Dầu khí, viễn thông áp đảo 10 DN lớn nhất VN

Dầu khí, viễn thông áp đảo 10 DN lớn nhất VN
TPO - Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố bảng xếp hạng VNR500–TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất nước 2012. Cùng điểm mặt 10 doanh nghiệp lớn nhất trong danh sách này.

> 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

Tập đoàn Dầu khí
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một trong 10 doanh nghiệp mạnh.

1. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

Năm 2012, Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra trong năm 2012 và có mức tăng trưởng cao so với năm 2011.

Tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong Tập đoàn đạt 772,7 nghìn tỷ đồng, bằng 117% kế hoạch năm, tăng 14,4% so với năm 2011.

Nộp ngân sách Nhà nước đạt 186,3 nghìn tỷ đồng, bằng 138,2% kế hoạch năm, tăng 15,8% so với năm 2011 (vượt mức 51,48 nghìn tỷ đồng - 2,45 tỷ USD - so với kế hoạch năm).

Tổng lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp toàn Tập đoàn đạt 113,1 nghìn tỷ đồng, bằng 119,4% kế hoạch năm, tăng 12,4% so với năm 2011.

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai nghiêm túc trong toàn Tập đoàn.

Năm 2012, toàn Tập đoàn tiết giảm 5.104 tỷ đồng, bằng 137,4% so với cam kết cả năm là 3.715 tỷ đồng.

Năm 2013, dự kiến doanh thu của Tập đoàn đạt 653,3 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 143,2 nghìn tỷ đồng.

2. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)

Để đủ tiêu chuẩn lựa chọn xem xét xếp hạng trong Bảng xếp hạng doanh nghiệp mọi thành phần, doanh thu tối thiểu của doanh nghiệp phải trên 1400 tỷ đồng.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), năm 2012, tổng doanh thu đạt 198.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 1.058 tỷ đồng.

Do tình hình kinh tế khó khăn nên lượng tiêu thụ xăng dầu của cả nước giảm 10% so với năm 2011. Trong đó, dầu mazut giảm nhiều nhất do các nhà máy nhiệt điện dầu ít phải huy động. Còn dầu diezel phục vụ cho sản xuất cũng giảm hơn 10%. Với Petrolimex, sản lượng tiêu thụ xăng dầu các loại năm 2012 chỉ đạt 95% so với 2011.

Về kết quả kinh doanh, Chủ tịch Petrolimex cho biết, tổng doanh thu của Petrolimex trong năm 2012 đạt 198.000 tỷ đồng, tăng 17% so với 2011, lợi nhuận hợp nhất đạt 1.058 tỷ đồng, trong đó, kinh doanh xăng dầu đạt lợi nhuận 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Bảo, “so với con số doanh thu 165.000 tỷ đồng từ kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận 20 tỷ đồng là không đáng kể”.

3. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)

Trong sáu năm từ 2007 – 2012, VNPT liên tục nằm trong danh sách năm doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và trong hai năm 2011 và 2012, VNPT đứng ở vị trí thứ ba.

Cũng trong năm 2012, VNPT lần thứ ba liên tiếp được vinh danh là Thương hiệu Quốc gia – Chương trình do Bộ Công thương tổ chức hai năm một lần, từ 2008.

Năm 2012, dù trong điều kiện khó khăn chung của kinh tế đất nước, do suy giảm kinh tế toàn cầu và sự cạnh tranh gay gắt của thị trường bưu chính viễn thông - CNTT, VNPT vẫn giữ mức tăng trưởng khá với doanh thu đạt 130.390 tỷ đồng, bằng 107,94% so với năm 2011; lợi nhuận đạt 8.768 tỷ đồng, bằng 101,25% kế hoạch; nộp ngân sách Nhà nước 7.561 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, bằng 101,48% so với năm 2011

4. Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam

Theo thông tin chính thức từ doanh nghiệp này, chỉ trong năm tháng đầu năm, doanh thu xuất khẩu của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (KCN Yên Phong I) đạt hơn 4 tỷ USD.

Đạt được doanh số này do ngay trong những tháng đầu năm 2012, Công ty đưa vào hoạt động hai nhà máy sản xuất linh kiện LCD Module và Camera Module, với tổng vốn đầu tư là 192,7 triệu USD.

Tổng vốn đầu tư của Công ty dự kiến đến tháng 6- 2012 đạt 684,7 triệu USD, vượt kế hoạch trước thời hạn ba năm. Giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động.

Hết năm 2012, Công ty phấn đấu vượt mục tiêu doanh thu xuất khẩu là 10 tỷ USD, doanh thu xuất khẩu lũy kế đạt gần 17,6 tỷ USD. Về thị trường tiêu thụ, công ty đã xuất khẩu sản phẩm đến 67 nước trên toàn thế giới.

5. Liên doanh Việt – Nga VIETSOVPETRO

Năm 2012 đánh dấu sự kiện Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro khai thác tấn dầu thứ 200 triệu. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp kể từ năm 2009, Vietsovpetro duy trì được mức sản lượng dầu khí khai thác trên sáu triệu tấn/năm.

