> Gặp tổ công tác Biên phòng trực tiếp bắt Lê Văn Luyện
Hành trình chạy trốn của Luyện đã chấm dứt . |
Trở lại xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang vào trưa 6-9, nơi Lê Văn Luyện đặt chân về lần cuối cùng sau khi gây ra tội lỗi tày trời tại hiệu vàng Ngọc Bích ở dốc Sàn, Phương Sơn (Lục Nam, Bắc Giang), chúng tôi gặp anh Lê Văn Thoại - Trưởng Công an xã Thanh Lâm.
Anh Thoại cho biết: “Khi nhận được lệnh từ trên, chúng tôi đã huy động tất cả công an xã, từ bà con lối xóm để có những thông tin cung cấp cho cấp trên. Buổi tối, anh em cắt cử nhau căng mắt chia đi khắp các ngả đường trong xã, nơi giáp ranh để nghe ngóng tình hình. Sự vô vọng trôi trong đêm vắng, nhưng sự giúp sức của người dân cũng làm chúng tôi thêm yên tâm”.
Sau khi Công an huyện thông báo hung thủ bị thương ở tay, Công an xã Thanh Lâm tập trung lực lượng rà soát ở các trạm y tế, bệnh viện.
Trong sáng 29-8, đã xác định được thông tin Luyện có ra băng bó vết thương trên tay ở trạm y tế xã. “Từ thông tin này, đã giúp ích phần nào cho Ban chuyên án xác định và phá án thành công…” - anh Thoại hồi tưởng.
Theo sát thông tin từ những ngày đầu tiên vụ án xảy ra, chúng tôi có dịp chứng kiến không khí làm việc khẩn trương nhưng cũng vô cùng căng thẳng của Ban chỉ đạo án và Ban chuyên án. Cứ đều đặn liên tục trong suốt mấy ngày liền, đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ từ Hà Nội xuống dốc Sàn, về đại bản doanh của Ban chuyên án đặt ở Công an huyện Lục Nam để trực tiếp kiểm tra tại hiện trường, nghe cấp dưới báo cáo án rồi hoạch định, vạch phương hướng khám phá truy bắt hung thủ.
Từ người chỉ huy đến chiến sỹ, tất cả đều đau đáu một nỗi niềm làm sao nhanh chóng vạch mặt, bắt giữ được sớm hung thủ. Công an tỉnh Bắc Giang và các huyện, cán bộ chiến sĩ đều ứng trực với quân số 100%. Các đơn vị đặc biệt tinh nhuệ của Bộ Công an với những trang thiết bị kỹ thuật tối tân và hiện đại nhất cũng được trưng dụng, nhằm phục vụ tốt nhất cho Ban chuyên án.
Kể từ khi phát hiện vết máu lạ và sau đó được Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an xác định là máu của hung thủ để lại tại hiện trường, công tác rà soát các đối tượng nằm trong diện nghi vấn được triển khai trên quy mô rộng hơn trước. Cùng với cảnh sát hình sự của Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang, cảnh sát hình sự thuộc Cục và Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) được tung đi khắp các địa phương giáp ranh với Bắc Giang.
Ngoài ra, ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và cả trong TP Hồ Chí Minh…, cảnh sát hình sự nằm trong Ban chuyên án cũng có mặt, trực tiếp phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an sở tại rà soát từng ngóc ngách và những nơi có thể được xem là chỗ ẩn náu của Luyện như nhà nghỉ, xóm trọ.
Bên cạnh đó, còn phải kể tới lực lượng trinh sát ngoại tuyến. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ cũng tỏa đi khắp nơi, dấn thân vào tận cùng của những địa điểm giáp ranh với các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc.
“Tôi cảm động nhất là mấy ngày xảy ra vụ án đều thấy mấy đồng chí lãnh đạo cấp cao liên tục về Lục Nam để trực tiếp tham gia chỉ đạo phá án” - anh Lê Văn Thoại nhận xét.
Còn trong một buổi họp chỉ đạo án trước đó, chính Trung tướng Phạm Quý Ngọ đã khẳng định: “Quần chúng nhân dân có vai trò quan trọng trong từng phần việc cụ thể để đóng góp cho sự thành công của công việc khám phá án”.
An ninh thủ đô