Tôi hỏi gã: Vì năm chuột, nên anh định “vinh danh” loài này bằng cách thếp vàng lóng lánh? Gã phản đối lòng vòng bằng cách kể một kỷ niệm khi gã còn sống và làm việc ở Pháp. Hồi ấy gã tham dự một sự kiện, trong khi mọi người đều diện trang phục theo qui định, bỗng nhiên có một ông ăn mặc phá cách đi vào. Gã tò mò hỏi người bạn đi cùng, người này cho biết: Đó là một tỷ phú. Đinh Công Đạt kết luận: Vua là một, tỷ phú là hai… mới có quyền giản dị. Mình là người bình thường mà giản dị lại là… hỗn.
Quay lại chuyện làm chuột vàng, “Đạt rồ” nói: “Nếu con chuột này mà sơn xanh, đỏ, tím, vàng, hồng rực… thì phải cỡ Takashi Murakami hay những nghệ sỹ vĩ đại khác. Họ quá tài nên chả phải đụng đến vàng, bạc. Tôi phải cố gắng giỏi hơn nữa, xuất sắc hơn nữa mới làm như họ được. Còn bây giờ cứ phải thếp vàng vào mới là khiêm tốn”. Nhưng sau một hồi lòng vòng, gã cũng lộ ý đồ đòi công bằng cho chuột: “Các con vật khác lộng lẫy được sao con chuột lại không? Trong khi nó chẳng kém các con vật khác”.
Ngắm những con chuột vàng đang hiện dần ra dưới bàn tay gã, người xem như tôi bất giác cảm thấy loài vật xưa nay bị loài người xua đuổi trở nên gần gũi, đáng yêu đến lạ lùng. Khi tôi vừa bước vào xưởng, đã thấy Đinh Công Đạt hỏi mấy công nhân đang làm thuê cho gã: “Cái đuôi con chuột này hình như hơi bé?”. Quan sát một hồi, tôi nhận ra “Đạt rồ” rất chú trọng đuôi chuột. Mỗi chú chuột một kiểu đuôi. Có chiếc đuôi uốn lượn trông thật láu lỉnh, ngộ nghĩnh. Mới hỏi “Đạt rồ” vì sao lại chăm chút cái đuôi của chuột đến thế? Gã đáp tưng tửng: “Ừ thì nó cũng giống như nhiều cô gái chăm chút mái tóc, bàn tay, bộ ngực… Chuột cũng phải có gì để chăm chút chứ!”.
“Đạt rồ” vốn khác người. Gã chẳng phải nhọc công tẩy ý nghĩ xấu về chuột, bởi gã nhìn chuột bằng ánh nhìn của trẻ thơ: “Một đứa trẻ nhìn con chó với con chuột giống nhau. Chỉ có người lớn dè bỉu. Vẻ đẹp ban đầu, sự tinh khôi ban đầu khi nhìn loài vật này đã bị chúng ta đánh mất rất nhanh. Chuyện đó làm chúng ta trở nên méo mó, nghèo nàn và đáng thương. Chúng ta không còn thấy đẹp được nữa, đó là lỗi tại chúng ta”.
"Đạt rồ" đặt câu hỏi: Tại sao người ta ghét chuột lại thích bồ câu, “trong khi bồ câu ở nước ngoài chính là loài chuột biết bay. Dịch bệnh từ đó mà ra. Con bồ câu sống trong hang hốc, ăn bẩn, phân của nó làm hỏng công trình, gây ô nhiễm tệ chẳng kém chuột?”. Bỏ qua tất cả sự “kém sang” và gây hại của chuột mà người đời đã kết tội, Đinh Công Đạt xem chuột là một chủ thể của tác phẩm điêu khắc. Nặn chuột không phải là cách “ban ơn” cho chuột: “Đừng nghĩ mình cao cấp hơn chuột, nhìn xuống chuột như đấng bề trên. Như thế làm sao yêu được nó?”, vừa ngắm đàn chuột “Đạt rồ” vừa nói.
Chuột cũng chẳng phụ công người yêu nó. Khi tôi đến, khắp xưởng của “Đạt rồ” đầy chuột. Mỗi công nhân làm thuê cho xưởng ôm một con chuột chi chút phần nọ, phần kia theo chỉ đạo của nhà điêu khắc. “Đạt rồ” cũng ngồi mải miết thếp vàng cho một con chuột xinh xắn. Chuột của “Đạt rồ” chẳng làm khó đầu óc của người xem, gã tuyên bố: “Con chuột là con chuột, chả việc gì phải vòng vo cả”. Đinh Công Đạt bảo, ngay cả đứa trẻ con nhìn con chuột do gã nặn cũng không thể nhầm sang con mèo hay con chó… được. Điều “Đạt rồ” làm được là biến một loài vật khiến ai cũng muốn lánh xa thành loài vật nhìn “không bị kinh, không bị ghê” (cách nói của gã).
Chuột của Đinh Công Đạt không những “không kinh” mà có phần còn được “nhân cách hóa”. Có những con chuột đứng bằng hai chân tự tin. Gã giải thích: Đáng ra, con này thổi kèn, còn con kia đánh trống. Bởi vì lúc đầu “Đạt rồ” định diễn tả tích đám cưới chuột bằng ngôn ngữ điêu khắc như người bạn gợi ý, song mọi thứ dở dang: “Chỉ bởi tôi ngại quá. Tính tôi đôi khi cũng lười. Mà cũng phải cho mình cái quyền được lười chứ!”. Gã đã nói vậy thì còn ai dám trách? Trong đàn chuột ở xưởng điêu khắc, có những con mới được nặn, có những con đã chào đời cách đây 8,9 năm, bây giờ được “Đạt rồ” mang ra để hoàn thiện. Gã tất bật chăm lo đàn chuột không phải để khoe với thiên hạ khi tết sắp đến, chẳng qua gã vừa trúng đơn đặt hàng lớn: “Năm nay có một bạn chủ gallery ở Anh mua 200 con chuột của tôi liền một lúc, nên tôi phải làm”. Tôi hỏi gã: “Anh cũng ăn nên làm ra nhờ chuột đó chứ?”. Gã kiêu hãnh đáp: “Tôi chẳng quan tâm đến điều đó vì “hàng” của tôi có ế bao giờ”.
“Đạt rồ” không chỉ “chơi” với chuột, diện quan tâm của gã rộng hơn nhiều.Dịp cuối năm 2019, “Đạt rồ” có một triển lãm về trẻ con ở Mỹ, Đạt nặn con cái của đám bạn chơi với gã. Gã không đứng ở trên cao nhìn bọn trẻ con, mà thu mình bé lại để làm bạn, hòa đồng với chúng. Tiện tay gã nặn luôn đám bạn rượu. Tuyền những “tay” nổi tiếng. Đây là Lê Đạt, kia là Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Việt Hà rồi Đào Hải Phong, Lê Thiết Cương, Dương Minh Long… Gã bảo: “Mấy ông già xấu xí này là bạn tôi, bạn rượu của tôi. Tôi không quan tâm bọn chúng nổi tiếng hay không nổi tiếng, chỉ biết đám đó già, xấu, mệt mỏi, cáu kỉnh”.
“Đạt rồ” không xem ti vi, buổi trưa, gã thích nằm trên chiếc võng trong xưởng đọc sách. Trong túi gã lúc nào cũng có sách. Gã đang đọc cuốn “Tư duy nhanh và chậm”, và khen: “Cuốn này bàn về tâm lý học hành vi, rất đáng để xem đấy”.