Đau đầu vì rác

Đảo rác nổi Semakau trở thành khu bảo tồn thiên nhiên và du lịch
Đảo rác nổi Semakau trở thành khu bảo tồn thiên nhiên và du lịch
TP - Những ngày qua dân một số khu vực nội thành Hà Nội khá đau đầu và điếc mũi vì các điểm tập kết rác trong khu dân cư dồn ứ,  vì người dân sống quanh bãi rác Nam Sơn chặn xe đổ rác.

Lý do, quá trình đền bù đất chưa thỏa đáng và dây dưa quá lâu. Một cư dân bên bãi rác cho hay với mức đền bù 866.000 đồng/m2 đất thổ cư và 78.000 đồng/m2 đất trồng cây lâu năm, họ không đủ khả năng duy trì cuộc sống sau tái định cư.

Vấn đề của cán bộ xã: không làm sao xác minh được diện tích đất của dân khi có những gia đình khai có hàng ngàn mét đất mà giấy tờ lưu trữ của huyện chỉ xác nhận vài trăm mét... Quẩn quanh như vậy, hơn 20 năm nay giải quyết chưa xong.

Đau đầu thật đấy, nhưng vẫn nhẹ chán so với các nước đã vượt xa chúng ta về xử lý rác. Nhất là những nước không dư đất để mà chôn lấp rác. Nhật Bản quá đỉnh với những rãnh nước có cá bơi lội tung tăng, kể cả nước lụt cũng trong veo như nước bể bơi. Nhưng trên đường phố lại rất hiếm thấy thùng rác. Không có sự tiện lợi dành cho người vứt rác. Mỗi người phải tự mang theo túi đựng rác đem về phân loại, xử lý trước khi vứt.

Chẳng hạn rác nhà bếp phải vắt sạch nước, bọc giấy báo (báo in ở Nhật hẳn bán rất chạy!) rồi mới được cho vào túi rác. Rác gỗ phải được cắt ra từng đoạn dưới 50cm. Rác giấy cần buộc lại, không cho vào túi, không được vứt vào ngày trời mưa. Vỏ chai nhựa phải được tháo nắp, gỡ mác, cho vào túi riêng, loại chai nhựa PET còn phải được rửa sạch và giẫm bẹp trước đã. Với các loại rác ngoại cỡ như giường, tủ, quạt... cần liên hệ trước với công ty rác và phải đóng phí từ 300 ngàn đến gần 1 triệu đồng mỗi lần vứt. Mà một năm cũng chỉ được vứt 2 lần. Dân thị trấn Kakimatsu ở Shikoku còn phải phân rác ra làm... 44 loại khác nhau. Nói chung người vứt rác phải chia sẻ với người gom rác, xử lý rác và ở Việt Nam là cả với những người dân không may sống quanh bãi rác, thì tất cả mới đỡ đau đầu.

Singapore đốt 90% rác thải để tạo ra điện. Nhưng lượng còn lại vẫn rất lớn. Họ đành phải mang ra biển bằng cách cho di dời người dân trên 2 hòn đảo gần nhau vào bờ. Khoảng giữa hai đảo được đổ dàn bê-tông, chống thấm, phân lô làm chỗ đựng xỉ và các loại rác không đốt được. Đất được phủ lên trên và trồng cây tạo thành một khu rừng nổi. Tuy nhiên đảo rác Semakau cũng chỉ đến 2035 là không còn chỗ. Singapore đang phải nghĩ ra những cách rốt ráo hơn để giảm tải rác, bao gồm cấm chai nhựa, ống hút nhựa…

Độ văn minh của Thụy Điển thể hiện qua tỷ lệ tái chế rác lên tới 99%, cao nhất thế giới. Một nửa trong số đó dùng để sưởi ấm vào mùa Đông. Công suất của hệ thống lò này thừa để xuất khẩu, và đôi khi họ phải nhập rác từ nước ngoài mỗi khi lò thiếu chất đốt(!).

Tóm lại, Việt Nam rất cần một lần đau đầu để nghĩ ra công nghệ xử lý rác, rồi người dân cũng cần lao tâm khổ tứ phân loại rác. Như thế mới mong bệnh đau đầu vì rác không tái phát và trở nặng.    

MỚI - NÓNG