UBND huyện Hoài Ðức (Ảnh minh họa) |
Đơn cử gói thầu mua sắm thiết bị thuộc dự án: Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho các trường tiểu học công lập trên địa bàn huyện Hoài Đức. Gói thầu này được Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức ký Quyết định phê duyệt số 83/QĐ-GDĐT ngày 28/6/2021 với giá trúng thầu là 8.389.519.000 đồng.
Đơn vị trúng thầu là Liên danh Cty CP Đầu tư và Thương mại Vĩnh Phát, Cty TNHH Nhật Linh Đà Nẵng, Cty CP Điện chiếu sáng và Thiết bị Đô thị Hồ Gươm. Trong đó, Cty CP Đầu tư và Thương mại Vĩnh Phát là liên danh chính. Gói thầu có giá dự toán là 8.472.421.000 đồng, giá trúng thầu là 8.389.519.000 đồng, tiết kiệm thầu gần 83 triệu đồng. Gói thầu được thực hiện bằng nguồn ngân sách huyện, kinh phí sự nghiệp giáo dục.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, nhiều thiết bị giáo dục trúng thầu có giá cao hơn khá nhiều so với giá sản phẩm cùng loại trên thị trường. Ví dụ Tivi nhãn hiệu UA55TU7000/Samsung, số lượng mua 26 chiếc được phê duyệt trúng thầu với giá là 17.822.000 đồng/chiếc. Trong khi, giá đang bán trên thị trường chỉ 12.790.000 đồng/chiếc, tương đương cao hơn 5 triệu đồng/chiếc.
Sản phẩm Radio - Castsete nhãn hiệu EZ57 số lượng mua 37, giá phê duyệt trúng thầu là 4.554.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, giá thị trường bán ở mức 1.700.000 đồng/chiếc, tức là tăng hơn gấp 2 lần, tương đương nâng giá 2.854.000 đồng/chiếc...
Đáng chú ý, Cty cổ phần đầu tư và thương mại Vĩnh Phát tham gia và trúng các gói thầu của nhiều bên mời thầu trên địa bàn huyện Hoài Đức như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức, huyện ủy Hoài Đức, văn phòng UBND và HĐND huyện Hoài Đức, phòng GĐ&ĐT huyện Hoài Đức, UBND xã Dương Liễu, UBND xã Đắc Sở, UBND xã Lại Yên, UBND xã Minh Khai, Trường THCS thị trấn Trạm Trôi...
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện UBND huyện Hoài Đức cho biết, quy trình thủ tục đấu giá được thực hiện công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật. Việc giá đấu căn cứ theo định giá của liên Sở Tài chính và GD&ĐT, huyện chỉ đề xuất về số lượng, kích thước.
Được biết, để có căn cứ giá này, thành phố đã họp nhiều lần để đưa ra mức giá nói trên. Sau được phê duyệt của bộ phận tài chính, huyện giao cho Phòng GD&ĐT huyện để tổ chức đấu giá theo quy định.
Phòng GD&ĐT của huyện đã lên kế hoạch đấu thầu, thuê 2 đơn vị thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội lập hồ sơ gói thầu và đánh giá thầu. Toàn bộ được công khai trên mạng. Sau khi trúng thầu 15 ngày, Phòng GD&ĐT ký hợp đồng để bên trúng thầu cung cấp thiết bị.
Lý giải về việc giá thiết bị cung cấp cao hơn giá bán lẻ trên thị trường, đại diện UBND huyện cho biết, ngoài việc cung cấp thiết bị cho nhà trường, đơn vị cung cấp phải lắp đặt, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, bảo hành, bảo trì... nên giá cũng khác so với giá niêm yết bán lẻ bên ngoài.