Đề toán dành cho học sinh lớp 2 như sau: “Cho số 45, số đó thay đổi như thế nào nếu xóa bỏ chữ số 5…”.
Ở phần đáp án học sinh trả lời: “Xóa bỏ chữ số 5? thì còn số 4 (giáo viên ghi “sai” cùng dòng).
45-4=41”.
Đáp án được cô giáo đánh sai nhận ý kiến trái chiều. Nhiều người nhận định, câu trả lời của học sinh “Xóa bỏ chữ số 5 thì còn số 4” là đúng, đặt ra câu hỏi tại sao cô giáo lại chấm sai trong một đề toán rất đơn giản?
Một số thành viên khác lại cho rằng, học sinh hiểu ý nhưng cách trình bày từ ngữ chưa chính xác. Các phương án khác được nêu ra là: “Xóa bỏ chữ số 5 ta được số 4”, “được số 4 hàng đơn vị”, “số mới là số 4”, “trở thành chữ số 4”… gây tranh cãi.
Từ đó đặt ra vấn đề cô giáo sai hay học trò sai? Đối với học sinh lớp 2, học sinh chỉ cần hiểu bản chất câu hỏi và trả lời có ý đúng hay cần đáp án chuẩn từng từ, từng chữ? Ở những đề toán thuộc dạng quen thuộc, tưởng như ai cũng có thể dễ dàng tìm ra đáp số đôi khi lại khiến người lớn đau đầu.
Trong phần chấm điểm, giáo viên không lý giải vì sao học sinh sai, nên sửa lại như thế nào. Điều này khiến một thành viên ngán ngẩm: “Có bài của học sinh tiểu học mà nhiều người tranh luận mãi chưa xong, mình giảng con cũng không biết phương pháp gì, mới thấy trẻ con giờ khổ quá”.
Về ý thứ 2, học sinh viết "45-4=41", phần lớn cư dân mạng đều cho rằng học sinh trình bày thiếu, đầy đủ là: “Số mới thay đổi so với số cũ là giảm 45-5=40 (đơn vị)”. Như vậy, trong cách chấm của cô giáo nên ghi thiếu, kèm theo bổ sung, không thể đánh giá là sai.
Thành viên T.L – người chia sẻ bài Toán cho biết: “Mình cũng học trường sư phạm và được dạy là giáo viên đúng đến đâu chấm đến đó, sai ở đâu gạch ở đó. Mình không hiểu cô giáo chấm sai ở đây là sai toàn bộ hay sai dòng đầu tiên".
PGS Nguyễn Áng (tác giả của nhiều cuốn sách Toán cấp tiểu học) chia sẻ: “Đây là bài toán tiểu học đã có từ hơn 10 năm trước. Mỗi người có thể hiểu theo ý khác nhau nhưng câu trả lời chính xác nhất là: “Xóa bỏ chữ số 5 ta được số mới là số 4. So với số cũ là giảm đi 45-4=41 đơn vị”.