Đấu giá đất ngoại thành Hà Nội: 'Thổi giá' rồi bỏ cọc?

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Nhiều khu vực đấu giá đất tại Hà Nội đang có dấu hiệu đẩy giá
Ảnh minh họa: Nhiều khu vực đấu giá đất tại Hà Nội đang có dấu hiệu đẩy giá
TP - Hai tháng trở lại đây, các phiên đấu giá đất ở huyện Mê Linh, Quốc Oai, Thanh Trì… đang thu hút lượng lớn các nhà đầu tư. Giá trúng đấu giá cao gấp 2, gấp 3, thậm chí gấp 8 lần giá ban đầu tạo nên những cơn “sốt đất”. Tuy nhiên sau đấu giá, không ít nhà đầu tư bỏ cọc.

Gần 100 triệu đồng/m2

Ngày 16/10, huyện Thanh Oai tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 57 lô đất tại khu Góc Quéo 2, thôn Ngọc Đình, xã Hồng Dương. Đa phần các lô đất đều có diện tích khoảng 75m2/lô, mức giá khởi điểm từ 5,3 triệu đồng/m2. 57 lô đất nhận được 2.000 bộ hồ sơ và 400 người tham dự. Nhiều nhà đầu tư nộp đến 10 bộ hồ sơ tham gia nhưng vẫn tay trắng ra về.

Kết quả đấu giá chủ yếu mức giá trên 20 triệu đồng/m2. Giá trúng thấp nhất là 18,8 triệu đồng/m2, gấp 3,5 lần so với giá khởi điểm. Có một lô góc giá trúng còn lên tới 40,2 triệu đồng/m2, cao gấp gần 8 lần so với mức giá khởi điểm.

Cuối tháng 11/2021, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai cũng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 32 thửa đất tại lô S2 thuộc khu đấu giá ĐG06/2019. Các lô đất có diện tích từ 105- 134,5m2, giá khởi điểm từ 25,7 - 47,7 triệu đồng/m2, tương đương 2,7 đến 6,5 tỷ đồng/lô.

Kết quả phiên đấu giá các thửa đất có giá khởi điểm 47,7 triệu đồng/m2, giá trúng dao động từ 63,9 - 76,9 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, lô góc S2-16 có diện tích 134,3 m2 có giá khởi điểm 47,7 triệu đồng/m2 nhưng giá trúng lên đến 99,3 triệu đồng/m2, tương đương 13,3 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần giá khởi điểm. Bên cạnh đó, nhà đầu tư này còn trúng đấu giá lô đất rộng 105m2, với mức giá 76,9 triệu đồng/m2, tương đương hơn 8 tỷ đồng.

Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn của HĐND thành phố Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội dự kiến sẽ thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư triển khai trên diện tích gần 8.000 ha đất của các dự án theo cơ chế đối tác công tư (PPP), đổi đất lấy hạ tầng (BT) bị dừng lại thời gian qua. Cụ thể, qua rà soát có 94/118 dự án bị dừng lại do không phù hợp với Luật Đầu tư theo hình thức PPP. “Các cơ quan của thành phố cũng đang nghiên cứu xây dựng cơ chế, quy trình về đấu thầu quỹ đất này do thành phố mới có cơ chế đấu giá, chưa có cơ chế đấu thầu”, lãnh đạo thành phố cho hay.

Tương tự, trong tháng 11/2021, nhiều khu đất xen kẹt, nhỏ lẻ tại xã Liên Ninh, xã Đại Áng… được UBND huyện Thanh Trì đấu giá thành công với mức giá cao gấp 2 - 3 lần giá khởi điểm, ở mức hơn 60 triệu đồng/m2.

Nhà đầu tư bỏ cọc

Theo kế hoạch của thành phố Hà Nội, trong năm 2021, thành phố sẽ đấu giá quyền sử dụng đất 446 dự án, tổng diện tích 177,29 ha, dự kiến số tiền trúng đấu giá hơn 23,6 nghìn tỷ đồng.

Trong năm 2022, UBND thành phố cũng có kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất 507 dự án; tổng diện tích đất đấu giá là 422,07 ha; tổng số tiền trúng đấu giá dự kiến 38 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất 531 dự án; tổng diện tích đất đấu giá 485,46 ha; tổng số tiền trúng đấu giá dự kiến 42 nghìn tỷ đồng.

Theo một cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mê Linh, vừa qua Trung tâm quỹ đất huyện đã hủy bỏ kết quả và tổ chức đấu giá lại một dự án trên địa bàn do nhà đầu tư bỏ cọc.

Cụ thể, tại dự án đấu giá thôn Ngự Tiền (xã Thanh Lâm) có 10 thửa đất bỏ cọc; dự án tại điểm X2, thôn Văn Lôi (xã Tam Đồng) có 5 thửa đất bỏ cọc; dự án tại điểm X3 (xã Tam Đồng) cũng có trường hợp bỏ cọc… Được biết, khi tham gia đấu giá, họ bỏ giá gấp 2 - 3 lần giá khởi điểm nhưng đến hạn nộp tiền thì bỏ cọc vì nhiều lý do. Số tiền nhà đầu tư bỏ cọc trên địa bàn huyện khoảng 60 tỷ đồng.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong thời điểm nhiều địa phương bị giảm nguồn thu ngân sách từ các hoạt động sản xuất kinh doanh thì tiền thu từ đấu giá, thuê đất là nguồn thu bù đắp đảm bảo nguồn thu. Tuy nhiên đây chỉ là các khoản thu một lần và có tính chất nhất thời.

MỚI - NÓNG