Đâu miền đất hứa

Người dân nước Anh thắp nến trong buổi cầu siêu cho 39 nạn nhân Ảnh nguồn: Báo Giao Thông
Người dân nước Anh thắp nến trong buổi cầu siêu cho 39 nạn nhân Ảnh nguồn: Báo Giao Thông
TP - Tấn thảm kịch trong thùng xe container làm chết 39 người được cho là có người Việt trong đó làm cả thế giới bàng hoàng. Nhiều người đã mổ xẻ sự việc thương tâm từ nhiều khía cạnh. Mỗi người mỗi ý, đúng/sai đến đâu chưa biết, nhưng thiết nghĩ mọi ý kiến đều có quyền được cất lên. Bài viết chỉ góp thêm một suy nghĩ về bản tính của người Việt mà thảm kịch gợi ra. Đó là mối ràng buộc gia đình và sự ảnh hưởng làng xã đặc thù. 

Người Việt rất coi trọng tình nghĩa và sự quấn túm gia đình. Ở các vùng quê nghèo, thành viên thành đạt nhất nhà nghiễm nhiên có nhiệm vụ lo cho cả nhà hoặc cả họ, tùy theo mức độ giàu có. Nếu cả nhà chả ai có tiền dễ sẽ dẫn đến sự tủi hổ với làng xóm. Và người ta sẽ tìm mọi cách làm giàu nhanh nhất đặng “cứu nhà”. Đó có lẽ sẽ là tư tưởng xâm lấn đầu óc người “xuất khẩu lao động” hơn là tự cứu chính mình.
Mới đây thôi, trước khi xảy ra vụ 39 người chết trong xe tải ở Anh, một số bài báo không biết vô tình hay cố ý đánh đồng người xuất khẩu lao động hợp pháp với thành phần đi chui, khi đăng tải những bài ca ngợi sự thay da đổi thịt của những làng quê tỷ phú. Xem tít thôi, đã thấy chóng mặt: Xã 1.000 tỷ phú, bậc nhất xứ Nghệ, biệt thự hàng ngàn, ô tô nhiều vô kể; Làng tỷ phú Việt Nam: Tiền lao động nước ngoài gửi về xây được lâu đài; Ngôi làng “toàn tỷ phú” nhờ xuất khẩu lao động tại Nghệ An…
Nhiều khi các tòa nhà xây lên chỉ để cho oai chứ chắc gì đã xuất phát từ nhu cầu thật. Nhiều khả năng đó cũng như một cách phung phí món tiền dư giả với người dân quê lại không phải do họ tự tay làm ra. Nếu thân nhân đi trồng cỏ thì tiền đó là tiền đen, tiền không có hậu. Để kiếm được số tiền này, người Việt phải chui lủi trong các ngôi nhà được biến thành trại trồng cần sa, chả mấy khi được biết tới ánh sáng mặt trời, kể cả bóng đêm. Vì điện trong nhà phải bật suốt ngày để kích cây lớn nhanh. Họ có thể bị cướp mà không thể kêu ai, còn nếu bị bắt, bỏ tù là đương nhiên.
TTXVN dẫn số liệu của Bộ Tư pháp Anh đầu năm 2012, có 472 người Việt Nam (trong đó gần 40 là nữ) đang chịu án trong các nhà tù của Anh. Khoảng 90% trong số này bị kết án vì các tội trồng, vận chuyển, buôn bán cần sa với mức án từ 1-4 năm và khi mãn hạn tù sẽ bị trục xuất về nước. Có trường hợp người nhà không hề biết người thân đang ở tù. Đó là dịp trước Tết, phóng viên TTXVN hỏi thăm tù nhân đã gọi điện về nhà chưa. Câu trả lời: “Em gọi rồi, nhưng không dám nói với vợ con là mình đang bị ở tù. Nợ nhiều tiền như em thì không dám nhớ Tết gì hết cả. Bây giờ nếu em về Việt Nam thì không biết lấy tiền ở đâu ra để trả nợ”. Để sang đây, gia đình anh đã phải thế chấp sổ đỏ để có đủ số 27.000USD trả cho chuyến đi.
