“Ðầu tàu kinh tế” thiếu… tiền

Tình trạng kẹt xe ở TPHCM vẫn diễn biến phức tạp vì rất nhiều dự án đầu tư hạ tầng bị cắt giảm do thiếu tiền đầu tư. Ảnh: H.T.
Tình trạng kẹt xe ở TPHCM vẫn diễn biến phức tạp vì rất nhiều dự án đầu tư hạ tầng bị cắt giảm do thiếu tiền đầu tư. Ảnh: H.T.
TP - “TPHCM là đầu tàu kinh tế song lúc nào doanh nghiệp cũng thiếu vốn còn chính quyền thiếu ngân sách; phải có giải pháp tạo ra nguồn lực phát triển”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho hay tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 HÐND TPHCM khóa IX diễn ra sáng 10/7.

Buộc các chủ đầu tư đóng góp trường học

Chiều cùng ngày, trong phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu HÐND TPHCM tiếp tục chỉ ra những vấn đề tồn tại của ngành giao thông như tình trạng ngập nước, kẹt xe vẫn chưa được cải thiện. Hệ thống hạ tầng giao thông chậm được đầu tư… gây bức xúc cho người dân. Một số đại biểu cũng bức xúc chỉ ra tình trạng trường lớp quá tải. Nhiều nơi, đặc biệt là cấp tiểu học, sỹ số học sinh mỗi lớp lên tới 45 - 50 em.

Giải trình về vấn đề này, đại diện Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, theo kế hoạch trong giai đoạn 2016 -2020, TPHCM sẽ đầu tư thực hiện 272 dự án đầu tư hạ tầng giao thông với nguồn vốn dự kiến là 363.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực, thành phố đã không thể thực hiện đúng kế hoạch đặt ra.

Sau khi cân đối nguồn lực và thời gian còn lại (từ 2018 -2020), TPHCM rút từ 272 dự án xuống còn 74 dự án với tổng vốn đầu tư là 73.000 tỷ đồng. Các dự án được chọn ưu tiên đầu tư là xây dựng các đường trục, khu vực cửa ngõ, các dự án quan trọng cấp bách như mở rộng các nút giao, xây dựng cầu vượt tại các điểm nóng về kẹt xe như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, vòng xoay Mỹ Thủy, nút giao thông Ngã tư An Sương…

Ðại diện Sở GD&ÐT TPHCM cho hay mỗi năm, số lượng học sinh tăng cơ học khoảng 15.000 em. Với số lượng trên, mỗi năm thành phố phải xây dựng mới khoảng 1.000 phòng học với số vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng thì mới cơ bản đáp ứng được chỗ học cho học sinh.

Theo đại biểu Huỳnh Ðăng Linh, TPHCM cần kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho cơ sở vật chất ngành giáo dục. Ðơn cử trên địa bàn quận Phú  Nhuận, chỉ tính riêng trục đường Hoàng Minh Giám, một đại gia ngành bất động sản đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng gần 3.000 căn hộ chung cư, trong khi không có bất kỳ một trường học nào được xây dựng thêm.

“Ðã đến lúc TPHCM xem xét khi phê duyệt quy hoạch phát triển các dự án bất động sản phải tính toán xây dựng các trường học mới và buộc các chủ đầu tư phải đóng góp”, ông Linh nói.

Tìm nguồn lực cho đầu tàu

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra thế mạnh của TPHCM, nguồn lực lâu dài của TPHCM không chỉ là ngân sách mà chính là con người với hơn 10 triệu người, trong đó có 5 triệu lao động. Vì vậy, TPHCM cần phát huy 5 triệu người lao động thành 5 triệu người sáng tạo.

“Sáng tạo thì không có khấu hao. Càng sáng tạo, giá trị càng gia tăng. Muốn đột phá, cần phát huy bằng được sức sáng tạo của con người. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bản chất là cuộc cách mạng sáng tạo nên việc phát huy sáng tạo của 5 triệu lao động là yếu tố thời đại”, ông Nhân nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng chỉ ra tiềm năng rất lớn cần khai phá để tạo ra nguồn lực là cần quyết liệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội, trước mắt là nghiên cứu quy trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư vì đây là một khâu cản trở rất nhiều lĩnh vực.

“UBND TPHCM xem xét, có đề xuất thực hiện cơ chế đặc thù thực hiện thí điểm quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích hài hòa của người dân, doanh nghiệp và nhà nước”, ông Nhân yêu cầu.

 Ðảm bảo lợi ích chính đáng của người dân Thủ Thiêm

“Ðối với dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, qua các buổi tiếp xúc, cử tri và nhân dân đang theo dõi và trông chờ kết quả kiểm tra, rà soát tổng thể dự án này. Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đề nghị kịp thời công khai, minh bạch thông tin đến nhân dân, đồng thời có những giải pháp đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.

MỚI - NÓNG
Từ đêm nay, miền Trung chuyển mưa rất lớn
Từ đêm nay, miền Trung chuyển mưa rất lớn
TPO - Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm nay, khu vực Đà Nẵng đến Khánh Hoà có mưa rất lớn, kéo dài nhiều ngày. Tây Nguyên từ gần sáng mai cũng bắt đầu chuyển mưa rải rác. Miền Bắc tiếp tục ít mưa, ngày nắng, trời hanh khô.