> Trụ sở mới của 8 bộ, ngành sẽ ở khu Hồ Tây
Trụ sở Bộ Xây dựng tại 37 Lê Đại Hành. Ảnh: Minh Tuấn. |
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hệ thống trụ sở làm việc của 36 cơ quan gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 6 cơ quan trung ương các đoàn thể hiện phân tán tại các quận nội thành.
Các trụ sở làm việc này thu hút lượng rất lớn cán bộ hành chính đến làm việc, cán bộ từ các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị đến liên hệ công tác dẫn đến bất cập về cơ sở hạ tầng, tập trung cao các phương tiện gây ách tắc giao thông cục bộ, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của đô thị.
Nhiều trụ sở chật hẹp, đã xuống cấp, cơi nới chắp vá tạo nên cảnh quan kiến trúc rất lộn xộn, không phù hợp với trụ sở của cơ quan
trung ương.
Trên cơ sở hiện trạng, Bộ Xây dựng đề nghị di dời trụ sở 11 bộ, 1 cơ quan thuộc Chính phủ và 5 cơ quan trung ương các đoàn thể.
Hai địa điểm xác định được bố trí xây dựng trụ sở mới của các bộ là khu trung tâm Tây Hồ Tây (khoảng 27 ha) dự kiến xây dựng trụ sở 8 bộ ngành; khu Mễ Trì (khoảng 20-50ha) dự kiến xây dựng trụ sở của 3 bộ và 5 cơ quan trung ương các đoàn thể.
Việc di dời trụ sở của 17 bộ, ngành nêu trên dự kiến cơ bản sẽ hoàn tất vào khoảng năm 2020.
Có 3 phương án triển khai được đưa ra gồm: Giao cho các bộ ngành làm chủ đầu tư triển khai xây dựng; giao cho UBND thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư xây dựng hoàn thiện và bàn giao lại cho các cơ quan sử dụng; giao Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư xây dựng rồi sau khi xây xong giao lại cho các bộ, ngành sử dụng.
Riêng trong năm 2012-2013, Bộ Xây dựng dự kiến thi tuyển ý tưởng kiến trúc quy hoạch các khu hành chính tập trung để chọn các ý tưởng nổi bật, sáng tạo...
Đối với các cơ sở cũ sau khi di dời ra địa điểm mới, Bộ Xây dựng đề nghị thực hiện đấu giá một số khu nhà đất để tạo nguồn vốn xây trụ sở mới; với các trụ sở nằm ở khu vực có hạ tầng tốt, có vị trí xa trung tâm, cho phép chuyển đổi sang các mục đích thương mại; với các công trình có giá trị kiến trúc cần thực hiện bảo tồn, ưu tiên sử dụng cho mục đích văn hoá; khuyến khích chuyển đổi chức năng các cơ sở cũ sang các mục đích công cộng, không gian xanh phục vụ cộng đồng và giảm sự mất cân đối về cơ cấu đất theo từng khu vực.
“Việc quản lý sử dụng, chuyển đổi chức năng phù hợp với các quy hoạch, quy chế quản lý của thành phố Hà Nội”-Bộ Xây dựng khẳng định.