chung thông số kỹ thuật nhưng máy liên danh trúng thầu cung cấp chỉ có 8 loại dòng dẫn, trong khi bệnh viện cần loại máy có 28 - 30 dòng dẫn để phục vụ người bệnh nên không thể cào bằng.

Theo thông tin Bệnh viện Tim Hà Nội, để tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại trong quá trình đám phán giữa bệnh viện và liên danh trúng thầu, ngày 26/10, lãnh đạo Sở Y tế, Tài chính và Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính đã có buổi làm việc với bệnh viện. Tại buổi làm việc, đại diện Trung tâm thừa nhận, do việc đấu giá với số lượng thiết bị và vật tư lớn (trên 5.200 loại, của 79 đơn vị), Trung tâm cũng chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết bị y tế nên đã có một số sai sót. Sau vụ án liên quan đến VN Pharma, lãnh đạo Sở Y tế, Sở Tài chính đều ủng hộ quan điểm phải kiểm tra kỹ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trước khi bệnh viện ký hợp đồng.

Cùng với đó, Bệnh viện Tim Hà Nội cũng mời đại diện Trung tâm Mua sắm tài sản công tham gia giám sát, cùng ngồi với bệnh viện tại các buổi đàm phán với liên danh trúng thầu, đảm bảo mức giá ký hợp đồng phải sát giá thị trường chứ không được cao hơn. Theo đại diện bệnh viện, nếu nhà thầu bổ sung đầy đủ thiết bị và vật tư đúng yêu cầu, cung cấp đủ giấy tờ chứng minh xuất xứ, chất lượng thì triển vọng có thể ký được 2 - 3 gói thầu/8 gói tham gia.

Trong lúc việc đàm phán đang được tiến hành, để có đủ thiết bị vật tư phục vụ người bệnh, từ ngày 31/7 cho đến nay, Bệnh viện Tim Hà Nội đã xin UBND thành phố cho mua sắm bổ sung trong lúc chờ thương thảo hợp đồng, đảm bảo phục vụ bệnh nhân thông suốt. Về việc này, trao đổi với PV, ông Hoàng Tuân, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính xác nhận, hiện đang có vướng mắc về giá trong quá trình đàm phán giữa Bệnh viện Tim Hà Nội và liên danh trúng thầu. Ông Tuân cho biết, Trung tâm sẽ cùng phối hợp hỗ trợ cho bệnh viện và đề nghị liên danh nhà thầu giảm giá ký hợp đồng.

Vì sao Bệnh viện Tim Hà Nội đề xuất tự mua sắm?

Trước thông tin Bệnh viện Tim Hà Nội đề xuất phương án tự mua sắm thiết bị và vật tư y tế cho đơn vị, đại diện lãnh đạo bệnh viện cho biết, sau khi công bố kết quả đợt đấu thầu thứ 2, ngày 26/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì buổi họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan về công tác đấu thầu mua thuốc, hóa chất - vật tư tiêu hao của các bệnh viện thuộc thành phố. Trước những vướng mắc được nêu ra, chủ tịch thành phố đã gợi mở Bệnh viện Tim nên đề xuất việc tự mua sắm, bởi đây là bệnh viện tự chủ hoàn toàn tài chính từ khi thành lập (100% không dùng tiền ngân sách). Cùng với đó, Văn phòng UBND thành phố cũng có văn bản giao giám đốc các bệnh viện thuộc thành phố đề xuất phương hướng, giải pháp cụ thể phù hợp thực tiễn, báo cáo UBND thành phố đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế xem xét, cho phép các đơn vị tự chủ động thực hiện công tác đấu thầu mua thuốc, hoá chất - vật tư tiêu hao, thiết bị, đảm bảo hiệu quả tối ưu săm sóc sức khỏe nhân dân.

Căn cứ văn bản hướng dẫn của UBND thành phố, Bệnh viện Tim Hà Nội đã có văn bản báo cáo đề xuất gửi Sở Y tế để tổng kết báo cáo các đơn vị trình thành phố, sau đó thành phố đề xuất Chính phủ và Bộ Y tế xem xét.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội, trong đề xuất gửi Sở Y tế, bệnh viện đã cam kết rất nhiều nội dung như: Thực hiện đúng pháp luật và quy định hiện hành; Tổ chức đấu thầu công khai - minh bạch; Đảm bảo đúng chất lượng, chủng loại mặt hàng; mức giá thấp hơn giá các bệnh viện ký trên toàn thành phố…, tất cả hướng đến mục tiêu giảm giá thành cho người bệnh. Trong lúc chờ các cơ quan chức năng xem xét, Bệnh viện sẽ thực hiện kết quả đấu thầu đã được phê duyệt, bệnh viện sẽ tiếp tục đàm phán để sớm ký hợp đồng với mức giá thấp nhất.

Về việc trên, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, kết thúc thời hạn UBND thành phố yêu cầu (15/10), Sở đã nhận được báo cáo và đề xuất của 41 đơn vị liên quan đến hiệu quả của đấu thầu tập trung, trong đó có nội dung đề xuất được tự mua sắm thiết bị và vật tư của một số đơn vị. Hiện Sở đã tổng hợp báo cáo trình thành phố, để thành phố đề xuất Chính phủ và Bộ Y tế xem xét.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.