Nhưng như đã nói, với tư tưởng gia đình trên hết, người Việt coi sự hy sinh (tự nguyện) của một thành viên vì sự nở mày nở mặt của cả nhà là lẽ tự nhiên. Vì thế mà điển tích Kiều bán mình chuộc cha được nhắc lại nhiều trong những ngày này. Bạn tôi làm ở công ty đưa thanh niên đi xuất khẩu lao động tại Nhật kể chuyện một nam thanh niên bị ngã giàn giáo trong lúc làm việc. Khi bạn tôi đến thăm, được chứng kiến cuộc gọi của ông bố từ quê nhà: “Con làm gì đó, cả tuần nay không thấy gọi về nhà? Bố bảo này, tuần sau sinh nhật bố, bố làm cái tiệc nhỏ với anh em. Con xem kiếm đâu vài chai rượu Nhật gửi cho bố...”.  Bạn tôi phân tích, rượu là lấy trộm tại các siêu thị Nhật, gửi về theo con đường “chuyển hàng tay ba” không thông qua công ty vận chuyển. Như thế, người bố đã hồn nhiên xui con phạm hai lỗi. Và tất nhiên ông cũng không biết con trai bị tai nạn vẫn đang nằm dưỡng thương tại kí túc xá. Hết hạn lao động, chàng trai đó tìm cách ở lại, không biết giờ số phận ra sao…
Theo tờ Evening Standard, từ tháng 1/2016 đến tháng 4/2018, chỉ riêng tại London, cảnh sát phát hiện 314 trại cần sa trồng tại gia, tức là cứ 2 ngày lại tìm ra một trại. Số liệu từ năm 2000 đến 2014 cho hay trong số nạn nhân buôn người buộc phải làm trong các trại cần sa có tới 96% đến từ Việt Nam, trong đó 81% là trẻ em. Riêng con số cuối rất có thể là ảo vì người Việt hay lợi dụng ngoại hình nhỏ bé để giả vờ là vị thành niên qua mặt nhà chức trách. 
Tiền những người này gửi/đem về quê nhà nghiễm nhiên thành “kiều hối”. Khi  được tái đầu tư, tức “rửa” một cách thành công, liền tạo thành những tấm gương điển hình cho những người đang muốn đổi đời trông vào. Và lại thêm một thành viên năng động, trẻ khỏe nhất nhà lên đường ra đi, cùng với đó có thể là cả cơ nghiệp cộng tiền đi vay.
Người Việt hay có truyền thống cả làng đổ xô đi làm một việc gì đó, từ chơi vĩ cầm cho đến tái chế dầu thải. Đó cũng chính là nguồn cơn xuất xứ của các phố Hàng… ở Hà Nội, khi các làng đổ về Kẻ Chợ làm ăn. Ngày trước có cả làng đi ăn mày thì bây giờ cả làng đi “xuất khẩu lao động”. Khi nhà này thấy nhà kia đi trót lọt và đổi đời (thể hiện rõ ràng qua việc đổi nhà), họ sẽ yên tâm đầu tư cho con em theo hướng đó. Thanh niên bao giờ chả có máu phiêu lưu, thấy bạn bè xuất ngoại, mình chỉ “xuất nội” sao đành?! Khi hàng xóm láng giềng xung quanh bỗng chốc đều sống “trên tiền” thì sự “đủ ăn đủ mặc” của mình bỗng trở nên nghèo khó đến tội nghiệp chứ sao. Sống ở làng khó thoát khỏi làng lắm. Thế là cứ lớp này chưa qua lớp sau đã xô tới. Và việc ra đi sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ, khó khăn, may rủi… Và cái gì phải đến đã đến.
Nhưng hẳn trong thời gian tới, mọi việc sẽ khác. Có thể với người Việt đã quen với khổ ải, khi cơn chấn động qua đi, mọi việc đâu sẽ lại dần dần vào đấy. Nhưng “miền đất hứa” với những đồng “cỏ” trong nhà kia chắc chắn sẽ thêm xa vời hơn trước…
MỚI - NÓNG