Đặt điện cực vào não chữa bệnh Parkinson

Bệnh nhân Phan Văn Lục, 71 tuổi đã trở lại sinh hoạt bình thường sau khi được bác sĩ đặt điện cực kích thích vào trong não Ảnh L.N
Bệnh nhân Phan Văn Lục, 71 tuổi đã trở lại sinh hoạt bình thường sau khi được bác sĩ đặt điện cực kích thích vào trong não Ảnh L.N
TP - Kỹ thuật đặt điện cực kích thích vào trong não giúp người bệnh Parkinson trở lại cuộc sống bình thường lần đầu tiên được áp dụng thành công ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TPHCM.

> Lần đầu tiên phẫu thuật cho bệnh nhân Parkinson

Trẻ hóa bệnh nhân Parkinson

Căn bệnh tưởng chừng chỉ xuất hiện ở những bệnh nhân tuổi từ 50 trở lên, nhưng theo PGS- TS Nguyễn Hữu Công, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bệnh Parkinson lại đang được trẻ hóa.

Độ tuổi khởi bệnh trung bình vào khoảng 60 tuổi. Tuy nhiên ngày càng có nhiều bệnh nhân mắc bệnh khi mới 30-40 tuổi. Đây là một bệnh tương đối phổ biến với tỷ lệ mắc là 90-100/100.000 dân.

Vài năm trở lại đây, các bác sĩ chuyên khoa thần kinh ghi nhận nhiều người khoảng 30 tuổi cũng mắc bệnh này.

Đây là một trong những bệnh liên quan đến cử động của cơ thể phổ biến nhất, gặp trong khoảng 1% người trên 60 tuổi, nam bị nhiều hơn nữ gấp 1,5 lần, và càng ngày càng xuất hiện nhiều.

“Dạng thường gặp nhất của bệnh Parkinson là dạng bệnh tự phát, do thoái hóa bên trong hệ thần kinh, không do căn nguyên nào gây nên”- bác sĩ Công giải thích.

Bác sĩ Lê Quốc Nam - Trung tâm sức khỏe tâm thần TPHCM cho biết, ước tính có tới 10% bệnh nhân Parkinson khởi phát bệnh trước 45 tuổi. Nếu khởi phát bệnh sớm trước 40 tuổi thường là có yếu tố di truyền.

Tuy nhiên, người trẻ tuổi bị Parkinson thì lại có quá trình bệnh nhẹ hơn và tiến triển chậm hơn so với người già mới bị Parkinson.

Khỏi bệnh nhờ kỹ thuật mới

Sau 15 năm mắc căn bệnh Parkinson, bà Cao Thị Tuyên, 62 tuổi, ở quận Gò Vấp (TP HCM) sống trong nỗi lo. Căn bệnh khiến cho tay của bà Tuyên run rẩy, mất kiểm soát, các cơ luôn cứng đờ mỗi lần muốn vận động.

3 năm nay bệnh của bà ngày càng nặng thêm trong khi việc điều trị nội khoa lại không đáp ứng nên mọi sinh hoạt gần như phải nhờ người thân.

Bệnh nhân Phan Văn Lục, 71 tuổi ở quận Phú Nhuận (TP HCM) cũng trong tình trạng tương tự. Ông Lục mắc bệnh đã 11 năm, bệnh trở nặng trong vòng gần một năm nay lại đây.

Thăm khám tại khoa Ngoại thần kinh BV Nguyễn Tri Phương, các bác sĩ cho biết ông Lục đã không thể cử động, không nói được và phải nằm một chỗ.

Gần đây mỗi ngày ông phải uống 16 lần thuốc nhưng chỉ khỏe được chừng 3 tiếng rồi sau đó bệnh vẫn đâu lại vào đấy.

Bác sĩ Nguyễn Thi Hùng - Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương cho biết, đối với những bệnh nhân mắc Parkinson nặng như trên việc điều trị bằng thuốc gần như không còn hiệu quả.

Theo bác sĩ Hùng phẫu thuật mới trả lại sinh hoạt bình thường cho họ. Sau nhiều năm ấp ủ, chuẩn bị cơ sở vật chất và cử bác sĩ sang Pháp tập huấn, trong hai ngày 11 và 12-4 khoa Ngoại thần kinh của bệnh viện này đã trực tiếp mổ cho hai bệnh nhân mắc bệnh bằng kỹ thuật đặt điện cực kích thích vào trong não cho hai bệnh nhân bị bệnh Parkinson.

Theo bác sĩ Hùng kỹ thuật này được ứng dụng bằng cách cấy một điện cực và máy kích thích lâu dài vào cơ thể bệnh nhân, đồng thời đặt dưới da lồng ngực một máy phát xung điện.

Hai hệ thống này nối với nhau bằng hai dây dẫn cấy dưới da đầu và cổ vai. Khi xung điện tạo ra, não bộ sẽ hoạt động lại bình thường.

Sau khi dùng kỹ thuật này người bệnh có thể trở lại sinh hoạt cuộc sống bình thường và giảm triệu chứng run tay, co giật mất kiểm soát.

Bác sĩ Phạm Anh Tuấn- Phó khoa Ngoại Thần kinh BV Nguyễn Tri Phương cho biết kỹ thuật này có khả năng ức chế các xung bất thường của não.

Khi máy vận hành, người bệnh linh hoạt trở lại và sự rối loạn vận động, run cứng biến mất. Khoảng 80% bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật này đã trở lại sinh hoạt bình thường và 20% giảm bớt triệu chứng.

Theo bác sĩ Hùng, trước đây do bệnh viện trong nước chưa thực hiện kỹ thuật này điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh Parkinson nên người bệnh phải ra nước ngoài phẫu thuật với chi phí lên đến vài chục nghìn USD/ca.

“Việc ứng dụng kỹ thuật này cho người bệnh lần đầu ở nước ta không chỉ khẳng định bước tiến mới trong kỹ thuật điều trị mà với chi phí giảm hơn một nửa so với thế giới sẽ giúp cho bệnh nhân không còn nỗi lo với bệnh”- bác sĩ Hùng nói.

Thay vì dùng thuốc và phẫu thuật cắt bỏ một trung khu của não có dính líu đến bệnh lý Parkinson, các bác sĩ ở BV Nguyễn Tri Phương (TPHCM) được sự trợ giúp của các chuyên gia đến từ Pháp đã thực hiện thành công kỹ thuật đặt điện cực kích thích vào trong não giúp người bệnh trở lại cuộc sống bình thường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG