Từ cánh đồng ma...
Giữa tháng 7, trời Yên Bái mưa nặng hạt suốt tuần. Anh Lương Mạnh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn bảo, thời tiết Yên Bái mùa này mưa không biết bao giờ mới tạnh, chỉ thương những đoàn viên, thanh niên đang khai phá ruộng bậc thang giữa lưng chừng núi xã Xà Hồ, Pá Hu (Trạm Tấu). Trạm Tấu là huyện thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh, phần lớn dân cư còn nghèo khó, thiếu ăn.
Trò chuyện với phóng viên, nhấp chén trà, anh Hà kể, khoảng gần 10 năm trước, chính anh và hàng trăm đoàn viên, thanh niên “đi đầu, làm trước” để hỗ trợ bà con khai phá “cánh đồng ma” xã Túc Đán. “Hồi đó, dù nghe nhiều chuyện rùng rợn về những cái chết do canh tác ở cánh đồng ma, cả những chuyện ly kỳ như đi săn đạn không nổ, chuột phát ra ánh sáng… nhưng cán bộ Đoàn vẫn quyết tâm làm”, anh Hà nói. Cánh đồng xã Túc Đán vốn rất tốt nhưng bị bủa vây bởi tin đồn ma quỷ nên bị bỏ hoang, không ai dám sử dụng, người dân không có đất sản xuất, trồng cấy nên thiếu đói. Quyết tâm khai phá cánh đồng, huyện Đoàn lập kế hoạch, triển khai và “lôi kéo” thêm các lực lượng khác như công an, quân đội, dân quân tự vệ, cùng lãnh đạo huyện tham gia. Anh Hà kể, để dẹp bỏ sự nghi ngờ của bà con, đoàn mua lợn, hương hoa về, đích thân lãnh đạo huyện trực tiếp cúng. Sau đó, đoàn cho nổ mìn phá đá, mang cưa máy dọn dẹp cây cối. Tiếng cưa máy, tiếng trao đổi, trò chuyện rôm rả sôi nổi xua đi nỗi sợ hãi vốn đè nặng bởi những chuyện mê tín dị đoan. Công trường cũng có đội văn nghệ, ban ngày làm việc, tối căng lều, bạt giao lưu hát múa giữa cánh đồng....
Nhưng, sau khi khai hoang, vẫn còn một trở ngại nữa cần vượt qua là thuyết phục bà con yên tâm canh tác, sản xuất. Để bà con tin tưởng, đoàn viên thanh niên trực tiếp làm đất, trồng liền 2 vụ ngô và lạc, thu hoạch và ăn thử. Thấy không ai làm sao, bà con mới tin. Sau đó, đoàn viên, thanh niên tiến hành chia ruộng cho người dân, mỗi nhà được hai thửa...Từ đó đến nay, người dân yên tâm canh tác trên cánh đồng.
Nói về hiệu quả, anh Trần Bình Trọng, Bí thư Huyện Đoàn Trạm Tấu bảo, mỗi năm, cánh đồng ma cho thu hoạch hơn hẳn những cánh đồng khác trong khu vực. “Người dân vẫn canh tác bình thường. Năm nào cũng cho thu hoạch khoảng 5 – 6 tấn lương thực/ha”. Nối tiếp truyền thống đi đầu, làm trước, khoảng 5 năm trở lại đây, đoàn viên, thanh niên huyện Trạm Tấu phối hợp với sinh viên các trường ĐH, CĐ ở Yên Bái tiếp tục tình nguyện mở đường, làm ruộng giúp bà con nhân dân trên địa bàn. “Trung bình mỗi năm làm thêm được 3ha ruộng bậc thang cho bà con”, anh Trọng nói.
Những cánh đồng vàng
Chiếc xe ô tô chạy ngoằn ngoèo theo những con dốc đưa đoàn công tác Tỉnh Đoàn Yên Bái chạy vào thăm đoàn tình nguyện đang khai phá ruộng bậc thang ở xã Xà Hồ, Pá Hu (Trạm Tấu). Nhìn lên những thửa ruộng đang hình thành như những vệt son in vào màu xanh của núi rừng. Trời vẫn mưa, để đến được nơi đoàn công tác phải mất gần 30 phút leo núi và nếu sơ sểnh là có thể trượt chân ngã xuống dốc. Hai xã Xà Hồ, Pá Hu nằm cách nhau một con đường. Từ bên này nhìn sang bên kia núi chỉ thấy những chấm xanh nhỏ xíu áo tình nguyện trên nền các ruộng bậc thang mới khai phá.
Anh Lương Mạnh Hà bảo, các đoàn tình nguyện đều có sự hướng dẫn, quản lý của cán bộ Tỉnh Đoàn để đảm bảo an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm. Trực tiếp tham gia lao động cùng thanh niên tình nguyện, anh Trần Bình Trọng, Bí thư Huyện Đoàn Trạm Tấu cho biết, toàn huyện huy động hơn 1.200 đoàn viên, thanh niên để khai phá ruộng cùng với khoảng 50 đoàn viên, thanh niên từ các trường của Yên Bái về. “Anh em làm lều dã chiến trên đỉnh núi ăn uống sinh hoạt trên này luôn”, anh Trọng chỉ vào tấm bạt quây ở một góc. Hơn 1 nghìn con người mới hôm trước bắt tay vào việc, hôm sau đã hoàn thành hơn 4,5ha ruộng bậc thang. “Đợt này mình ra quân lớn, hoàn thành hơn 16,5ha ruộng bậc thang cho người dân”, anh Trọng cho biết. Để động viên đoàn viên, thanh niên, ngoài món quà là tiền mặt, anh Lương Mạnh Hà còn tặng mỗi đội hình tình nguyện một con cá hơn chục kg để liên hoan.
Chia sẻ thêm, anh Trọng cho biết, sau khi hoàn thiện, diện tích ruộng hơn 16,5 ha này sẽ được giao cho các hộ dân sử dụng. Năm đầu, do chưa triển khai được nguồn nước, diện tích đó sẽ trồng ngô để hình thành cốt ruộng. “Năm thứ hai bắt đầu trồng lúa được. Ngoài mở rộng diện tích đất canh tác cho dân, sẽ tạo cảnh quan phục vụ nhu cầu phát triển du lịch sau này”, anh Trọng nói. Nhẩm tính, anh Trọng bảo, nếu canh tác thì mỗi héc ta có thể thu hoạch được khoảng 3 tấn/năm. “5 năm qua, đoàn viên, thanh niên đã tình nguyện mở rộng thêm được 53 ha ruộng bậc thang. Nếu tính trung bình đạt 3 tấn/năm thì cũng giúp bà con rất nhiều trong việc xóa đói, giảm nghèo”, anh Trọng nói.
(còn nữa)
Đinh Thị Bích Phương, sinh viên năm nhất Khoa Giáo dục mầm non, Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, đã đi tình nguyện được gần chục ngày. “Em sinh ra ở thành phố, chưa từng làm việc nông bao giờ. Lên đây, biết là vất vả nhưng có tinh thần đồng đội, san sẻ công việc cho nhau nên dù mệt vẫn vui”, Phương nói.