Một năm vượt qua muôn vàn thử thách, Vietsovpetro đã đạt những thành tích rất ấn tượng, hoàn thành kế hoạch về doanh thu bán dầu và nộp ngân sách nhà nước cả năm vào ngày 5-10-2012.

Trong đó, doanh thu bán dầu đạt 5,43 tỉ USD (131% kế hoạch), nộp ngân sách nhà nước và lợi nhuận phía Việt Nam đạt 3,54 tỉ USD (150,3% kế hoạch), lợi nhuận phía Nga 524,6 triệu USD (132,9% kế hoạch).

Đây là năm thứ tư trong suốt quá trình hoạt động Vietsovpetro đạt mức doanh thu trên 5 tỉ USD/ năm (2006, 2008, 2011, 2012).

6. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel, doanh thu năm 2012 của hãng đạt hơn 140 nghìn tỷ đồng, tương đương bình quân mỗi ngày đạt gần 400 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận năm 2012 của nhà mạng này đạt gần 25.000 tỷ.

Ngoài thị trường nội địa, Viettel còn khai thác dịch vụ viễn thông tại các nước Campuchia, Lào, Haiti, Peru và Mozambique ở châu Phi.

Tập đoàn này cũng đã thông qua chủ trương các dự án đầu tư thiết lập và khai thác mạng viễn thông tại nước Cộng hòa Thống nhất Tanzania và Đông Timor.

7. Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC)

Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), SJC hiện là doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng lớn nhất của Việt Nam. Đây cũng là doanh nghiệp vừa được trao giải Vàng giải thưởng Top 500 Nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương 2011, do Tạp chí Retail Asia (Singapore) tổ chức.

Trong chín tháng đầu năm 2012, doanh thu của SJC đạt 110.212 tỷ đồng, tương đương 5,283 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và vượt 66% kếhoạch. Lợi nhuận của công ty đạt 366,5 tỷ đồng.

8. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong năm 2012, doanh thu bán điện ước đạt 143.419 tỷ đồng. Năm 2012, EVN sản xuất kinh doanh điện có lợi nhuận khoảng 6.000 tỷ đồng.

Tập đoàn, năm qua, giảm lỗ luỹ kế các năm trước được 3.500 tỷ đồng. Trong năm 2013, EVN dự kiến điện sản xuất và mua 130,53 tỷ kWh, tăng 11% so với năm 2012. Sẵn sàng chuẩn bị đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn.

Tổng sản lượng điện thương phẩm là 117 tỷ kWh, tăng 11,5% so với năm 2012. Giá bán điện bình quân toàn Tập đoàn đạt 1.459 đồng/kWh. Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn xuống 8,8%, trong đó tỷ lệ tổn thất trên lưới điện truyền tải 2,3%, trên lưới điện phân phối 6,5%.

9. Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)

Trong năm 2012, lợi nhuận của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam là 2.500 tỷ đồng, bằng 30% so với thực hiện năm 2011. Vốn chủ sở hữu tập đoàn dự kiến 32.000 tỷ đồng.

Tập đoàn và các công ty con thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách, bảo toàn và phát triển vốn. Dù gặp nhiều khó khăn, Vinacomin vẫn đáp ứng việc làm cho 139 ngàn người, tiền lương của người lao động đạt 7,4 triệu đồng/người/tháng.

Về đầu tư xây dựng cơ bản, Vinacomin thực hiện 19.613 tỷ đồng, bằng 82% kế hoạch năm, bằng 78% so với năm 2011.

Năm 2013, Vinacomin đạt tổng doanh thu là 104.435 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2012), doanh thu sau hợp nhất là 84.620 tỷ đồng. Than tiêu thụ là 43 triệu tấn, tăng 3,7 triệu tấn so với năm 2012. Đầu tư xây dựng cơ bản 2013 là 23.438 tỷ đồng. Phấn đấu nộp ngân sách 12.000 tỷ đồng.

10. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank)

Theo báo cáo của Agribank, tính đến 31-12-2012, tổng dư nợ cho vay (cả ngoại tệ quy đổi VND) đạt 480.453 tỷ đồng, tăng 36.576 tỷ đồng (+8,2%) so với cuối năm 2011, đạt mục tiêu tăng trưởng dư nợ từ 8%-10% đề ra năm 2012.

Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 320.075 tỷ đồng, tăng 37.082 tỷ đồng (+13,1%) so với cuối năm 2011, chiếm tỷ lệ gần 70% tổng dư nợ cho vay, cao hơn mức tăng dư nợ bình quân.

Năm 2013, Agribank đặt ra một số nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp kinh doanh như: Vốn huy động (cả ngoại tệ quy đổi) tăng từ 11% ÷ 13% so với cuối năm 2012; Dư nợ cho vay (cả ngoại tệ quy đổi) tăng từ 9% ÷ 11% so với cuối năm 2012; Doanh thu phí dịch vụ tăng 10% so với năm 2012...

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.