Dâu khôn ứng phó với mẹ chồng hà tiện

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Ở càng lâu với mẹ chồng chị càng nhận ra quả thật mẹ chồng chị tiết kiệm đến mức căn cơ, hà tiện.

Thời yêu nhau, anh thường dẫn chị về nhà chơi, bữa cơm mẹ anh sắp ra mâm chỉ ít thịt kho đậu, dưa cà, bát canh, anh nhìn mâm cơm ái ngại khéo bảo chị “Tính mẹ xuề xòa ít cầu kỳ nên không bày vẽ nhiều món, sau em về làm dâu càng dễ sống thoải mái”. 

Chị cười biết tính mẹ anh tiết kiệm nhưng chị tin sẽ sống hòa thuận được với mẹ chồng, ai quen chị cũng bảo chị hiền lành, sống biết lễ nghĩa, trên dưới. Đến khi về nhà anh làm dâu , chị mới thấm tính tiết kiệm quá mức của mẹ chồng không dễ sống như chị nghĩ.

Ngày đầu chân ướt chân ráo về làm dâu, mẹ chồng đã chỉ dạy chị nếp sống sao cho tiết kiệm. Mẹ chồng nhẹ nhàng dặn “Giờ thời buổi khó khăn, các con đi làm kiếm được đồng tiền vất vả không dễ, nên phải tính toán còn lo nhiều việc về lâu về dài”

. Chị thầm nghĩ mẹ chồng nói đúng, có gia đình sau thêm con cái biết bao việc phải lo, tiết kiệm là đức tính tốt, chỉ cần đừng biến thành keo kiệt đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành là được. Nhưng ở càng lâu với mẹ chồng chị càng nhận ra quả thật mẹ chồng chị tiết kiệm đến mức căn cơ, hà tiện .

Vợ chồng chị đi làm về mệt, quần áo bẩn thường bỏ vào máy giặt, mẹ chồng nhìn thấy không vừa ý nhắc “Có mấy cái sao con không vò luôn đi, không giặt được để mẹ giặt”, bà nhanh tay lôi hết quần áo bẩn mang vào nhà tắm, phận dâu con chị nào dám nhìn mẹ chồng làm, vội tranh giặt nhưng trong lòng không thoải mái, mẹ chồng đi ra còn bảo “Giặt tay tiết kiệm điện nước, bền quần áo, sạch sẽ. Chúng mày cứ thích phụ thuộc máy móc, xưa mẹ đi làm dâu, nào biết máy giặt là gì, mẹ vẫn giặt hết biết bao nhiêu quần áo cả nhà chồng”.

Hàng tháng anh chị đưa cho mẹ chồng 5 triệu tiền ăn, còn tiền gas, điện nước anh chị nhận trả hết, ông bà có thêm lương hưu, nhưng bữa cơm mẹ chồng nấu hết đậu phụ là thịt lợn, trứng tráng. Hôm nào ốm mỏi trong người chị về nhìn mâm cơm không muốn đụng đũa. 

Chủ nhật chị đi chợ đổi bữa ăn tươi, vừa về mẹ chồng vồn vã hỏi “Tôm con mua bao tiền 1 kg? Thịt bò mua nhiều thế ăn sao hết?”. Bữa cơm mẹ chồng cằn nhằn “Con chi tiêu không tính, hoang phí thế này thì chết, buôn thúng bán bè không bằng ăn dè tiết kiệm”, bữa ăn mất đi sự ấm cúng, ngon miệng. Lần sau hễ chị đi chợ là mẹ chồng dặn “Nhớ mua ít thôi không lãng phí.”

Thừa tí thức ăn bà bỏ tủ lạnh cất đi, từ mấy quả cà pháo tới bát canh còn chút ít, bát mắm chấm cá tanh dở mẹ chồng cũng cất đi. Chị nào có phải không biết lo toan vun vén đâu, chị cân đo tiêu tiết kiệm rồi nhưng vẫn không vừa ý mẹ chồng, bà hay kêu “Chúng mày không biết đói khổ là thế nào, bố mẹ ngày xưa cơm độn ngô sắn không đủ ăn, giờ chúng mày sướng quá rồi sống lãng phí, chỉ biết nay không biết mai?”. Chai dầu, chai mắm, thùng các tông, túi nilon dùng hết mẹ lèn đầy trong bếp gom lại bán đồng nát, chị nói cho cô lao công mẹ tiếc rẻ nhất quyết không chịu. Thành thử bếp đã chật chội càng thêm chật, bừa bộn.

Mẹ chồng còn ham thứ quần áo rẻ, đại hạ giá đổ đống ngoài chợ. Quần áo vừa không rõ nguồn gốc, lại không được bền, giặt vài lần đã nhàu nhĩ vải, mất dáng quần áo, chưa kể nhiều bộ về giặt lần đầu đã phai hết màu. Đôi lần chị góp ý với mẹ mất thêm ít tiền mua quần áo tốt, không đắt hơn nhiều mà vải thấm mồ hôi, giữ ấm tốt hơn hẳn, mẹ không nghe giận dỗi “Mẹ vẫn thấy bao người mua mặc có sao đâu, thời đói khổ nhờ tiết kiệm mẹ mới nuôi được chồng mày nên người đấy”.

Hôm trước vợ chồng chị có cô bạn ghé qua chơi, chị đang đi làm vội gọi điện nhờ mẹ chồng chuẩn bị giúp bữa cơm, 6 giờ tối chị làm về, khách đã sắp tới, chị vội vào bếp xem cơm nước thế nào, thấy mâm cơm chỉ đĩa thịt rang, bát dưa, đĩa rau luộc như mọi ngày, chị vội bảo “Con mua thêm ít đồ ăn nữa mẹ nhé”. Mẹ chồng vội xua tay xuề xòa “Thêm mỗi khách, thêm bát thêm đũa ăn bao nhiêu mà bày vẽ, mẹ thấy thế là được rồi”. Chị nghĩ người trong nhà không sao, nhưng có khách phải tươm tất không bạn bè cười cho. Chị dặn chồng mua thêm đồ về, mẹ chồng giận chị cả tuần.

Chị hiểu mẹ chồng từng trải qua nhiều vất vả, một nách mẹ chồng hai con nhỏ, thêm lo toan bao việc nhà chồng để chồng yên tâm công tác xa. Nếp sinh hoạt, tư duy căn cơ tiết kiệm ăn sâu thành thói quen của mẹ chồng khó bỏ được, giờ chị phải tập dần quen với điều đó của mẹ. 

Nhưng chị cũng hiểu vất vả kiếm tiền để phục vụ cho cuộc sống tốt hơn nên chị dần khéo léo học cách nói ít giá tiền đi mỗi khi chị mua đồ, hoặc chị mua nhưng nói anh này, chị kia ở cơ quan cho, để mẹ chồng đỡ xót của. 

Cùng với đó, chị tâm sự với chồng về sự tiết kiệm quá mức của mẹ chồng chỉ làm khổ mẹ trước tiên sau khổ mọi người trong gia đình, nhờ anh nói chuyện góp ý thêm với mẹ, anh là con trai nói chuyện với mẹ dễ hơn. Mẹ chồng dần chi tiêu thoáng ra, chặng đường làm dâu của chị vì thế thêm phần nhẹ nhàng hơn…

Theo TTT
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.