Tàu sân bay INS Vikrant. Ảnh: Telangana Today |
Theo Tạp chí Foreign Policy, năm 1961, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên trong Thế giới thứ ba mua và vận hành một tàu sân bay, đó là con tàu lớp Majestic mua của Anh. Con tàu đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh Bangladesh năm 1971, được sử dụng để phong tỏa mọi hoạt động vận chuyển giữa các vùng phía Đông và phía Tây của Pakistan.
Hải quân Ấn Độ kể từ đó đã nỗ lực liên tục duy trì các lực lượng đặc nhiệm bao gồm các tàu khu trục, khinh hạm, tàu ngầm và các tàu hộ vệ, tạo thành một hạm đội với tàu sân bay làm chủ lực. Tuy nhiên, các lực lượng đặc nhiệm này luôn phải dựa vào các tàu sân bay và máy bay mua của nước ngoài.
Bởi thế mà sự ra đời của INS Vikrant, hàng không mẫu hạm đầu tiên do Ấn Độ tự chế tạo, có thể được coi là bước đột phá đối với ngành công nghiệp quốc phòng nước này. Với cột mốc quan trọng này, Ấn Độ trở thành nước thứ 5 trong danh sách các quốc gia có năng lực thiết kế và chế tạo tàu sân bay gồm: Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Anh.
INS Vikrant do hải quân Ấn Độ thiết kế và được đóng tại Nhà máy đóng tàu Cochin, với chi phí khoảng 2,5 tỷ USD. Nó có thể mang theo thủy thủ đoàn 1.600 người và vận hành phi đội gồm 30 máy bay chiến đấu.
INS Vikrant, trong tiếng Phạn có nghĩa là “mạnh mẽ” hoặc “can đảm”, dài 262m, rộng 60m vừa được ra mắt đầu tháng 9. Theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, sự ra đời của INS Vikrant là một ví dụ về nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy khả năng tự chủ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và nâng cao sức mạnh hải quân Ấn Độ: “Ngày nay, an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một ưu tiên quốc phòng lớn của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi đang làm việc theo mọi hướng, từ tăng ngân sách cho hải quân đến nâng cao năng lực của lực lượng này”.
Hàng không mẫu hạm 47.400 tấn này sẽ vận hành đầy đủ vào cuối năm 2023, sau khi trải qua các cuộc thử nghiệm cất hạ cánh với máy bay MiG-29K. Ấn Độ cũng có kế hoạch trang bị cho hàng không mẫu hạm này hơn 20 máy bay chiến đấu mới, gồm Rafale-M của hãng Dassault (Pháp) và F/A-18 Block III Super Hornet do Boeing chế tạo.
Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, hơn 75% chi tiết của INS Vikrant được sản xuất trong nước, với sự tham gia của một số tập đoàn công nghiệp và hơn 100 doanh nghiệp cung cấp thiết bị và máy móc. Thời gian sản xuất bị kéo dài trong 6 năm đã khiến INS Vikrant có giá thành tăng gấp 6 lần, lên tới 200 tỷ rupee (2,5 tỷ USD).
Hiện tại, trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hải quân Trung Quốc đang sở hữu hạm đội tàu chiến lớn nhất khu vực, với lực lượng chiến đấu ước tính khoảng 350 tàu các loại. Năm 2012, Trung Quốc đưa vào vận hành tàu Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm đầu tiên do nước này tự chế tạo.
Kể từ đó, Bắc Kinh đã mở rộng đáng kể năng lực tác chiến của lực lượng hải quân. Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc có tên gọi Phúc Kiến hiện đang được thử nghiệm vận hành trên biển.
Một trong những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới là Mỹ hiện sở hữu khoảng 355 tàu chiến, bao gồm tàu sân bay, tàu khu trục, tàu ngầm... Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính lực lượng này sẽ tăng lên 420 tàu vào năm 2025 và 460 tàu vào năm 2030.
Chưa kể INS Vikrant thì hạm đội hải quân của Ấn Độ hiện bao gồm 10 tàu khu trục, 12 khinh hạm, 20 tàu hộ tống và 2 tàu sân bay. Ngoài một tàu sân bay lớp Majestic mua của Anh, chiếc còn lại INS Vikramaditya do Liên Xô đóng vào năm 1987 và được Ấn Độ mua lại năm 2004 với giá 2,35 tỷ USD.
Thành công trong việc chế tạo hàng không mẫu hạm INS Vikrant đánh dấu một chương mới trong việc hiện thực hóa tham vọng tự chủ của Ấn Độ trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng, đồng thời gia tăng sức mạnh của hải quân Ấn Độ nhờ tầm hoạt động trên biển được mở rộng.
Tuy nhiên, INS Vikrant cũng sẽ phải đối mặt với một số trở ngại trước mắt, đó là khả năng tương thích trong công nghệ do thám và giám sát hiện đại, cùng với vũ khí phòng không như tên lửa chống hạm vốn được trang bị cho các tàu sân bay.